Petrovietnam định hướng phát triển Amoniac xanh - công nghệ nhiên liệu xanh bền vững

23/09/2024 10:31 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Các công nghệ sản xuất Amoniac xanh từ nguồn năng lượng tái tạo đang được phát triển và áp dụng rộng rãi trên thế giới, với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, chi phí sản xuất Amoniac xanh hiện vẫn cao hơn so với Amoniac truyền thống, nhưng dự kiến sẽ giảm dần trong tương lai khi công nghệ được cải thiện và được áp dụng rộng rãi hơn.

Ngày 20/9, Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) họp, thảo luận về xu hướng phát triển Amoniac xanh, cập nhật công nghệ nhiên liệu xanh bền vững trên tinh thần định hướng phát triển cho Petrovietnam trong lĩnh vực này.

Tại cuộc họp, phân tích cho thấy, Việt Nam có một số lợi thế như nguồn khí tự nhiên, kinh nghiệm sản xuất Amoniac và có các tập đoàn năng lượng lớn; nhưng cũng đối mặt với một số thách thức như chi phí đầu tư cao, thiếu chính sách hỗ trợ cụ thể và chưa có kinh nghiệm trong sản xuất Amoniac xanh.

Petrovietnam định hướng phát triển Amoniac xanh - công nghệ nhiên liệu xanh bền vững
HĐTV Petrovietnam nghe báo cáo, góp ý tại cuộc họp ngày 20/9

Theo Ban Chiến lược Tập đoàn, có một số giải pháp và định hướng về phát triển Amoniac xanh tại Việt Nam như nâng cấp và chuyển đổi dần các nhà máy Amoniac truyền thống sang công nghệ sản xuất Amoniac xanh, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon. Nghiên cứu và phát triển các công nghệ sản xuất Amoniac xanh phù hợp với điều kiện Việt Nam như sử dụng nguồn khí tự nhiên, phế phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh Amoniac xanh, các đại biểu còn thảo luận về phát triển sử dụng nhiên liệu sinh học bền vững trong ngành hàng không (SAF). Theo Ban Công nghệ khí - lọc hoá dầu, sản lượng nhiên liệu sinh học bền vững trong ngành hàng không trên toàn cầu hiện nay còn tương đối thấp, chỉ khoảng 0,24 triệu tấn vào năm 2022, chiếm 41% tổng sản lượng. Tuy nhiên, dự báo sản lượng nhiên liệu sinh học bền vững trong ngành hàng không sẽ tăng nhanh, lên 1,5 triệu tấn vào năm 2024 và 20 triệu tấn vào năm 2030. Nhiều quốc gia đã áp dụng các chính sách thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sinh học bền vững trong ngành hàng không như quy định tỷ lệ sử dụng tối thiểu, ưu đãi về thuế,...

Về công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học bền vững trong ngành hàng không, hiện nay có 4 công nghệ sản xuất chính được công nhận, bao gồm công nghệ từ khí sinh học, dầu thực vật, rác thải hữu cơ và các nguồn nguyên liệu khác. Các công nghệ này đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau, tuy nhiên một số đã được thương mại hóa.

Theo đó, Việt Nam có một số lợi thế như nguồn nguyên liệu từ chất thải nông nghiệp, lâm nghiệp và công nghiệp, có cơ sở hạ tầng phục vụ pha trộn và sử dụng nhiên liệu sinh học bền vững trong ngành hàng không. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức như: chưa có chính sách, quy định cụ thể về nhiên liệu sinh học bền vững trong ngành hàng không; thiếu tiêu chuẩn, quy định sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học bền vững trong ngành hàng không tại quốc gia. Đồng thời, chi phí sản xuất còn cao, trung bình gấp 2-3 lần so với nhiên liệu hoá thạch truyền thống.

Tại cuộc họp, phân tích thị trường và các cơ hội đầu tư, các đại biểu đề cập đến việc hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, phát triển công nghệ chế biến mới. Bên cạnh đó, có thể tận dụng nguồn nước thải từ các nhà máy giấy để sản xuất, giảm thiểu rác thải nhà kính. Bên cạnh các cơ hội, các đại biểu cũng thảo luận về một số thách thức như vấn đề về cơ chế, chính sách, và chi phí đầu tư. Các giải pháp đề xuất bao gồm việc tận dụng nguồn lực sẵn có, mua lại công nghệ, và lập kế hoạch triển khai cụ thể.

Về định hướng phát triển của Tập đoàn, nhận thức chung của Petrovietnam là phấn đấu trở thành tập đoàn công nghiệp - năng lượng. Vì vậy, đối với xu hướng dịch chuyển năng lượng và phát triển năng lượng mới, với mục tiêu đảm bảo sản xuất kinh doanh và phù hợp với xu thế thị trường, Petrovietnam đã xây dựng kế hoạch chiến lược về chuyển dịch năng lượng tích hợp với chiến lược phát triển Tập đoàn.

Đối với nhiên liệu sinh học bền vững trong ngành hàng không, Petrovietnam cần đi sớm hơn, gắn liền với chiến lược sản xuất nguyên liệu hàng hải bền vững; làm rõ danh mục công việc và kế hoạch tổ chức để thiết kế khâu sản xuất, cung và cầu.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 10 nhà máy sản xuất Amoniac, chủ yếu sử dụng công nghệ truyền thống dựa trên khí tự nhiên. Nhu cầu Amoniac tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên khoảng 250 triệu tấn vào năm 2050, chủ yếu phục vụ cho sản xuất phân bón và các ngành công nghiệp khác.
Giang Nam
Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động