Quảng Ngãi: Tăng cường đổi mới khoa học, công nghệ hướng đến phát triển bền vững, xanh hóa ngành Dệt May và Da Giầy

12/07/2023 10:03 Tăng trưởng xanh
Trong bối cảnh thị trường kinh tế thế giới đang có nhiều biến động, nhiều khó khăn thách thức từ nguồn cung ứng vật liệu, thị trường trong nước, việc tăng cường đổi mới khoa học, công nghệ đã và đang là yêu cầu tất yếu để các doanh nghiệp ngành Dệt May và Da Giầy phát triển bền vững.
Các doanh nghiệp ngành Dệt May và Da Giầy trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cần chuyển đổi khoa học, công nghệ nhanh để bắt kịp xu thế và phát triển bền vững
Các doanh nghiệp ngành Dệt May và Da Giầy trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cần chuyển đổi khoa học, công nghệ nhanh để bắt kịp xu thế và phát triển bền vững

Nhằm cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 29/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 phù hợp với định hướng phát triển ngành Dệt May và Da Giầy tỉnh Quảng Ngãi tại Quyết định số 2125/QĐ-UBND ngày 24/12/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thời gian qua Quảng Ngãi đã có nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả trong phát triển ngành Dệt May và Da Giầy.

Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 09 tháng 5 năm 2023 về thực hiện Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi trong đó xác định các mục tiêu cụ thể cho các giai đoạn đến năm 2030 và giai đoạn 2031-2035.

Trong giai đoạn đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp ngành Dệt May và Da Giầy giai đoạn 2021-2030 đạt 15-17%; tổng kim ngạch xuất khẩu ngành Dệt May và Da Giầy năm 2025 đạt 345 triệu USD, năm 2030 đạt 400 triệu USD; tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu Dệt May và Da Giầy cả nước bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 8 - 8,3%”;

Đến giai đoạn 2031-2035, tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành Dệt May và Da Giầy là một trong những ngành chủ lực về sản xuất và xuất khẩu của tỉnh, có tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu bằng hoặc cao hơn cả nước.

UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm Dệt May và Da Giầy, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị xuất khẩu ngành Dệt May và Da Giầy bên cạnh việc nâng cao ý thức của doanh nghiệp Dệt May và Da Giầy trong việc cải tiến kỹ thuật, bảo vệ môi trường, tham gia vào chuỗi giá trị liên kết toàn cầu, đảm bảo phát triển theo hướng công nghệ sạch, thân thiện, ưu tiên giảm chất thải.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường các hoạt động nhằm thu hút đầu tư các dự án có hàm lượng khoa học và công nghệ cao, có năng lực cạnh tranh cao và đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; củng cố và phát triển các dự án hiện có, tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao dựa trên quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa; ưu tiên phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành Dệt May và Da Giầy; đẩy mạnh khâu nghiên cứu và thiết kế sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm; đẩy mạnh chuyển từ gia công sản xuất sang các hình thức đòi hỏi năng lực quản lý cao hơn về chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong lĩnh vực Dệt May và Da Giầy.

Ngoài ra, để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển bền vững, xanh hóa ngành Dệt May và Da Giầy, UBND tỉnh cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Dệt May và Da Giầy đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến công nghệ, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ sản xuất mới, công nghệ thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng; nghiên cứu tạo công nghệ mới; thiết kế, chế tạo thiết bị công nghệ mới thay thế thiết bị nhập ngoại... theo chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi được quy định tại Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND ngày 15/10/2021 của HĐND tỉnh Quảng Ngãi quy định một số chính sách hỗ trợ chuyển giao, đổi mới công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh; Chương trình khuyến công tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025.

Tỉnh khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong sản xuất và phát triển các loại nguyên, phụ liệu trong nước chưa sản xuất được, các sản phẩm Dệt May và Da Giầy chất lượng cao, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn, thân thiện môi trường; tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong ngành Dệt May và Da Giầy đầu tư nghiên cứu khoa học và áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất.

Mặt khác, tỉnh tiếp tục triển khai đẩy mạnh ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (in 3D, vật liệu mới, tự động hóa, robot, số hóa...), tăng cường chuyển đổi số trong sản xuất và xúc tiến thương mại lĩnh vực Dệt May và Da Giầy; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội thảo về chuyển đổi số trong sản xuất và xúc tiến thương mại lĩnh vực Dệt May và Da Giầy đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp Dệt May và Da Giầy trong tỉnh tiếp cận, thực hiện quy hình xanh hóa trong sản xuất và đạt các chứng chỉ về bảo vệ môi trường, về tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn của các thị trường mục tiêu.

Tỉnh sẽ chủ trì, phối hợp tổ chức các khóa đào tạo, phổ biến thông tin và nâng cao năng lực về quản lý và kiểm soát các vấn đề về môi trường tại doanh nghiệp (kiểm soát hóa chất, tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ nước...); nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, chuỗi giá trị minh bạch... phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường sản xuất sạch hơn với khả năng tuần hoàn, tận thu, tái sử dụng chất thải, hay cải tiến sản phẩm để phù hợp với quy định của Pháp luật bảo vệ môi trường.

Xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị ngành, xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao và tập trung tăng cường đổi mới khoa học, công nghệ hướng đến phát triển bền vững, xanh hóa ngành Dệt May và Da Giầy không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà còn là trách nhiệm của các doanh nghiệp trong bối cảnh lợi ích sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động quản trị sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đây cũng là chìa khóa để các doanh nghiệp ngành Dệt May và Da Giầy có thể vươn lên, thoát khỏi những khó khăn do ảnh hưởng của kinh tế thế giới nửa cuối năm 2023 cũng như đóng góp vào thành công chung trong Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 của đất nước.

Dương Mỹ
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động