Sở hữu trí tuệ trong các FTA thế hệ mới: Cam kết ở mức độ cao và toàn diện
Theo Cục SHTT, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực hội nhập quốc tế về SHTT, đặc biệt với việc đạt được các mốc quan trọng trong việc đàm phán các FTA lớn, được đánh giá là có ảnh hưởng nhiều tới kinh tế Việt Nam nói chung và hệ thống SHTT nói riêng. Đặc biệt là hai FTA thế hệ mới gồm Hiệp định FTA Việt Nam và EU (EVFTA) và CPTPP, các cam kết SHTT ở mức độ cao và toàn diện hơn, phạm vi các vấn đề điều chỉnh đa dạng, bao trùm nhiều lĩnh vực.
Nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ
Bên cạnh việc khẳng định các nguyên tắc cơ bản quan trọng của Hiệp định TRIPS như các hiệp định khác, hai hiệp định này đặt ra yêu cầu cao về minh bạch hóa các chính sách, quy định liên quan đến SHTT.
Mặc dù pháp luật Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng được nghĩa vụ minh bạch hóa chính sách và thông tin thực thi quyền tại EVFTA và CPTPP, nhưng với yêu cầu công bố thông tin mở rộng ra mọi quyết định hành chính có hiệu lực áp dụng chung cũng như các thông tin liên quan đến thẩm định hồ sơ đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, nghĩa vụ này cũng vẫn là một gánh nặng đòi hỏi cải tiến không ngừng hệ thống chính sách cũng như hệ thống công nghệ thông tin của Việt Nam.
Đặc biệt, liên quan đến chế độ bảo hộ quyền SHTT, đối với từng loại quyền cụ thể, CPTPP lại đưa ra những tiêu chuẩn riêng. Ví dụ, đối với nhãn hiệu, phải bảo hộ nhãn hiệu âm thanh và nỗ lực bảo hộ nhãn hiệu mùi (trong khi TRIPS và pháp luật của Việt Nam hiện tại chỉ bảo hộ dấu hiệu nhìn thấy được). Bên cạnh đó, các hiệp định này còn yêu cầu cơ chế bảo hộ cao trong những lĩnh vực có liên quan đến sức khỏe cộng đồng như cơ chế độc quyền dữ liệu thử nghiệm bí mật và dữ liệu bí mật khác trong thủ tục đăng ký lưu hành nông hóa phẩm (CPTPP)…
Đáng chú ý, các hiệp định cũng yêu cầu siết chặt thực thi quyền SHTT thông qua các chế tài xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính, hình sự. Ví dụ, đối với kiểm soát biên giới, hai hiệp định này đều yêu cầu cơ chế chủ động kiểm soát hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu và quá cảnh đối với hàng giả mạo nhãn hiệu và hàng sao lậu quyền tác giả và quyền liên quan mà không cần phải có yêu cầu của chủ SHTT như quy định hiện nay. Hoặc như đối với chế tài hình sự, CPTPP yêu cầu hình sự hóa hàng loạt hành vi xâm phạm quyền theo hướng hạ thấp yếu tố cấu thành tội phạm, ví dụ, hành vi xâm phạm bí mật thương mại trên mạng máy tính, hoặc sử dụng tem nhãn và bao gói giả mạo nhãn hiệu thay vì sản phẩm giả mạo… cũng đã có thể bị xử lý hình sự. Xa hơn, hiệp định này còn quy định nghĩa vụ phải xử lý hình sự mà không cần yêu cầu của chủ thể quyền hoặc bên thứ ba như pháp luật hiện nay đang quy định.