Tăng cường công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

18/09/2018 20:06 Tác động môi trường
Công tác Quản lý, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) là vấn đề cấp bách trong công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị, CTRSH là hỗn hợp của rất nhiều loại phát sinh từ các nguồn: các hộ gia đình, chợ, trường học, bệnh viện, cơ quan hành chính. Chất thải khu vực này có tỷ lệ khá cao các chất hữu cơ, chủ yếu từ thực phẩm, chất thải vườn và phần lớn đều là chất hữu cơ dễ phân hủy (tỷ lệ thành phần chất dễ phân hủy chiếm 55-75%).

Công tác thu gom, vận chuyển
Theo điều tra, thống kê hiện nay tại các đô thị như thành phố Bắc Giang và các thị trấn ở các huyện cơ bản rác được thu gom; với vùng nông thôn, việc thu gom chủ yếu ở khu vực đồng bằng, ven đô thị, gần các khu vực trung tâm xã; nhiều khu dân cư vùng sâu, miền núi, thưa dân, phát sinh rác ít người dân tự xử lý bằng chôn lấp, hoặc đốt tự nhiên.
Khối lượng thu gom: Trong tổng khối lượng phát sinh 812 tấn/ngày, khối lượng thu gom là 604 tấn/ngày (bằng 74% tổng lượng phát sinh), khối lượng chưa thu gom là 208 tấn/ngày (chiếm 26% tổng lượng phát sinh).
Thực tế hiện nay hình thức thu gom, vận chuyển CTRSH tại đô thị: Từ nơi phát sinh đến điểm tập kết trung chuyển và đến khu xử lý được thực hiện phổ biến tại các địa phương có bãi xử lý tập trung quy mô huyện, cụm xã (như TP Bắc Giang, huyện Việt Yên, huyện Hiệp Hòa, huyện Yên Thế…). Đơn vị thực hiện là tổ vệ sinh môi trường thu gom rác đến điểm tập kết; các công ty, hợp tác xã thực hiện vận chuyển rác về khu xử lý; Phương tiện thu gom, vận chuyển: Được sử dụng khá đa dạng, có nơi khá chuyên nghiệp như TP Bắc Giang và một số thị trấn của các huyện, các công ty, hợp tác xã vệ sinh môi trường đến thu gom bằng xe chở rác chuyên dụng; còn lại chủ yếu còn thô sơ như: xe cải tiến, xe ngựa, xe máy kéo, xe đẩy tay…
Công tác xử lý
Hiện nay, thành phố Bắc Giang và khu trung tâm các huyện có khu xử lý tập trung do các công ty, hợp tác xã vệ sinh môi trường trực tiếp thực hiện xử lý bằng chôn lấp và đốt. Tại một số khu xử lý của thị trấn, xã nông thôn mới, một số thôn rác thải được các tổ vệ sinh môi trường thực hiện xử lý bằng lò đốt công suất nhỏ. Ngoài ra, còn phổ biến ở nhiều địa phương với việc rác thải được chôn lấp tạm thời.
Tổng khối lượng rác được xử lý khoảng 447 tấn/ngày (bằng 55,05% tổng lượng phát sinh), trong đó: xử lý bằng lò đốt 109 tấn/ngày; chôn lấp là 338 tấn/ngày. Cụ thể:
+ Xử lý bằng lò đốt: Trên địa bàn có 49 lò đốt công suất nhỏ từ 100 – 500 kg/giờ, tổng khối lượng rác được xử lý 109 tấn/ngày. Trong đó: 21 lò đốt công suất từ 300- 500 kg/giờ được đặt tại các bãi rác của huyện, xã; 28 lò đốt công suất khoảng 100 - 150 kg/giờ đặt ở các thôn. Hầu hết theo đánh giá các lò đốt chưa đảm bảo quy chuẩn về môi trường.
+ Xử lý bằng chôn lấp: Trên địa bàn tỉnh đã hình thành và đưa vào hoạt động 259 bãi chôn lấp rác thải, trong đó: 04 bãi chôn lấp hợp vệ sinh (bãi rác thành phố Bắc Giang, huyện Yên Thế, Việt Yên, Hiệp Hòa) với khối lượng 207 tấn/ngày; còn lại 255 bãi chôn lấp ở các xã, thôn xử lý cho với khối lượng khoảng 131 tấn/ngày, chủ yếu rác được chôn lấp chưa đảm bảo vệ sinh.
Rác thải đã được thu gom về các điểm tập kết, khu xử lý nhưng chưa được xử lý hết (rác tồn lưu hàng ngày): 157 tấn/ngày.
Mặc dù các văn bản pháp luật đối với vấn đề thu gom, xử lý CTRSH đã được ban hành tương đối đầy đủ, nhưng khả năng áp dụng trong thực tế còn nhiều hạn chế và việc hướng dẫn thực thi chưa kịp thời. Cơ chế chính sách ưu đãi về đầu tư xử lý CTRSH còn nhiều khó khăn, chưa thực sự khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia. Bên cạnh đó, chất lượng của công tác quy hoạch chưa cao, sự tham gia, phối hợp giữa các Bộ ngành còn nhiều hạn chế, chồng chéo; ý thức cộng đồng còn hạn chế... trở thành khó khăn lớn đối với công tác quản lý, xử lý CTRSH.
Theo dự báo lượng CTRSH nông thôn phát sinh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 là trên 1023 tấn/ngày, khối lượng CTR được thu gom khoảng 820 tấn/ngày, trong đó CTR hữu cơ chiếm 65%, CTR có khả năng tái chế chiếm 20%, CTR vô cơ chiếm 25% thành phần chất thải. Để giảm lượng CTRSH nông thôn chôn lấp cần giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng CTRSH phù hợp với địa phương, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân đối với bảo vệ môi trường. Nếu tất cả CTR phân hủy sinh học được xử lý sẽ giảm được 60% lượng CTR chôn lấp, việc này sẽ giảm chi phí đáng kể cho việc xử lý rác ở bãi chôn lấp hoặc chi phí vận chuyển.
Để công tác quản lý CTR đạt hiệu quả, việc quy hoạch quản lý CTR cần phải được triển khai đồng bộ. Cần tiến hành thực hiện phân loại CTR tại nguồn, vạch tuyến thu gom, riêng từng loại CTR, vận chuyển theo các tuyến lộ trình đã được quy hoạch hợp lý; Phải quy hoạch bố trí các điểm tập trung CTR tránh tình trạng thu gom ngay dưới lòng đường; Quy hoạch các trạm trung chuyển CTR cho đô thị; Công nghệ xử lý CTR hướng tới việc thân thiện vói môi trường, vận hành đơn giản và ít tốn kém, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và đảm bảo tiêu chí tỷ lệ chôn lấp chỉ còn dưới 15%, tăng cường tỷ lệ tái chế và tái sử dụng CTR. Bên cạnh đó, cần tăng phí vệ sinh của các hộ gia đình nhưng phải minh bạch, công khai các khoản tiền đóng góp này. Đặc biệt, cần làm tốt công tác tuyên truyền vận động thông qua chương trình giáo dục ở trường học và các phương tiện thông tin đại chúng để người dân phân loại rác ngay tại nguồn, không vứt rác bừa bãi, tự nguyện đóng góp phí vệ sinh đầy đủ.
Quản lý, xử lý CTRSH không phải là việc “một sớm một chiều” với tất cả các địa phương, do đó bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, đồng thời kiểm soát chặt chẽ nguồn rác thải phát sinh, nhất là việc lưu giữ, vận chuyển, xử lý và thải bỏ chất thải, kiện toàn bộ máy thực thi công tác bảo vệ môi trường các cấp; huy động nguồn tài chính, tăng đầu tư về công nghệ, kỹ thuật trong lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải nói chung và rác thải khu vực nông thôn nói riêng. Có như vậy, CTRSH mới không còn là “nỗi ám ảnh” đối với sự phát triển của xã hội./.

Dương Mỹ
Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động