Tập đoàn Sao Mai đầu tư tại Thanh Hóa: Nhiều vấn đề về bảo vệ môi trường được đặt ra?

12/01/2022 10:21 Tác động môi trường
Công ty CP Tập đoàn Sao Mai được biết đến với vai trò là chủ đầu tư tại Dự án Khu resort Sao Mai Thanh Hóa và dự án Khu đô thị mới Sao Mai (xã Minh Sơn, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa). Theo ghi nhận của phóng viên, tại 2 dự án này hiện đang tồn tại nhiều vấn đề về công tác bảo vệ môi trường.

Khu resort Sao Mai Thanh Hóa sau gần 10 năm mới có đánh giá tác động môi trường

Được biết, Dự án này được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp Chứng nhận chủ trương đầu tư số 26121000031 ngày 10/10/2013 cho Công ty CP Đầu tư cây dựng Sao Mai An Giang (nay là Công ty CP Tập đoàn Sao Mai).

Dự án có tổng mức đầu tư 550 tỷ đồng, diện tích là 48ha; Về tiến độ, dự án khởi công vào Quý I/2015, hoàn thành đưa vào sử dụng vào quý II/2017.

Theo điều 7 của Giấy chứng nhận đầu tư này, dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo Nghị định số 108/2006/ND-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ và danh mục lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt ưu đãi theo nghị định 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 của Chính phủ.

Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu Resort Sao Mai Thanh Hóa, xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân
Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu Resort Sao Mai Thanh Hóa, xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân.

Theo đó, Chủ đầu tư sẽ được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 11 năm đầu kề từ ngày xây dựng hoàn thành đưa dự án đi vào hoạt động; được thuê đất với mưc giá thấp nhất do UBND tỉnh Thanh Hóa quy định.

Ưu đãi là vậy, tuy nhiên, đến ngày 23/11/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 4660/QĐ-UBND điều chỉnh chủ trương dự án; Ngày 02/12/2021 UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 4875/QĐ-UBND về việc phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Như vậy, sau gần 10 năm, dự án mới có được bản đánh giá tác động môi trường hoàn chỉnh, trước đó, Chủ đầu tư chỉ là cam kết về môi trường (nội dung này, phóng viên sẽ phân tích ở bài sau) và tổng diện tích dự án cũng được tăng lên đáng kể sau Quyết định số 4660/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Cần nhấn mạnh là, dự án chỉ được hưởng ưu đãi nêu trên nếu Chủ đầu tư thực hiện đúng với hồ sơ đăng ký và thực hiện đầy đủ chế độ sổ sách kế toán.

Việc dự án đến giờ vẫn chưa đưa vào sử dụng, chậm triển khai nhiều năm, UBND tỉnh Thanh Hóa có áp dụng các chế độ ưu đãi nêu trên hay không vẫn đang là câu hỏi ngỏ. Nhưng sự lãng phí trong sử dụng bền vững tài nguyên đất tại dự án này là có thật.

Khu đô thị Sao Mai Triệu Sơn lấy đất lúa quên trình Thủ tướng

Ngày 24/3/2020, Bộ TNMT có Công văn số 1514/BTNMT-TCQLĐĐ về việc chuyển đổi đất trồng lúa thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, diện tích đất trồng lúa thu hồi thực hiện dự án cần trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, trước đó, sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa (TN&MT) cùng một sở ngành khác đã tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt.

Dự án khu đô thị cao cấp Sao Mai Triệu Sơn (Thanh Hóa) do Tập đoàn Sao Mai (ASM) làm chủ đầu tư, có tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 và giai đoạn 2 hơn 1.200 tỷ đồng, chính thức khởi công vào ngày 21/4/2016.
Dự án khu đô thị cao cấp Sao Mai Triệu Sơn (Thanh Hóa) do Tập đoàn Sao Mai (ASM) làm chủ đầu tư, có tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 và giai đoạn 2 hơn 1.200 tỷ đồng, chính thức khởi công vào ngày 21/4/2016.

Ngày 26/3/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa có Văn bản số 3681/UBND-NN gửi Sở TN&MT Thanh Hóa, UBND huyện Triệu Sơn, Công ty CP Tập đoàn Sao Mai về việc hoàn thiện lại hồ sơ phục vụ thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển mục đính sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án Khu đô thị Sao Mai tại Triệu Sơn.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở TN&MT chỉ đạo, nghiêm túc rút kinh nghiệm trong đầu mối phối hợp, cung cấp hồ sơ phục vụ thẩm định trình Thủ tướng chấp thuận cho chủ đầu tư chuyển đổi đất lúa theo yêu cầu của Bộ TN&MT.

Vậy, việc hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét đang ở giai đoạn nào? Dự án chưa hoàn thiện về pháp lý nhưng vẫn đang được rao bán và thế chấp tại các tổ chưc tín dụng ra sao, phóng viên sẽ tiếp tục cập nhật thông tin!

Hoa Vinh - Nhã Linh
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động