Thanh Hóa: Mục tiêu phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đến năm 2023
Mục tiêu phát triển Công nghiệp chế biến, chế tạo
Theo Đề án Phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 506/QĐ-UBND ngày 28/01/2022
Tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, theo hướng mở rộng và đầu tư mới, bổ sung các ngành công nghiệp nặng đi đôi với mở rộng, hiện đại hoá, tăng hiệu quả các ngành công nghiệp nhẹ. Từng bước tăng tỷ trọng các ngành sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, chế biến sâu và xuất khẩu.
Phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như lọc hóa dầu, hóa chất, may mặc, da giày; vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm, thủy sản, chế tạo máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp kim loại, cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, điện tử - công nghệ thông tin có hàm lượng khoa học công nghệ cao.
Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tập trung phát triển các nhóm ngành công nghiệp sau: Nhóm ngành cơ khí, điện tử và sản xuất kim loại; nhóm ngành hóa chất, cao su, nhựa; nhóm ngành sản xuất vật liệu xây dựng; nhóm ngành thực phẩm và đồ uống; nhóm ngành dệt may, da giày; nhóm ngành chế biến lâm sản; nhóm công nghiệp chế biến chế tạo khác.
Phấn đấu phát triển ngành công nghiệp với tốc độ nhanh, bền vững, làm nền tảng chuyển dịch cơ cấu kinh tế toàn tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kết hợp giữa phát triển công nghiệp với đầu tư kết cấu hạ tầng; xây dựng đồng bộ và nâng cao hiệu quả hoạt động các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; triển khai nhanh các dự án trong Khu kinh tế Nghi Sơn, tạo hạt nhân tăng trưởng cho nền kinh tế toàn tỉnh phát triển.
Phát triển công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp Thanh Hóa hướng đến các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ và chuyên môn hóa cao, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ gắn kết với phát triển các ngành công nghiệp trong vùng trong khu vực và cả nước; phấn đấu Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung và cả nước, gắn với phát triển bền vững; cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở phía bắc của Tổ quốc. Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Thanh Hóa cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
ĐVT: Tỷ đồng, giá SS 2010
Chỉ tiêu | Năm 2015 | Năm 2020 | Năm 2025 (dự báo) | Năm 2030 (dự báo) | Tăng trưởng bình quân (%/năm) | |||
2016- 2020 | 2021- 2025 | 2026- 2030 | 2021- 2030 | |||||
VACN toàn tỉnh | 10.817,7 | 33.132,9 | 70.000 | 120.000 | 25,1 | 16,1 | 11,4 | 13,7 |
VACN CB, CT | 8.816,4 | 29.024,4 | 62.090 | 110.520 | 26,9 | 16,4 | 12,2 | 14,3 |
Chiếm tỷ trọng (%) | 81,5 | 87,6 | 88,7 | 92,1 |
Giá trị gia tăng ngành công nghiệp (VACN) chế biến, chế tạo đến năm 2020, dự báo đến năm 2030.
Nhiệm vụ phát triển ngành công nghiệp chế biến chế tạo
Công nghiệp chế biến, chế tạo tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 tập trung ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có giá trị và có năng suất cao, trong đó trọng tâm là: Sản phẩm lọc hóa dầu, khí hóa lỏng, nhựa, hóa chất, điện tử viễn thông, dược phẩm và thiết bị y tế và các ngành công nghiệp hạ nguồn khác như may mặc, dệt may, da giày, thức ăn gia súc và chế biến thực phẩm; quan tâm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Phát triển công nghiệp chế biến chế tạo theo hướng kết hợp hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó chú trọng phát triển theo chiều sâu. Có cơ chế, chính sách đột phá để thu hút và mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp nặng, trong đó trọng tâm là phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo dựng mối liên kết giữa vùng nguyên liệu chế biến với cơ sở sản xuất. Phát triển hợp lý các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động để giải quyết việc làm, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ưu tiên thu hút một số ngành công nghiệp mới, công nghệ cao như thiết bị và linh kiệnđiện tử, vật liệu mới, tự động hóa…để tạo ra các động lực tăng trưởng mới.
Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, từng bước hình thành và phát triển một số cụm liên kết các ngành công nghiệp chủ lực. Giai đoạn 2021-2025 tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp đạt 16,4%/năm; giai đoạn 2026-2030 đạt 12,2%/năm. Tập trung phát triển các nhóm ngành sau:
Nhóm ngành cơ khí, điện tử và sản xuất (SX) kim loại
Tập trung phát triển sản phẩm cơ khí, điện tử và SX kim loại gắn với ứng dụng công nghệ cao, phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, điện tử và SX kim loại phục vụ sản xuất lắp ráp ô tô, phục vụ ngành cơ khí chế tạo;
Thu hút đầu tư cơ khí, điện tử và SX kim loại tại Khu kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp, trọng tâm là Cụm công nghiệp phía tây thành phố Thanh Hóa, Khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng.
Khuyến khích thu hút các dự án đầu tư công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, sản xuất thiết bị, phụ tùng máy móc, động cơ điện, máy nông nghiệp, máy xây dựng, lắp ráp phương tiện vận tải, các sản phẩm cơ điện tiêu dùng.
Nhóm ngành hóa chất, cao su, nhựa
Thu hút các dự án mới, mở rộng các dự án hiện có:
Đầu tư mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, nâng công suất Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn lên khoảng 20 triệu tấn dầu thô/năm; tiếp tục thu hút các dự án chế biến sản phẩm từ lọc hóa dầu như sản xuất Propylyne, sợi tổng hợp PET, phân bón DAP, Polyethylen, Paraxilene.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án số 1 - Tổ hợp hóa chất Đức Giang tại KKT Nghi Sơn, công suất 136.000 tấn sản phẩm/năm; đầu tư mở rộng, đầu tư dự án số 2 và dự án số 3, đưa tổng công suất của cả 3 dự án đạt 386.000 tấn sản phẩm/năm.
Tạo điều kiện để dự án Nhà máy sản xuất lốp ô tô Radial (giai đoạn 1), công suất 960.960 sản phẩm/năm tại KCN Bỉm Sơn vào hoạt động ổn định; thúc đẩy mở rộng giai đoạn 2 và 3 đưa tổng công suất của nhà máy cả 3 giai đoạn lên trên 1.960.000 sản phẩm/năm.
Nhóm ngành sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD)
Hoàn thành đầu tư, đưa vào hoạt động ổn định 05 nhà máy xi măng; tiếp tục đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ khai thác, chế biến đá xuất khẩu, duy trì sản lượng đạt khoảng 25 triệu m2/năm.
Ổn định sản xuất sản lượng gạch lát nền đạt 15 triệu m2/năm; Giai đoạn 2026-2030 tiếp tục đổi mới công nghệ, nâng cao công suất đạt 20 triệu m2/năm.
Hạn chế phát triển sản xuất gạch nung, phát triển mạnh hơn các sản phẩm vật liệu xây không nung; phát triển sản xuất các loại ngói không nung có phủ màu chất lượng cao dùng để trang trí, các loại ngói giả cổ. Phát triển sản xuất các loại tấm lợp thông minh, tấm lợp sinh thái, tấm lợp nhựa cao cấp lấy ánh sáng tự nhiên.
Phát triển đa dạng các loại bê tông đặc biệt như bê tông cường độ cao, bê tông nhẹ, bê tông chịu nhiệt, bê tông cách âm cách nhiệt, bê tông bền nước biển.
Nhóm ngành thực phẩm và đồ uống
Đầu tư đổi mới công nghệ của các nhà máy đường hiện có nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; ổn định diện tích vùng nguyên liệu, tập trung đầu tư chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng nguyên liệu.
Tập trung xây dựng Nhà máy chế biến sữa của Công ty CP ứng dụng CNC nông nghiệp và thực phẩm sữa TH, hoàn thành giai đoạn I trước năm 2025 và giai đoạn II trước năm 2030.
Tiếp tục thu hút thêm các dự án chế biến gia súc gia cầm trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường nội tỉnh, trong nước và xuất khẩu.
Nhóm ngành dệt may, da giày
Khuyến khích thu hút đầu tư các dự án may mặc, da giày ở khu vực trung du, miền núi để thu hút lao động tại chỗ và thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các huyện miền núi.
Khuyến khích doanh nghiệp may mặc, da giày đổi mới công nghệ, để nâng cao công suất, chất lượng sản phẩm.
Thu hút đầu tư dự án công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giầy có công nghệ hiện đại, bảo vệ lý môi trường để cung cấp nguyên liệu tại chỗ cho ngành may mặc, da giày của tỉnh.
Nhóm ngành chế biến lâm sản
Đầu tư chiều sâu, phát triển ổn định các nhà máy chế biến hiện có. Thu hút đầu tư các dự án chế biến sâu, sản phẩm chất lương cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
Giai đoạn 2021-2025: Thu hút đầu tư và đưa vào sản xuất ổn định nhà máy chế biến gỗ ván ép, nhà máy chế biến ván luồng ép thanh và nhà máy chế biến sản phẩm mộc cao cấp tại các huyện miền núi thấp như Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Như Xuân. Đến năm 2025, sản lượng đạt 150.000m3 ván ép. Thu hút dự án khu liên hợp sản xuất giấy chất lượng cao Tissue tại Khu kinh tế Nghi Sơn với nguyên liệu từ cây keo, bạch đàn, xoan, tre, luồng, nứa.
Giai đoạn 2026-2030: Tiếp tục thu tục thu hút các dự án chế biến sâu từ dăm gỗ, tre, luồng. Đến năm 2030 sản lượng đạt 300.000m3 ván ép. Sau năm 2030 ổn định về sản lượng sản phẩm để tập trung đầu tư đa dạng về mẫu mã và chất lượng, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Nhóm công nghiệp chế biến chế tạo khác
Đầu tư nâng cấp và mở rộng sản xuất các cơ sở hiện có, nâng công suất chế biến thức ăn chăn nuôi lên khoảng 250.000 tấn/năm.
Công nghiệp sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu: Quan tâm thu hút đầu tư phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất các loại mỹ phẩm, thuốc, dược phẩm cao cấp và các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất và đời sống. Nghiên cứu phương án hình thành phân khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao sinh học trong KCN Lam Sơn - Sao Vàng.
Tập trung nhiều giải pháp phát triển ngành công nghiệp chế biến chế tạo
Thứ nhất, giải pháp về công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch
Sau khi Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được phê duyệt, thực hiện việc công bố công khai quy hoạch; các cấp, các ngành tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả quy hoạch được duyệt; Ủy ban mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường giám sát thực hiện quy hoạch.
Thứ hai, giải pháp về cơ chế chính sách
Xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách phục vụ cho phát triển ngành công nghiệp của tỉnh.
Thứ ba, giải pháp về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng
Tập trung thu hút đầu tư hạ tầng Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn, tạo mặt bằng để thu hút các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp.
Thứ tư, giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư
Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao các chỉ số đo lường về môi trường đầu tư như PCI, PAPI, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào tỉnh nói chung và đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nói riêng. Chú trọng đến công tác cải cách quyết liệt, thực chất và hiệu quả thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, kịp thời loại bỏ, tháo gỡ các rào cản, khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thông thoáng và dễ thực hiện, hấp dẫn các nhà đầu tư. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư với các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo.
Công khai, minh bạch hệ thống thông tin kinh tế - xã hội, pháp luật, chính sách, các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phát triển ngành, lĩnh vực, danh mục các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư; chủ động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp mới tham gia thị trường về thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai.
Thứ năm, giải pháp về huy động nguồn lực
Đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, các nguồn vốn từ các chương trình, dự án. Tăng cường huy động các nguồn vốn trong nước khác thông qua các hình thức thu hút đầu tư trực tiếp, hợp tác, liên kết, liên doanh của các tập đoàn, các công ty lớn, các ngành và các thành phố lớn trong cả nước.
Huy động nguồn lực xã hội hóa cho đầu tư hạ tầng Khu kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Đổi mới nội dung và phương pháp xúc tiến đầu tư theo hướng linh hoạt, hiệu quả; chuyển từ xúc tiến đầu tư theo chiều rộng, sang xúc tiến theo chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm.
Thứ sáu, giải pháp về phát triển nguồn nhân lực
Tập trung đào tạo lao động chất lượng, tay nghề cao, phù hợp yêu cầu phát triển. Hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật, thu hút cán bộ và lao động có trình độ cho một số ngành công nghiệp chủ lực.
Mở rộng mạng lưới đào tạo nghề và thay đổi cơ cấu đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường lao động. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề theo hướng xã hội hóa, đa dạng hóa hình thức đào tạo, linh hoạt và thiết thực. Tăng cường việc liên kết đào tạo nghề với các cơ sở đào tạo của Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các địa phương có thế mạnh.
Thứ bảy, giải pháp đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp
Khuyến khích, hỗ trợ chuyển giao đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Gắn kết giữa doanh nghiệp với các trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước để triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Tập trung nguồn lực hình thành Khu công nghiệp sử dụng công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng, tạo hạt nhân cho phát triển và hình thành ngành công nghiệp công nghệ cao của tỉnh.
Thứ tám, giải pháp về môi trường
Tăng cường năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ tỉnh đến huyện đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường ngày càng lớn, phức tạp.
Tăng cường và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường. Tăng chi ngân sách cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, tập trung giải quyết vấn đề môi trường bức xúc, tồn đọng kéo dài.
Thu hút mạnh đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài vào phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ bảo vệ môi trường.
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường theo hướng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, các vùng miền.
Thứ chín, giải pháp về nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước
Tăng cường hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý nhà nước lĩnh vực công thương, phân công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể, tránh chồng chéo, bỏ trống các nhiệm vụ quản lý, đặc biệt trong công tác đầu tư, thị trường, quản lý khu công nghiệp, cụm công nghiệp; quan hệ phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước ngành công thương với Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, các cấp ủy chính quyền địa phương...
Chú trọng đến công tác cải cách hành chính liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cho doanh nghiệp.
Chú trọng phát triển theo chiều sâu
Hiện nay, ngành công nghiệp chế biến đang tập trung vào 2 nhóm ngành chính, gồm chế biến thực phẩm, đồ uống và chế biến lâm sản. Đây đều là những ngành có lợi thế về vùng nguyên liệu, lao động, nên được tỉnh khuyến khích phát triển, với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, đa phần sản phẩm của các nhóm ngành chế biến này chỉ chế biến và xuất khẩu ở dạng thô, ít có sản phẩm chế biến sâu, giá trị mang lại còn thấp. Theo đánh giá của Sở Công Thương, nhóm ngành chế biến thực phẩm, đồ uống đạt giá trị sản xuất khoảng 2.300 đến 2.500 tỷ đồng/năm, tăng trưởng bình quân khoảng hơn 13%/năm, thấp hơn 12,05% so với mức tăng trưởng công nghiệp bình quân của tỉnh. Nhóm ngành chế biến lâm sản chỉ đạt giá trị sản xuất trên dưới 1.000 tỷ đồng/năm, tăng trưởng bình quân chỉ đạt 1,31%/năm, thấp hơn 23,78% so với tăng trưởng công nghiệp của tỉnh.
Để nâng cao giá trị cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nói chung, ngành công nghiệp chế biến nói riêng, tỉnh ta đã định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo theo hướng kết hợp hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó chú trọng phát triển theo chiều sâu. Thực hiện định hướng phát triển của tỉnh, các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo theo chiều sâu. Điển hình như Công ty CP Chế biến và Xuất khẩu nông sản Việt, phường Long Anh (TP Thanh Hóa) là doanh nghiệp chuyên chế biến nông sản xuất khẩu, trong đó sản phẩm chủ lực là dứa đóng hộp xuất khẩu. Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh doanh theo hướng bền vững, ngoài các sản phẩm truyền thống, công ty đang triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh theo hướng đa dạng hóa sản phẩm. Theo đó, hiện công ty đã huy động vốn để đầu tư dây chuyền sản xuất các sản phẩm nước ép, nước hoa quả. Ông Nguyễn Văn Quỳnh, Giám đốc Công ty CP Chế biến và Xuất khẩu nông sản Việt, cho biết: Đây đều là các sản phẩm chế biến sâu, trong tương lai sẽ trở thành sản phẩm chủ lực của công ty. Việc hướng đến chế biến các sản phẩm này sẽ giúp công ty mở rộng thị trường, chủ động, tận dụng được nguồn nguyên liệu, nhất là nguồn nguyên liệu nông sản vào thời điểm thu hoạch chính vụ.
Tại những địa phương có lợi thế về phát triển ngành công nghiệp chế biến cũng đã và đang thực hiện các giải pháp hướng đến phát triển theo chiều sâu. Đơn cử như huyện Như Xuân có 20.036 ha rừng trồng, chủ yếu là cao su và keo; trong đó, diện tích cho khai thác hàng năm khoảng 2.000 ha và được xem là ưu thế nổi bật để phát triển nhóm ngành chế biến lâm sản. Để ngành chế biến lâm sản phát triển theo chiều sâu, huyện đã và đang đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến lâm sản, nhất là chế biến sản phẩm có giá trị kinh tế cao, như gỗ ván ép công nghiệp, ván ghép thanh, hàng mộc cao cấp... Tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm lao động, nhất là lao động có tay nghề thông qua các lớp bồi dưỡng, nâng cao tay nghề. Ngoài ra, huyện còn tích cực tuyên truyền đến người dân trên địa bàn các xã thay đổi tập quán trồng rừng sản xuất nhằm xây dựng vùng nguyên liệu bền vững cho công nghiệp chế biến lâm sản, trong đó tăng cường trồng rừng gỗ lớn. Nhờ đó, huyện đã phát triển được 14 doanh nghiệp và 100 cơ sở chế biến lâm sản. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư chế biến lâm sản theo chiều sâu, như Công ty CP Công nghiệp gỗ Trường Sơn, xã Xuân Hòa là doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm ván ép xuất khẩu, với công suất khoảng 20.000m3 sản phẩm/năm, mỗi năm đơn vị thu mua khoảng 35.000 đến 36.000 tấn nguyên liệu.
Để thực hiện định hướng, mục tiêu phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, thời gian qua, các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh cùng chính quyền các địa phương tập trung thu hút đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn, để thu hút các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp. Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư. Cùng với đó, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, nhất là đối với các dự án công nghiệp chế biến. Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương còn quan tâm thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và nhóm giải pháp về môi trường. Đồng thời, tỉnh có cơ chế, chính sách để thu hút và mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh, trong đó có nhóm ngành công nghiệp chế biến.
Riêng đối với nhóm ngành công nghiệp chế biến, nhóm ngành thực phẩm, đồ uống gồm các các sản phẩm chủ yếu, như đường, sữa, chế biến thủy hải sản, bia, dầu ăn, súc sản đông lạnh... được định hướng phát triển ở khu vực đồng bằng và ven biển. Việc đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm theo hướng chế biến sâu được xem là giải pháp phát triển bền vững cho nhóm ngành này. Đối với chế biến lâm sản được tỉnh định hướng phát triển khu vực trung du và miền núi. Nhóm ngành này được tỉnh khuyến khích đầu tư các dự án chế biến sâu, chuyển từ xuất khẩu dăm gỗ sang sản xuất công nghiệp, với các sản phẩm, như đồ gỗ mỹ nghệ, ván sàn gỗ, ván ép từ tre, luồng. Cùng với đó, tỉnh sẽ đầu tư chiều sâu, phát triển ổn định các nhà máy chế biến lâm sản hiện có. Đồng thời, thu hút đầu tư và đưa vào sản xuất ổn định nhà máy chế biến gỗ ván ép, ván luồng ép thanh và nhà máy chế biến sản phẩm mộc cao cấp tại các huyện miền núi.
THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO
Tin mới
Tin khác
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.