Quảng Ngãi: Hướng tới trở thành trung tâm công nghiệp hỗ trợ miền Trung - Tây Nguyên
Quảng Ngãi có vị trí chiến lược trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vừa có đồng bằng, vừa có miền núi, vừa có biển, hải đảo và cảng nước sâu nên có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế, nhất là công nghiệp.
Trên địa bàn tỉnh có Khu kinh tế Dung Quất, diện tích 45.000 ha, hệ thống kết cấu hạ tầng đã được đầu tư tương đối đồng bộ và hoàn chỉnh với hạt nhân phát triển là Nhà máy lọc dầu Dung Quất; Công ty Công nghiệp nặng Doosan; Khu công nghiệp – đô thị - dịch vụ VSIP; Dự án Khu liên hợp Thép Hòa Phát,... Đồng thời, Quảng Ngãi còn có 03 khu công nghiệp và 18 Cụm công nghiệp giữ vai trò vệ tinh, gắn kết cùng sự phát triển của Khu kinh tế Dung Quất.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng là Nhà máy lọc dầu đầu tiên của cả nước, hiện tại nhà máy đang thực hiện dự án mở rộng, nâng công suất từ 6,5 triệu tấn/năm lên 8,5 triệu tấn/năm.
Đồng thời, với lợi thế cảng biển nước sâu, ngành cơ khí chế tạo và sản xuất kim loại của Quảng Ngãi cũng rất có tiềm năng phát triển. Một loạt công ty sản xuất các sản phẩm công nghiệp nặng như: Doosan Vina với sản phẩm nồi hơi cho các nhà máy nhiệt điện, cẩu trục bốc dỡ hàng cho các hệ thống cảng biển, thiết bị xử lý nước biển thành nước ngọt sinh hoạt…; Khu liên hợp sản xuất thép Hòa Phát - Dung Quất, quy mô 4 triệu sản phẩm/năm…là tiền đề cho ngành công nghiệp địa phương.
Bên cạnh đó, ngành chế biến thực phẩm, đồ uống và chế biến gỗ cũng là thế mạnh của Quảng Ngãi nhờ có đường bờ biển dài gần 130 km, ngư trường đánh bắt rộng, thổ nhưỡng thích hợp trồng một số loại cây công nghiệp như: Cây mía, mỳ, keo lai…với các sản phẩm nổi tiếng như Đường RS, sữa đậu nành Fami, tinh bột mỳ, thủy sản chế biến…
![]() |
Nhà máy lọc dầu Dung Quất Quảng Ngãi. |
Tại Quyết định số 1125/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Quảng Ngãi từng bước đáp ứng nhu cầu về nguyên, phụ liệu cho sản xuất tại địa phương, cho toàn vùng và cả nước cả về số lượng lẫn chất lượng vào năm 2025. Tầm nhìn đến năm 2030 phát triển tỉnh trở thành một trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ (về một số chủng loại sản phẩm) cho cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Theo Sở Công thương Quảng Ngãi, tỉnh sẽ ưu tiên lựa chọn phát triển 5 lĩnh vực, nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT), gồm: cơ khí - chế tạo; lọc - hóa dầu; dệt may - da giày; chế biến thực phẩm, chế biến gỗ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh sẽ xây dựng khu công nghiệp hoặc cụm công nghiệp chuyên sâu, hình thành các cụm liên kết sản xuất phục vụ thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn; Đẩy mạnh thu hút đầu tư; Xây dựng cơ chế liên kết phát triển giữa Quảng Ngãi và Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung trong phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ; giải pháp về bảo vệ môi trường; giải pháp về tín dụng, đầu tư; giải pháp về cung cấp dịch vụ hành chính công.
Đặc biệt, Quảng Ngãi sẽ lựa chọn phát triển công nghiệp hỗ trợ, theo mô hình chiến lược hỗn hợp, có sự kết hợp giữa “chiến lược kéo” và “chiến lược đẩy”. Trong đó thiên về “chiến lược kéo”, sử dụng các chính sách khuyến khích (thậm chí ràng buộc) để các doanh nghiệp lớn liên kết, phối hợp với các nhà cung cấp trong nước, tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh và có lợi cho các nhà cung cấp.
Kinh phí thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 là từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế thuộc ngân sách nhà nước cấp, dự toán kinh phí dự kiến là 11,442 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh có thể được lựa chọn để hình thành các chuỗi cung ứng sản phẩm CNHT là: Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam, Công ty CP Đường Quảng Ngãi, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất, Công ty CP Dịch vụ Dầu khí Quảng Ngãi, Công ty TNHH Hệ thống điện GE Việt Nam (Dung Quất)...
Thông tin tại Hội nghị Quảng Ngãi gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - ông Nguyễn Hoàng Giang cho biết, Quảng Ngãi có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế biển, nhất là các ngành công nghiệp nặng gắn với cảng biển nước sâu Dung Quất.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, phát triển công nghiệp được tỉnh xác định là nhiệm vụ đột phá, tỉnh đã tập trung quy hoạch và phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, trong đó, nổi bật nhất là Khu kinh tế Dung Quất với diện tích quy hoạch hơn 45.000 ha - là một trong 5 khu kinh tế ven biển có nhiều tiềm năng lợi thế được Chính phủ ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng và có chính sách ưu đãi cao nhất Việt Nam. Tương lai nơi đây sẽ hình thành Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng quốc gia.
Đến nay, Quảng Ngãi đã thu hút 639 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 400.000 tỷ đồng, và 73 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,3 tỷ USD của các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Với những tiềm năng và triển vọng của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi kỳ vọng, trong thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Quảng Ngãi để khảo sát thực tế, tìm hiểu sâu hơn về môi trường đầu tư, kinh doanh, để tận mắt thấy được hình ảnh của Quảng Ngãi - một tỉnh thuộc vùng Duyên hải miền Trung đã và đang có những khát vọng để phát triển. Chọn Quảng Ngãi là điểm đến lý tưởng để cùng gặt hái những thành công trong tương lai.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Ngãi luôn rộng mở chào đón, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến nghiên cứu, tìm hiểu môi trường đầu tư vào các lĩnh vực: Hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; công nghiệp công nghệ cao, chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, logistics, các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động; công nghiệp bán dẫn; y tế, môi trường, du lịch; hạ tầng đô thị, dịch vụ, thương mại.
Được biết, Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, phát triển hài hòa 3 trụ cột “Kinh tế - Xã hội - Môi trường”. Tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, từng bước hình thành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung.
THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO
Tin mới
Tin khác
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.