Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an thành phố Hà Nội

Tuyên truyền phòng cháy và chữa cháy đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

20/04/2022 21:28 Nghiên cứu, trao đổi
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là nơi tập trung đông người, có nguy hiểm cháy nổ cao, khi xảy ra cháy gây ra nhiều thiệt hại về tài sản, con người và ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Công tác tuyên truyền về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh giúp cho người dân hiểu và nắm được quy định pháp luật, kiến thức PCCC, qua đó có biện pháp phòng ngừa nhằm giảm thiểu các vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra. Bài viết đã nêu lên những kết quả đã làm được và những tồn tại hạn chế, trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tuyên truyền phòng cháy và chữa cháy đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Hướng dẫn sử dụng thiết bị chữa cháy cho cán bộ công nhân viện tại bệnh viện Việt - Xô (nguồn: congan.hanoi.gov.vn)

1. Đặt vấn đề

Thành phố Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, tài chính, hành chính, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, du lịch, y tế, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Bên cạnh những tiềm năng to lớn về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội thì công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân có một vị trí hết sức to lớn và quan trọng. Hà Nội là một trong những địa phương tập trung nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhất cả nước. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an thành phố Hà Nội, đến hết năm 2021, trên địa bàn thành phố có 946 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó có 106 bệnh viện; 298 phòng khám đa khoa, chuyên khoa; 35 nhà điều dưỡng, phục hồi chức năng, chỉnh hình, nhà dưỡng lão; 120 cơ sở phòng chống dịch bệnh, trung tâm y tế; 387 cơ sở y tế khám, chữa bệnh khác theo Luật khám, chữa bệnh, trong đó có 158 cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là nơi thường xuyên tập trung đông người, ngoài số người bệnh đến khám chữa bệnh, nhân viên y tế, còn có số lượng lớn người nhà bệnh nhân đến phục vụ và thăm bệnh nhân, trung bình một người bệnh có một người nhà đi kèm phục vụ. Tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh luôn tồn tại nhiều chất dễ cháy như: Cồn y tế, chất phóng xạ, khí gas hóa lỏng, đồ vải bệnh nhân… nên khi xảy ra cháy có thể gây ra cháy lan sang các khu vực xung quanh. Trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ cháy liên quan đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Điển hình như vụ cháy tại tầng 04 bệnh viện Bạch Mai tại số 78 Giải Phóng, phường Phương Mai, quận Đống Đa vào hồi 1 giờ ngày 19/07/2017; vụ cháy xảy ra tại phòng chứa đồ vải tầng 13 tòa nhà 15 tầng Bệnh viện Nhi Trung ương, phường Láng Thượng, quận Đống Đa hồi 21 giờ 15 phút ngày 04/4/2019 ... Các vụ cháy xảy ra tại loại hình cơ sở này trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện chưa có vụ việc nào gây thiệt hại về người song luôn gây tâm lý hoảng loạn cho các bệnh nhân, là hồi chuông cảnh báo về công tác đảm bảo an toàn PCCC tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Trong những năm tới, dự báo hệ thống mạng lưới y tế trên cả nước sẽ ngày càng phát triển cả về quy mô và số lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Tình hình quá tải tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẽ còn tiếp tục tiếp diễn do đó nguy cơ tồn tại về PCCC tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường, chưa giải quyết dứt điểm. Để đảm bảo an toàn về PCCC tại các bệnh viện hoạt động đầu tiên mang tới hiệu quả cao đó chính là làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC cho người đứng đầu các bệnh viện, cán bộ, công nhân viên, người dân đến khám, chữa bệnh. Chính vì vậy việc đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về Phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn Thành phố Hà Nội là cần thiết.

2. Kết quả công tác tuyên truyền tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên đại bàn Thành phố Hà Nội

Trong những năm qua, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp tăng cường công tác PCCC, một trong những biện pháp đó là chú trọng công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC. Đây là một trong những công tác trọng tâm có ý nghĩa quan trọng trong mọi hoạt động PCCC của cơ sở nói chung và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nói riêng. Để làm tốt được công tác tuyên truyền về PCCC lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an thành phố Hà Nội đã thực hiện các công việc sau:

- Tích cực chủ động tham mưu cho các cấp Ủy Đảng, chính quyền xây dựng và ban hành các các văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời triển khai chỉ đạo thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc để thực hiện nghiêm túc có kết quả vào các mặt công tác PCCC&CNCH theo quy định của pháp luật. Trong đó, có nhiều văn bản chỉ đạo trực tiếp đến công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và kiến thức tại các bệnh viện.

- Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác tuyên tuyền, giáo dục pháp luật và kiến thức về PCCC tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thể hiện qua việc đã kiềm chế được số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra; không để xảy ra các vụ cháy lớn; góp phần đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ phát triển kinh tế xã hội; các nhiệm vụ, chỉ tiêu trọng tâm của công tác tuyên truyền về PCCC đề ra đều hoàn thành tốt. Khi có cháy xảy ra, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH nhanh chóng có mặt, dập tắt đám cháy kịp thời. Theo thống kê, trong năm 2021 lực lượng Cảnh sát PCCC Công an Thành phố Hà Nội đã thực hiện được 543 buổi tuyên truyền miệng.

- Trong quá trình triển khai thực hiện công tác tuyên truyền về PCCC, Cảnh sát PCCC và CNCH Công an Thành phố Hà Nội đã kết hợp đồng thời nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau nhằm tạo ra nhiều kênh thông tin tiếp cận người dân như: tuyên truyền trực tiếp, qua hệ thống loa tuyên truyền trên các tuyến phố vào giờ cao điểm, qua các bản tin trên truyền hình, phát thanh, qua mạng xã hội Facebook, qua kênh Youtube, … và qua loa được trang bị tại các bệnh viện. Trong năm 2021 đã thực hiện đăng 150 bài báo điện tử, tạp chí, phát 1768 tờ rơi tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Đã luôn quan tâm, động viên, khen thưởng kịp thời đối với các cá nhân, tập thể đạt thành tích tốt trong công tác tuyên truyền về PCCC nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, tạo sức mạnh tổng hợp giữa các chủ thể quản lý, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền về PCCC..

3. Những hạn chế, thiếu sót và nguyên nhân

3.1. Những hạn chế, thiếu sót

Bên cạnh những mặt đã làm được, công tác tuyên truyền về PCCC nói chung và tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nói riêng vẫn còn một số tồn tại, thiếu sót như:

- Các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và kiến thức về PCCC đối với bệnh viện còn chưa kịp thời, chưa cụ thể. Việc tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật và kiến thức về PCCC tại các bệnh viện trong một số trường hợp tiến hành cho đủ thủ tục. Nhiều bệnh viện chưa thực sự quan tâm đến hiệu quả công tác tuyên truyền PCCC như bố trí số đội viên là những cán bộ trẻ, chủ yếu là bảo vệ, vệ sinh, điều dưỡng mà chưa bố trí các Trưởng đơn vị, đặc biệt không bố trí đủ quân số theo ca trực tại cơ sở này. Do vậy, mặc dù được tập huấn song nhiều cán bộ, nhân viên bệnh viện thao tác thực hiện phương tiện chữa cháy còn lúng túng, chưa có kỹ năng; chỉ tổ chức tuyên truyền miệng mà không gắn với thực hành sử dụng phương tiện PCCC và CNCH.

- Công tác tuyên truyền về PCCC đối với bệnh viện chưa được thường xuyên, tích cực, đồng bộ, sâu rộng. Theo thống kê, năm 2021 lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Thành phố Hà nội thực hiện 543 buổi tuyên truyền cho 946 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Nội dung tuyên truyền chủ yếu là thông báo tình hình cháy, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC, các kiến thức cơ bản về công tác PCCC. Đặc biệt là trong các nội dung tuyên truyền chưa đánh giá được đặc điểm nguy hiểm cháy nổ của từng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau, tầm quan trọng và mức độ nguy hiểm cháy, nổ, và nguy cơ ảnh hưởng, nguy hiểm cho con người tại các khu vực có các thiết bị chứa các chất phóng xạ, hóa chất, các biện pháp, giải pháp phòng ngừa, xử lý các tình huống cháy nổ xảy ra tại khu vực này trong bệnh viện và đặc biệt là chưa đánh giá được mức độ điều trị các bệnh nhân tại các bệnh viện.

- Hình thức tuyên truyền tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh còn nghèo nàn, chưa được đa dạng, phong phú, chưa có định hướng chủ yếu là hình thức tổng hợp, đặc biệt chú trọng đến công tác tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC, người được tiếp thu các kiến thức về PCCC rất hạn chế, không thể cùng một lúc các cán bộ, công nhân viên, người đến khám bệnh đến dự tập huấn được, do đó cần phải sử dụng nhiều loại hình tuyên truyền tổng hợp mới phát huy hiệu quả.

- Các phương tiện phục vụ tuyên truyền còn thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ công tác. Kinh phí đầu tư cho công tác tuyên truyền về PCCC tại các bệnh viện còn hạn hẹp nên việc triển khai các kế hoạch thực hiện còn gặp nhiều khó khăn.

3.2. Nguyên nhân của hạn chế, thiếu sót

- Đội ngũ chuyên trách làm công tác tuyên truyền của lực lượng Cảnh sát PCCC Công an Thành phố Hà Nội chưa đảm bảo biên chế, chưa đáp ứng được số lượng và chuyên môn nghiệp vụ. Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, đội tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân về PCCC và CNCH – PC07 biên chế gồm 11 cán bộ, chiến sĩ (01 đội trưởng và 02 phó đội trưởng). Bên cạnh đó, trình độ của cán bộ làm công tác tuyên truyền chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa tham mưu được các biện pháp, giải pháp để nâng cao được hiệu quả hoạt động tuyên truyền. Chưa có tiêu chí đánh giá năng lực cán bộ làm công tác tuyên truyền, đánh giá hiệu quả công tác tuyên truyền để từ đó phân loại cán bộ, rút kinh nghiệm và có điều chỉnh hợp lý. Do đó công tác tuyên truyền còn bị xem nhẹ, làm qua loa, hình thức, không đảm bảo được mục đích đề ra ;

- Nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức và kỹ năng về PCCC chưa phong phú. Chưa được đầu tư, chưa có sự cập nhật thông tin, kiến thức liên tục dẫn tới nội dung tuyên truyền bị nhàm chán. Khó khăn trong việc tổ chức nhiều lần cho một đối tượng. Nội dung các lần tập huấn giống nhau dễ dẫn tới tâm lý nhàm chán và không nghiêm túc cho người tham gia;

- Công tác phối hợp giữa Cảnh sát PCCC và CNCH Công an Thành phố Hà Nội với Bộ y tế, Sở y tế và các ngành, các cấp có liên quan trong công tác tuyên truyền về PCCC chưa được chặt chẽ, trách nhiệm còn chung chung. Đặc biệt đối với cán bộ làm công tác tuyên truyền về PCCC còn xem nhẹ công tác phối hợp, thường xuyên thực hiện nhiệm vụ dựa vào các văn bản chỉ đạo của cấp trên, không chủ động tham mưu lãnh đạo các cấp xây dựng kế hoạch, quy chế phối hợp trong công tác tuyên truyền;

- Sự quan tâm, đầu tư kinh phí phục vụ cho công tác tuyên truyền về PCCC chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, công tác đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác tuyên truyền chưa được đẩy mạnh, chế độ chính sách cho cán bộ làm công tác tuyên truyền còn hạn chế và bất cập. Công tác huy động, đầu tư kinh phí cho hoạt động tuyên truyền hiện nay chưa được chú trọng.

4. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về phòng cháy và chữa cháy tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn Thành phố Hà Nội

Để khắc phục được các hạn chế nêu trên góp phần đảm bảo công tác an toàn PCCC tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố Hà nội, cần thực hiện tốt các nội dung sau:

- Một là: Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an Thành phố Hà Nội kiến nghị Ban Giám đốc Công an thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền về PCCC bằng việc ban hành các văn bản chỉ đạo kiểm tra công tác tuyên truyền về PCCC tại các cơ sở nói chung và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nói riêng. Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH có văn bản kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ và các Bộ Ngành chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, nghiên cứu soạn thảo phát hành các tài liệu tuyên truyền công tác PCCC phù hợp với tình hình thực tế đáp ứng các yêu cầu ở từng loại hình cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt tuyên truyền tại các bệnh viện Nhi, Lão khoa, Việt Đức, Bạch Mai... do đây là các bệnh viện quy mô lớn, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân gặp những khó khăn nhất định trong chữa cháy và thoát nạn như không đủ sức khỏe, chưa tiếp cận được với yêu cầu công tác PCCC của bệnh viện. Tài liệu tuyên truyền PCCC của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này cần ngắn gọn, dễ hiểu, súc tích thể hiện đầy đủ những nội dung có liên quan nhất là vấn đề quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị, dụng cụ phát sinh lửa, sinh nhiệt; vấn đề xử lý khi có cháy xảy ra; vấn đề thoát nạn trong điều kiện cháy ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là nhà cao tầng, cháy xảy ra ở khu vực có nhiều khói, khí độc... như kho dược, khu vực kỹ thuật hình ảnh có phim chụp X-quang.

- Hai là: Quá trình thực hiện tuyên truyền, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an Thành phố Hà Nội yêu cầu cán bộ thực hiện chú ý đến đặc điểm từng loại hình hoạt động, đặc điểm kiến trúc xây dựng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để có nội dung tuyên truyền phù hợp. Nội dung tuyên truyền bao gồm những quy định của pháp luật về PCCC có liên quan đến loại hình hoạt động, đặc điểm kiến trúc xây dựng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hoàn thiện nội dung tuyên truyền cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có quy mô lớn, loại hình hoạt động khám, chữa bệnh đa khoa sử dụng công trình kết cấu xây dựng cao tầng, nhiều tầng. Đây là những cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tập trung nhiều người, đặc biệt là những cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thường xuyên có hiện tượng quá tải, thường xuyên vi phạm các quy định về an toàn PCCC như kê giường bệnh quá số lượng cho phép, vi phạm hành lang, cầu thang, cản trở lối thoát nạn... và đây hầu hết là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trung ương.

- Ba là: Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an Thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp với đài phát thanh truyền hình thành phố, kênh VOV Giao thông duy trì và mở rộng phát triển các chuyên mục về an toàn PCCC phát sóng, phát thanh hàng tuần hoặc hàng ngày, tuyên truyền hướng dẫn, phổ biến kiến thức phổ thông về cháy, nổ và kiến thức pháp luật về PCCC thông qua những hình thức thể hiện phong phú, sinh động, thích hợp với các lứa tuổi và nghề nghiệp khác nhau. Đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, đặc biệt là kệnh VOV Giao thông khi mà hàng ngày có hàng triệu lượt người tiếp nhận thông tin từ kênh này, lại toàn là những người trẻ tuổi.

- Bốn là: Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an Thành phố Hà Nội cần chủ động xây dựng, củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền chuyên trách và lực lượng tuyên truyền viên của cơ sở. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ tuyên truyền chuyên trách, coi đây là lực lượng nòng cốt, có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền xây dựng phong trào về PCCC. Cán bộ thực hiện công tác này cần phải là những người có kiến thức chuyên sâu PCCC, có khả năng tuyên truyền, được đào tạo thêm nghiệp vụ tuyên truyền và vận dụng trong công tác PCCC. Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH là đầu mối, yêu cầu công an các quận, huyện, thị xã cử ít nhất 02 cán bộ cùng với Đội Tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC và CNCH hàng năm được tập huấn, bổ sung kiến thức chuyên môn về vấn đề này.

- Năm là: Đảm bảo tốt cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền về PCCC của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an thành phố Hà Nội. Hàng năm, bộ phận thực hiện công tác này xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động tuyên truyền trong đó có kinh phí in tờ rơi, xây dựng bảng ảnh, mua sắm phương tiện... trên cơ sở đó, đề xuất Công an thành phố tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động tuyên truyền.

Công tác tuyên truyền PCCC là một trong những biện pháp hữu hiệu góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về PCCC của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH nói chung, của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an thành phố Hà Nội đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nói riêng. Để công tác tuyên truyền PCCC đạt hiệu quả cao cần sự phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan chức năng của thành phố và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là rất quan trọng nhằm tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong việc thực hiện công tác PCCC. Từ đó, sẽ góp phần làm giảm được các vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, đem lại cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho mỗi người dân.

Đại úy, ThS Nguyễn Minh Tân

Thượng uý, Ths Vương Văn Khôi

Khoa Cứu nạn, cứu hộ - Trường Đại học PCCC

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Y tế (1997), Quyết định số 1895/1997/BYT-QĐ ngày 19/9/1997 Bộ Y tế ban hành quy chế bệnh viện.

2. Chính phủ (2020), Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC.

3. Nguyễn Thế Từ, Nguyễn Thành Long (2005), Giáo trình tuyên truyền xây dựng phong trào quần chúng PCCC, NXB Khoa học kỹ thuật

4. Quốc hội (2009), Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

5. Quốc hội (2013), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC.

Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động