Vĩnh Phúc tích cực đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

09/09/2024 07:59 Kinh tế, xã hội
Những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.

Thực hiện Nghị quyết số 02 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Chính phủ, tỉnh Vĩnh Phúc không ngừng kiến tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp. Qua đó củng cố niềm tin, tạo điểm tựa phục hồi và nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm của doanh nghiệp.

Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo sát sao, cùng với sự phối hợp, vào cuộc quyết liệt của các sở, ban, ngành đã đem lại kết quả đáng ghi nhận trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) và nước ngoài (FDI), các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh kịp thời cập nhật, tuyên truyền, phổ biến về hàng rào kỹ thuật, biện pháp phòng vệ thương mại trong thương mại quốc tế cho cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh.

Vĩnh Phúc tích cực đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản tổ chức tháng 3 năm 2023 tại Vĩnh Phúc.

Thường xuyên rà soát, bãi bỏ nhiều TTHC không cần thiết thuộc thẩm quyền cấp tỉnh để giảm phiền hà, thời gian và chi phí phát sinh không chính thức cho doanh nghiệp; 100% TTHC được thực hiện theo đúng cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Đồng thời duy trì, nâng cao thứ hạng về cải cách hành chính của tỉnh trên nhiều bảng xếp hạng quốc gia như Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số năng lực cạnh tranh, Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước… được Trung ương, các tổ chức và người dân ghi nhận, đánh giá cao.

Thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số, mở rộng thị trường, phát triển nguồn nhân lực, áp dụng các mô hình chuyển đổi xanh, kinh doanh bền vững... Qua đó cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, góp phần nâng cao vị trí của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế.

Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành thực hiện rà soát những bất cập pháp lý trong việc thực hiện dự án đầu tư thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước liên quan đến các lĩnh vực như đề xuất điều chỉnh hoặc thay thế Nghị định số 96 của Chính phủ quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; rà soát các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, đóng gói và phân phối các sản phẩm nông, lâm, thủy sản nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu...

Với sự quyết tâm, nỗ lực và vào cuộc tích cực, chủ động của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân, đến nay, kinh tế của tỉnh đã vượt qua khó khăn, thách thức và dần phục hồi so với năm trước, hoạt động sản xuất, kinh doanh có sự khởi sắc ở cả 3 khu vực kinh tế.

Tốc độ tăng GRDP đạt 6,26%; quy mô GRDP của tỉnh theo giá hiện hành đạt 80,7 nghìn tỷ đồng, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng.

Đặc biệt, tỉnh chỉ đạo ngành chuyên môn rút ngắn từ 10-30% thời gian thực hiện quy trình TTHC trong lĩnh vực doanh nghiệp - đầu tư, bao gồm thời gian đăng ký doanh nghiệp, thẩm tra, thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Vĩnh Phúc tích cực đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.

6 tháng đầu năm 2024, bộ phận một cửa liên thông đăng ký doanh nghiệp của Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp nhận và giải quyết hơn 2.580 lượt TTHC cho doanh nghiệp, trong đó, cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 592 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc với tổng số vốn đăng ký đạt 4.725 tỷ đồng; đăng ký thay đổi cho 725 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc; thông báo thay đổi cho 185 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc; tiếp nhận và cấp phép cho 50 doanh nghiệp chuyển đổi, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập… 100% doanh nghiệp đăng ký kinh doanh qua mạng.

Năm 2025, tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu tăng trưởng GRDP từ 8,5 - 9,5%; thu ngân sách Nhà nước đạt 24.317 tỷ đồng; thu hút đầu tư đạt 400 triệu USD vốn FDI và 2.200 tỷ đồng vốn DDI; giải quyết việc làm mới cho 16 - 17 nghìn lao động…

Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các TTHC nhằm giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Nâng cao hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; chú trọng giải pháp tư vấn, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp với các nội dung tái cấu trúc doanh nghiệp, tài chính, nhân sự, thị trường, quản trị rủi ro, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tham gia chuỗi giá trị bền vững, thủ tục hành chính...

Đa dạng hóa và phát triển hiệu quả hệ thống dịch vụ phát triển kinh doanh, vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, cơ sở kỹ thuật dùng chung, hỗ trợ doanh nghiệp, tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Đồng thời kiến nghị các bộ, ngành trung ương tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính; rà soát các quy định pháp luật về đầu tư, kinh doanh, sửa đổi các quy định còn bất cập, chưa rõ ràng liên quan đến thủ tục đầu tư và kinh doanh, nhất là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, rà soát và tham mưu việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng, đất đai, đầu tư đảm bảo phù hợp với các cấp độ quy hoạch; quy định thống nhất việc chấp thuận chủ trương và điều chỉnh tất cả các nhóm dự án, đặc biệt nhóm dự án về đô thị, nhà ở; quy định rõ ràng về chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư trong trường hợp được chấp thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất… nhằm cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng và khơi thông nguồn lực phát triển KT-XH trong tất cả các ngành, lĩnh vực.

Những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính; rà soát, bổ sung các quy hoạch có chất lượng, tầm nhìn dài hạn; huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng tại các địa phương, các khu công nghiệp và hạ tầng các khu du lịch. Nâng cao chất lượng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, ban hành các cơ chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, nhằm tạo đột phá trong thu hút đầu tư vào tỉnh.

Đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 1.400 dự án, trong đó có 478 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 8,17 tỷ USD và 844 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 146.700 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thu hút thêm hơn 120 triệu USD vốn FDI đạt hơn 30% kế hoạch năm và hơn 1.280 tỷ đồng vốn DDI bằng 128% kế hoạch cả năm 2024. Trong số đó có các dự án lớn của các tập đoàn đa quốc gia như: Honda, Toyota, Piaggio… Đây là các nhà đầu tư có đóng góp lớn trong bức tranh kinh tế của tỉnh hiện nay.

Hiện tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, đa dạng các hình thức xúc tiến đầu tư, chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ. Cụ thể, đẩy mạnh các hình thức tìm kiếm, chọn lọc các nhà đầu tư, doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư thuộc các lĩnh vực đang ưu tiên thu hút để tiếp cận trực tiếp giới thiệu, quảng bá các dự án, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Tổ chức các hoạt động vận động xúc tiến đầu tư trong nước và ở nước ngoài, chủ động xúc tiến đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, gắn với định hướng thu hút đầu tư; ưu tiên các dự án quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thân thiện với môi trường. Tập trung thu hút các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty lớn trong nước có uy tín, có năng lực tài chính vào đầu tư tại tỉnh.

Minh Phú
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động