5 điểm chính trong thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung Quốc

18/01/2020 15:01 Tăng trưởng xanh
Điều khoản về sở hữu trí tuệ, mua hàng hóa Mỹ, chuyển giao công nghệ, tỷ giá và dịch vụ tài chính là mấu chốt trong thỏa thuận sơ bộ giữa hai nước.
Thương chiến Mỹ-Trung: "Hung thần" của kinh tế toàn cầu

Tại Washington (Mỹ) hôm qua (15/1), Mỹ và Trung Quốc đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sau thời gian dài đàm phán, hứa hẹn đem lại những thay đổi đáng kể trong quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thỏa thuận được đánh giá mang lại nhiều thắng lợi cho Tổng thống Mỹ Donald Trump, như Trung Quốc cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ Mỹ trong vòng 2 năm, đồng thời thay đổi nhiều chính sách mà chính quyền Trump chỉ trích.

Sau khi ký kết, Mỹ cũng công bố toàn văn gần 100 trang của thỏa thuận. Dưới đây là 5 điểm chính trong thỏa thuận này.

1. Sở hữu trí tuệ

5 diem chinh trong thoa thuan thuong mai my trung quoc
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong buổi ký kết hôm qua. Ảnh: NYT
"Mỹ công nhận tầm quan trọng của bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trung Quốc công nhận tầm quan trọng của việc tạo lập và thực thi một hệ thống pháp lý toàn diện về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình chuyển dịch từ một nước tiêu thụ sản phẩm trí tuệ lớn đến nước tạo ra sản phẩm trí tuệ lớn. Trung Quốc tin rằng nâng cao bảo hộ sở hữu trí tuệ và thực thi điều này có lợi cho việc xây dựng một quốc gia đột phá, phát triển các doanh nghiệp đột phá và thúc đẩy tăng trưởng chất lượng cao".

Đây là trọng tâm một cuộc điều tra của Mỹ với Trung Quốc về đánh cắp tài sản trí tuệ, châm ngòi cho chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới giữa năm 2018. Nhiều đời Tổng thống Mỹ trước đã nỗ lực buộc Trung Quốc thay đổi hoạt động này, nhưng không mấy thành công.

2. Trung Quốc tăng mua hàng hóa, dịch vụ Mỹ

5 diem chinh trong thoa thuan thuong mai my trung quoc
Đậu tương nhập khẩu tại một cảng ở Giang Tô (Trung Quốc). Ảnh: Reuters
"Trong giai đoạn 1/1/2020 – 31/12/2021, Trung Quốc đảm bảo mua và nhập khẩu từ Mỹ các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng và dịch vụ được đề cập trong Phụ lục 6.1 với phần thêm ít nhất 200 tỷ USD so với mức năm 2017".

Đây là tin vui với các nông dân và doanh nghiệp Mỹ chịu thiệt hại suốt gần 2 năm qua vì cuộc chiến thuế giữa hai nước. Chính quyền Trump đến nay đã phải tung hàng chục tỷ USD trợ cấp cho nông dân nước này. Các bang nông nghiệp Mỹ chính là nhóm ủng hộ ông Trump rất mạnh trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

3. Chuyển giao công nghệ

"Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo chuyển giao công nghệ trên cơ sở tự nguyện, theo cơ chế thị trường và công nhận chuyển giao công nghệ ép buộc là mối lo lớn. Hai bên cũng đồng ý với tầm quan trọng của việc thực hiện các bước đi nhằm giải quyết các vấn đề này, trong bối cảnh tác động của công nghệ và biến đổi công nghệ với kinh tế toàn cầu hiện rất sâu rộng".

Đây cũng là một trong các vấn đề cốt lõi dẫn đến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Các doanh nghiệp Mỹ từ lâu đã phàn nàn về thách thức khi hoạt động tại Trung Quốc. Họ cho biết phải chuyển giao công nghệ và bí mật thương mại để đổi lấy quyền kinh doanh tại đây.

Trong thỏa thuận, Trung Quốc cũng cam kết "không hỗ trợ hay chỉ đạo" các thương vụ mua bán – sáp nhập của doanh nghiệp Trung Quốc liên quan đến công nghệ nước ngoài trong các lĩnh vực công nghiệp được họ chọn làm trọng tâm kế hoạch phát triển.

4. Cơ chế về tiền tệ

"Các vấn đề liên quan đến chính sách tỷ giá hoặc minh bạch nên được chuyển cho Bộ trưởng Tài chính Mỹ hoặc Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc, theo Thỏa thuận Giải quyết Tranh chấp và Đánh giá Song phương ở Chương 7".

"Nếu hai nước không đạt được đồng thuận về giải quyết tranh chấp theo Thỏa thuận Giải quyết Tranh chấp và Đánh giá Song phương, Bộ trưởng Tài chính Mỹ hoặc Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc có thể đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thực hiện theo đúng thẩm quyền của cơ quan này: (a) giám sát nghiêm ngặt các chính sách tỷ giá, kinh tế vĩ mô, minh bạch dữ liệu và chính sách báo cáo của bên được yêu cầu hoặc (b) cố vấn và cung cấp dữ liệu nếu phù hợp".

Cách đây vài ngày, Mỹ đã gỡ bỏ Trung Quốc khỏi danh sách quốc gia thao túng tiền tệ, sau nửa năm gắn nhãn này cho Trung Quốc khi nhân dân tệ mất giá quá mạnh. Điều khoản này sẽ cho họ công cụ khác để buộc Trung Quốc điều hành tỷ giá theo các quy tắc thị trường.

5. Dịch vụ Tài chính

"Trung Quốc sẽ cho phép các công ty cung cấp dịch vụ tài chính Mỹ nộp đơn xin giấy phép thành lập công ty quản lý tài sản, giúp họ mua nợ xấu trực tiếp từ các ngân hàng Trung Quốc, bắt đầu bằng quy mô cấp tỉnh. Khi được cấp phép với quy mô cấp quốc gia, Trung Quốc sẽ đối xử với các hãng dịch vụ tài chính Mỹ như các công ty Trung Quốc".

"Chậm nhất là ngày 1/4/2020, Trung Quốc sẽ gỡ bỏ trần tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các lĩnh vực bảo hiểm y tế, lương hưu và nhân thọ, đồng thời cho phép hãng bảo hiểm 100% vốn Mỹ tham gia vào các lĩnh vực này. Trung Quốc khẳng định không có giới hạn nào với việc công ty bảo hiểm 100% vốn Mỹ đã thành lập Trung Quốc được quyền sở hữu hoàn toàn công ty quản lý tài sản tại Trung Quốc.

"Chậm nhất là ngày 1/4/2020, Trung Quốc sẽ gỡ bỏ trần tỷ lệ sở hữu nước ngoài và cho phép các doanh nghiệp 100% vốn ngoại tham gia lĩnh vực chứng khoán, quản lý quỹ và hợp đồng tương lai".

"Trung Quốc khẳng định hãng đánh giá tín nhiệm 100% vốn Mỹ được phép xếp hạng trái phiếu Trung Quốc bán cho nhà đầu tư Trung Quốc và quốc tế, bao gồm cả thị trường liên ngân hàng. Trung Quốc cam kết tiếp tục cho phép các hãng cung cấp dịch vụ này của Mỹ đánh giá tất cả loại trái phiếu Trung Quốc bán cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Trong vòng 3 tháng sau khi điều khoản này có hiệu lực, Trung Quốc sẽ xem xét lại và chấp thuận bất kỳ đơn xin cấp phép nào của doanh nghiệp Mỹ trong lĩnh vực đánh giá tín nhiệm".

Từ nhiều năm nay, các ngân hàng, hãng bảo hiểm và đánh giá tín nhiệm Mỹ vẫn chật vật trong việc thâm nhập thị trường Trung Quốc. Các hãng cung cấp dịch vụ thẻ như Visa, Mastercard và American Express cũng đang gặp khó. Theo thỏa thuận, Trung Quốc đồng ý chấp thuận đơn xin cấp phép của các công ty này, nhưng không ngay lập tức cho phép họ tiếp cận thị trường. Kể cả khi chấp thuận, khả năng cạnh tranh của các hãng thẻ này trong hệ thống thanh toán điện tử Trung Quốc đang do đối thủ nội địa thống trị vẫn còn là điều mơ hồ.

Theo Bloomberg, NYT
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động