Bắc Ninh: Tích cực xử lý vi phạm về đất đai, môi trường tại Cụm công nghiệp Phú Lâm
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Tiên Du đang tích cực triển khai các hoạt động xử lý vi phạm về đất đai, môi trường tại Cụm công nghiệp (CCN) Phú Lâm.
Cụm công nghiệp Phú Lâm có diện tích khoảng 29,54 ha (trong đó CCN cũ 26,74ha, CCN mở rộng đã được giao đất thực hiện dự án 2,8 ha) với 35 cơ sở, trong đó 27 cơ sở nằm trong CCN và 8 cơ sở nằm ngoài CCN. Về mô hình sản xuất, kinh doanh, có 23 cơ sở sản xuất giấy kraft; 3 cơ sở sản xuất bao bì cát tông sóng; 1 nhà máy xử lý nước thải; 1 cơ sở tái chế nhựa; 3 cơ sở sản xuất hơi thương phẩm; 4 cơ sở đã dừng hoạt động. Đến nay, có 20 cơ sở sản xuất đang hoạt động được cấp giấy phép môi trường, đăng ký môi trường theo quy định; các cơ sở còn lại đang hoàn thiện hồ sơ xin cấp giấy phép môi trường.
Cụm công nghiệp Phú Lâm (Bắc Ninh). |
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tiên Du cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh về việc kiên quyết đóng cửa các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, ngày 3-10-2024, huyện thành lập Đoàn kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về đất đai, môi trường đối với các cơ sở sản xuất. Căn cứ kết quả kiểm tra, UBND huyện xem xét xử lý vi phạm đối với các cơ sở vi phạm về môi trường. Dự kiến, tháng 11-2024, địa phương tổ chức đối thoại với các cơ sở sản xuất về kế hoạch dừng hoạt động, di dời. Đối với lộ trình dừng hoạt động, chuyển đổi ngành nghề sản xuất hoặc di dời các cơ sở sản xuất, ngành chức năng chia làm 3 nhóm đối tượng theo từng mốc thời gian phải thực hiện tháo dỡ, di dời công trình, tài sản trên đất.
Cụ thể, nhóm 1: Có 16 cơ sở phải tháo dỡ ngay phần diện tích nhà xưởng xây dựng trên diện tích đất lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi xong trước 30-11-2021. Đối với phần diện tích này, UBND huyện giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND xã Phú Lâm và các đơn vị có liên quan thực hiện đo đạc xác định mốc giới hành lang đê theo quy định; trên cơ sở mốc giới yêu cầu các cơ sở sản xuất thực hiện tháo dỡ toàn bộ các công trình xây dựng trên đất vi phạm. Đến nay, cơ bản các cơ sở sản xuất đã chấp hành và tháo dỡ xong phần nhà xưởng trên diện tích đất lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi. Nhóm 2, các cơ sở phải tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần công trình vi phạm trước 31-12-2024. Trong CCN Phú Lâm có 12 cơ sở và ngoài CCN có 8 cơ sở phải tháo dỡ một phần hoặc toàn bộ diện tích. Đến nay, 4 cơ sở trong CCN thực hiện tháo dỡ xong công trình vi phạm trên đất mặt nước chuyên dùng. Nhóm 3, các cơ sở phải dừng hoạt động, chuyển đổi ngành nghề sản xuất hoặc di dời xong trước 31- 12-2029, bao gồm toàn bộ các cơ sở sản xuất tại CCN Phú Lâm đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thuê lại đất (CCN mở rộng) và không vi phạm về đất đai.
Ông Ngô Lương Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lâm cho biết: Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, xã cử thành viên tham gia Đoàn kiểm tra của huyện và tích cực tuyên truyền, vận động, đôn đốc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thuộc 3 nhóm thực hiện nghiêm việc tháo dỡ, di chuyển công trình, nhà xưởng và có kế hoạch dừng hoạt động, chuyển đổi ngành nghề sản xuất, hoặc di dời theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện.
Để đạt kết quả cao trong công tác bảo vệ môi trường tại CCN Phú Lâm, huyện kiến nghị UBND tỉnh, các sở ngành có chính sách hỗ trợ các cơ sở ngoài CCN về chính sách và địa điểm mới phù hợp với quy hoạch để di dời máy móc đến lắp đặt và sản xuất lâu dài; cho phép các cơ sở đang sản xuất giấy kraf chuyển đổi ngành nghề sang sản xuất bao bì cát tông sóng, kinh doanh, dịch vụ thương mại liên quan đến ngành giấy, do đây là các ngành nghề ít tác động xấu đến môi trường sau thời gian quy định theo lộ trình di dời đã được UBND tỉnh xây dựng kế hoạch.