Dự án Thủy điện Đạ Sar
Bài 1: Chất thải phát sinh tác động tới môi trường
Giải bài toán phát triển thủy điện với bảo vệ môi trường |
Một góc xã Đạ Sar |
Đây là công trình thủy điện đường dẫn, cấp II, nhà máy có tổng công suất thiết kế là 10MW, điện lượng trung bình năm là 35,05 triệu kWh. Dự án chủ yếu thuộc vùng chuyển tiếp của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang. Tổng diện tích chiếm đất của dự án là 28,79ha, trong đó diện tích lòng hồ là 20,08ha.
Các hạng mục, công trình chính của dự án, gồm: hồ chứa nước, tuyến đập đầu mối (gồm: đập dâng, đập tràn tự do có khoang tràn, cống xả cát, cống dẫn dòng, ống xả dòng chảy tối thiểu); tuyến năng lượng (gồm: cửa lấy nước, đường dẫn có áp, tháp điều áp, đường hầm áp lực, đường ống áp lực, nhà máy thủy điện, kênh xả, trạm phân phối điện 22kV). Các hạng mục, công trình phụ trợ, gồm: khu phụ trợ; bãi thải; đường giao thông trong và ngoài công trường; điện, nước phục vụ thi công và sinh hoạt của cán bộ, công nhân; thông tin liên lạc....
Các tác động môi trường chính từ Dự án trong giai đoạn triển khai xây dựng phát sinh bụi, khí thải, chất thải rắn xây dựng, chất thải sinh hoạt, chất thải nguy hại, nước thải sinh hoạt, nước thải xây dựng, nước mưa chảy tràn. Bên cạnh đó là những tác động đến cấu trúc và mục đích sử dụng đất khi Dự án chiếm dụng 28,79ha đất. Quá trình phát quang thảm thực vật và quá trình thi công các hạng mục công trình của dự án phát sinh tiếng ồn, độ rung, tác động đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học của khu vực như: làm thay đổi địa hình, địa mạo, cảnh quan, thay đổi môi trường sống của hệ động thực vật tại vùng chuyển tiếp, vùng đệm của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang.
Giai đoạn vận hành phát sinh nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất, chất thải sinh hoạt, chất thải nguy hại trong quá trình sinh hoạt và vận hành nhà máy của cán bộ, công nhân. Tác động của việc tích nước hồ chứa làm thay đổi lưu lượng dòng chảy sông Đa Nhim đoạn hình thành hồ chứa Đạ Sar và lưu lượng dòng chảy sông Đa Nhim đoạn phía sau đập đầu mối đến cửa xả nhà máy dài khoảng 4,8km (tại ranh giới là đập đầu mối sẽ hình thành 02 chế độ dòng chảy khác biệt ở phía thượng lưu và hạ lưu tuyến đập). Tác động đến chất lượng nước hồ, đặc biệt trong giai đoạn đầu khi hồ chứa tích nước, sinh khối ngập dưới lòng hồ sẽ phân hủy làm gia tăng các chất dinh dưỡng, chất hữu cơ gây hiện tượng phú dưỡng và giảm hàm lượng oxi hòa tan trong nước. Quá trình ngăn dòng, tích nước hồ chứa Đạ Sar sẽ tác động đến hệ sinh thái ngập nước tại sông Đa Nhim. Phía thượng lưu tuyến đập hình thành hệ thực vật thủy sinh mới phù hợp với điều kiện hồ chứa. Tác động do lắng đọng trầm tích lòng hồ: việc đắp đập, ngăn sông tạo thành hồ chứa làm thay đổi cơ bản chế độ thủy văn, thủy lực dòng chảy. Tốc độ dòng chảy khi vào hồ bị giảm đột ngột dẫn đến khả năng mang bùn cát của dòng chảy giảm đáng kể và phần lớn phù sa bị lắng đọng lại trong hồ làm giảm dung tích hoạt động của hồ, giảm hiệu ích của công trình.
Quy mô, tính chất của nước thải
Giai đoạn triển khai xây dựng, nước thải sinh hoạt ước tính phát sinh khoảng 20,0m3 /ngày, các thông số ô nhiễm gồm: chất rắn lơ lửng (SS), BOD5, COD, tổng Nitơ, tổng Phốt pho, Amoni, dầu mỡ, coliform… Nước thải xây dựng phát sinh khoảng 10,251m3 /ngày, gồm: Nước rửa xe vận chuyển vật liệu xây dựng (ước tính: 1,44m3 /ngày); Nước rửa máy móc, thiết bị thi công (ước tính: 3,0m3 /ngày); + Nước thải phát sinh từ trạm trộn bê tông có thành phần chủ yếu là TSS (ước tính: 5,811m3 /ngày).
Giai đoạn vận hành, nước thải sinh hoạt ước tính phát sinh khoảng 3,5m3 /ngày, các thông số ô nhiễm gồm: chất rắn lơ lửng (SS), BOD5, COD, tổng Nitơ, tổng Phốt pho, Amoni, dầu mỡ, Coliform… Nước thải sản xuất của nhà máy, gồm: Nước làm mát tổ máy có nhiệt độ cao sau khi hạ nhiệt sẽ được xả về hạ du, chất lượng nước hầu như không thay đổi so với ban đầu. Nước rò rỉ từ nhà máy có nhiễm một lượng dầu nhỏ. Nước mưa chảy tràn thành phần chủ yếu là TSS, Nitơ, Phốt pho, COD… khi chảy qua khu vực chứa chất thải có thể tăng hàm lượng ô nhiễm cơ học, hữu cơ và dầu mỡ.
Quy mô, tính chất của bụi, khí thải
Bụi và khí thải phát sinh chủ yếu trong giai đoạn thi công xây dựng, bao gồm: hoạt động vận chuyển nguyên vật liệu, đất đá thải, san gạt, đào đắp, nổ mìn hố móng và hầm dẫn nước và hoạt động của các thiết bị sử dụng dầu diezen, trạm trộn bê tông… Các thông số ô nhiễm gồm: bụi, SO2, NOx, CO…
Quy mô, tính chất của các chất thải rắn công nghiệp thông thường
Giai đoạn triển khai xây dựng đất đá thải phát sinh từ quá trình đào đắp, nổ mìn phá đá, thi công các hạng mục của dự án ước tính khoảng 123.751m3 , sinh khối trong quá trình thu dọn lòng hồ ước tính khoảng 144,8tấn. Chất thải sinh hoạt phát sinh từ hoạt động sinh hoạt của 200 cán bộ, công nhân tham gia thi công, ước tính khoảng 60-100kg/ngày. Chất thải sinh hoạt bao gồm các loại bao bì, vỏ chai lọ, hộp đựng thức ăn, thức ăn thừa và các loại rác thải sinh hoạt khác.
Giai đoạn vận hành chất thải sinh hoạt của 35 cán bộ, công nhân vận hành nhà máy ước tính khoảng 17,5kg/ngày. Chất thải sinh hoạt bao gồm các loại bao bì, vỏ chai lọ, hộp đựng thức ăn, thức ăn thừa và các loại chất thải sinh hoạt khác.
Quy mô, tính chất của chất thải nguy hại
Giai đoạn triển khai xây dựng chất thải nguy hại phát sinh gồm: dầu mỡ thải của các thiết bị máy móc (ước tính 362lít/năm), chất thải có chứa dầu (ước tính 3,5kg/ngày), giẻ lau, găng tay dính dầu (ước tính 4,0kg/ngày), chất thải nguy hại phát sinh từ khu vực văn phòng (gồm: bóng đèn huỳnh quang, pin, ắc quy,…ước tính 6,2kg/ngày).
Giai đoạn vận hành chất thải nguy hại phát sinh từ quá trình bảo dưỡng máy móc, thiết bị trong nhà máy cũng như thải bỏ các linh kiện, thiết bị hư hỏng như pin, ắc quy, bóng đèn,… (ước tính 233-311kg/năm).