Giải bài toán phát triển thủy điện với bảo vệ môi trường

17/02/2019 00:00 Tác động môi trường
Thủy điện là một trong những nguồn năng lượng quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, các dự án thủy điện gây ra những ảnh hưởng không tốt như: làm giảm diện tích rừng, thay đổi dòng chảy, hệ sinh thái của các dòng sông và tình trạng ô nhiễm môi trường…

Những mặt trái của thủy điện...

Việc xây dựng các công trình thủy điện đã mang lại điện năng, đáp ứng những yêu cầu của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nói chung, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông lâm nghiệp, giao thông, du lịch dịch vụ…Tuy nhiên, hoạt động của các nhà máy thủy điện gây tác động thay đổi môi trường, ảnh hưởng đến môi trường sống tự nhiên ở khu vực đập.

Theo Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID), ở Việt Nam trung bình mất từ 10 đến 30 ha rừng để có thủy điện tạo ra 1MW điện. Các dự án thủy điện thường được xây dựng ở vùng thượng lưu, những nơi khó tiếp cận do vậy giao thông hạn chế. Việc mở đường để vận chuyển vật liệu xây dựng nhà máy, mở rộng lòng hồ, nơi ở của công nhân…, gặp nhiều khó khăn, làm giảm diện tích đất rừng, phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên.

Theo ông Bùi Quang Bình (Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), dự án thủy điện còn tác động đến đất canh tác thuộc lưu vực sông thông qua các hình thức: Thay đổi mục đích sử dụng đất canh tác, chuyển từ đất canh tác sang đất chuyên dụng; thay đổi tính chất, chất lượng, khả năng sử dụng để trồng trọt của đất canh tác thông qua lưu lượng nước theo mùa,... Chế độ tưới, tiêu cho vùng hạ lưu phụ thuộc vào nguồn nước của các sông lớn ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, việc chuyển dòng của một số công trình thủy điện sang lưu vực khác, mà chưa xem xét đầy đủ tác động môi trường lên lưu vực, làm thay đổi chế độ thủy văn, gây ra những tác động lớn đến hệ sinh thái. Nhiều công trình khi thực hiện chức năng gây ra tình trạng thiếu nước cho hoạt động phát triển công nghiệp và các nhu cầu cấp nước đô thị ở khu vực hạ lưu, nhất là vào mùa khô.

Thạc sĩ Tống Thanh Tùng (Trung tâm Quy hoạch điều tra tài nguyên nước quốc gia) cho biết: Các hồ thủy điện được hình thành do ngăn đập, chặn dòng, tạo ra vùng ngập nước phía trên đập, vùng này thường có đáy là dòng sông cũ và mở rộng lên vùng đất khác, thường là đất lâm nghiệp có nhiều cây cho nên cây xanh ngập nước bị phân rã, phát thải gây ô nhiễm nguồn nước, làm giảm chất lượng nước; các chất hữu cơ trong nước của các công trình thủy điện bị biến đổi, sự đa dạng và số lượng các loài cá, các loài thủy sinh bị thay đổi rõ rệt, nhất là những loại di trú theo mùa, hoặc làm mất đi các bãi đẻ trong mùa sinh sản.

Quá trình đào, đắp, xây dựng nhà máy phát điện không tránh khỏi việc thải ra lượng chất thải lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước, ô nhiễm không khí, tạo ra tiếng ồn lớn ở khu vực thi công dự án. Đó là chưa kể việc hầu hết người dân bị di dời đến nơi ở mới có cuộc sống và thu nhập bấp bênh, không ổn định so với trước đó, phải học phương thức canh tác nông nghiệp khác và sẽ mất nhiều thời gian. Nơi ở và điều kiện canh tác khác biệt và đối với nhiều đồng bào dân tộc, giảm điều kiện và cơ hội tiếp cận khai thác tài nguyên thiên nhiên phục vụ cuộc sống hằng ngày.

... và cách khắc phục

Các chuyên gia cho rằng, để phát triển thủy điện một cách bền vững, hạn chế đến mức thấp nhất những tác động xấu đến đời sống người dân và môi trường, những năm tới, cần cân nhắc, đánh giá kỹ càng về giá trị thực mà một dự án mang lại với mục tiêu ít phát thải khí nhà kính, hướng đến nền kinh tế xanh. Phát triển thủy điện cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan từ quá trình quy hoạch, thiết kế, xây dựng đến vận hành công trình. Các bộ, ngành phê duyệt tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ thi công thủy điện phải theo quy định của Nhà nước, lập quy trình và tiến hành kiểm tra an toàn hồ đập; đánh giá mức độ rủi ro khi tích nước và có biện pháp ứng phó.

Chủ đầu tư các công trình đập thủy điện cần bảo đảm có quy trình tích nước, xả lũ an toàn, đồng thời xây dựng kịch bản ứng phó thiên tai khi xảy ra sự cố. Kế hoạch phát triển thủy điện cần được xem xét lại một cách thận trọng, giảm thấp nhất những tác động tiêu cực cho môi trường, sinh thái của dòng sông; quản lý, sử dụng nước của thủy điện để đáp ứng yêu cầu quản lý tổng hợp tài nguyên nước của lưu vực sông nhằm đáp ứng tất cả các yêu cầu sử dụng, trong đó có phát điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất công nghiệp nông nghiệp của người dân để có được hiệu quả tốt. Đặc biệt, việc quy hoạch thủy điện phải mang tính ổn định lâu dài, có tính ràng buộc cao.

Đối với các công trình đang và sẽ được thực hiện, cơ chế chia sẻ lợi ích giữa nhà đầu tư - cộng đồng trong suốt quá trình vận hành công trình, không để sự cố, thảm họa xảy ra. Thiết kế và thi công công trình thủy điện cần xét đến yếu tố biến đổi khí hậu khi xác định cấp công trình, tính toán kỹ thuật công trình; duy trì và phục hồi rừng đầu nguồn.

Theo Nhandan
Xin chờ trong giây lát...

Tổng kết chương trình Công nghiệp hỗ trợ năm 2024 của TP. Hà Nội: Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng

Phiên bản di động