Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên: Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ

02/01/2025 09:34 Kinh tế, xã hội
Điện Biên là vùng đất nổi tiếng với Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ gắn với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ nhằm đáp ứng ngày càng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên đang được đội ngũ viên chức và người lao động Ban quản lý di tích tỉnh Điện Biên nỗ lực từng ngày.

Điện Biên, tỉnh biên giới phía Tây bắc Việt Nam, cách Hà Nội khoảng 500 km đường bộ. Các di tích thành phần thuộc Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ tiêu biểu như: Đồi Him Lam, nơi diễn ra trận đánh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 13/3/1954; đồi Độc Lập, nơi diễn ra trận đánh ác liệt chiếm cứ điểm ngày 15/3/1954; các đồi A1,C, D, E… là nơi quân đội Việt Nam và quân đội viễn chinh Pháp giành giật nhau từng tấc đất trong chiến dịch Điện Biên Phủ; Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Sở chỉ huy chiến dịch Mường Phăng… đến nay được gìn giữ như một trang sử chống ngoại xâm oanh liệt của dân tộc ta. Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ hiện có 46 điểm di tích thành phần. Để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định số 661/QĐ-UBND ngày 8/7/2020 phê duyệt “Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2030”.

Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên: Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ
Hướng dẫn viên Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên đang thuyết minh tại triển lãm.

Năm 2024, là năm diễn ra nhiều hoạt động, sự kiện chính trị trọng đại của tỉnh Điện Biên, như: Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024); Năm du lịch Quốc gia – Điện Biên và Lễ hội Hoa Ban 2024; 115 năm thành lập tỉnh Điện Biên (28/6/1909 – 28/6/2024); 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh Điện Biên (10/10/1949 – 10/10/2024). Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy và Ban Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên; sự phối hợp của các phòng, đơn vị trực thuộc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên với đội ngũ viên chức và người lao động luôn nhiệt tình, có ý thức trách nhiệm cao trong công việc đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và để lại ấn tượng tốt đẹp cho nhân dân và du khách khi đến tham quan, trải nghiệm tại các điểm di tích. Ban Quản lý di tích đã đón tiếp 726.249 lượt khách trong năm 2024, đạt 207% so với kế hoạch và vượt 146,3 % so với năm 2023; phục vụ trên 6.100 đoàn khách tham quan (trong đó có nhiều đoàn Lãnh đạo Đảng và Nhà nước) tại Di tích Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ.

Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên luôn chú trọng công tác trùng tu, tôn tạo và xếp hạng bổ sung di tích; phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu các quy hoạch, dự án, như: Triển khai lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ; Dự án cắm mốc khoanh vùng bảo vệ, giải phóng mặt bằng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các điểm di tích thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ; chuẩn bị đầu tư Dự án bảo tồn, tôn tạo Trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kết hợp với cải tạo lại hệ thống cây xanh tại các điểm di tích đồi Him Lam, đồi C1, đồi C2, đồi F…

Để phát huy hơn nữa giá trị Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, Ban Quản lý di tích đã tổ chức thực hiện 08 chương trình trải nghiệm “Chúng em làm chiến sỹ Điện Biên” cho các em học sinh tại các trường học trên địa bàn thành phố Điện Biên. Xây dựng điểm check-in tại một số điểm Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ. Phối hợp với các đơn vị Báo, Đài thực hiện việc ghi hình tại các điểm di tích thuộc Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ. Tham mưu các nội dung có liên quan đến 16 Bảng thông tin còn lại và nội dung cuốn Sổ tay trong lộ trình tuyến tham quan: “Điện Biên Phủ” Hành trình tham quan, tìm hiểu lịch sử do Cơ Quan Phát triển Pháp tài trợ. Thực hiện rà soát, chỉnh sửa nội dung thuyết minh các điểm di tích C1,C2. Tổ chức tuyên truyền các hoạt động trên Cổng thông tin điện tử của Sở và Trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội của đơn vị. Trang thông tin điện tử của đơn vị đã thu hút 239.845 lượt truy cập. Đăng tải 77 tin bài trên Trang thông tin điện tử của đơn vị đạt 128%; 30 tin bài trên Trang thông tin của Sở đạt 120%. Triển khai 08 cuộc tuyên truyền công tác quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ tại khu dân cư đạt 133%. Triển khai Trưng bày triển lãm về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trong và ngoài tỉnh: 08/03 cuộc đạt 266%. Phối hợp với Phòng Quản lý Di sản Văn hoá thực hiện khảo sát, tìm kiếm thông tin, tư liệu, tài liệu, nhân chứng có liên quan đến Đền thờ “Đức Thánh Trần” tại Di tích Đồi A1.

Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên: Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ
Cảnh quan môi trường tại các điểm di tích luôn được đảm bảo xanh, sạch, đẹp.

Công tác bảo vệ cảnh quan môi trường tại các điểm di tích được Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên thực hiện đồng bộ, từ việc sửa chữa, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất đến việc cải tạo môi trường, trồng mới và chăm sóc cây xanh. Ban Quản lý di tích đã bố trí, sắp xếp lại vị trí các chậu cây và bổ sung thêm các chậu cây cảnh đảm bảo phù hợp, hợp lý và thẩm mĩ trong khuôn viên các điểm di tích; hệ thống cây xanh, cây cảnh được duy trì chăm sóc và cắt tỉa. Năm qua, Ban Quản lý di tích tiến hành cải tạo và trồng mới khoảng 7.500m2 các loại cây và hoa, như: Dừa cạn, Cỏ lạc, Mẫu đơn, Chiều tím, Bạch trinh biển, Chuỗi ngọc, Cỏ nhật… tạo diện mạo xanh, sạch, đẹp và gần gũi với thiên nhiên cho các điểm di tích. Ngoài việc huy động viên chức, người lao động trong đơn vị, Ban Quản lý di tích đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, như: Trung đoàn bộ binh 82, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh, Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh), Tỉnh đoàn thanh niên, các tổ chức chính trị xã hội phường Mường Thanh và các trường học trên địa bàn tỉnh Điện Biên thực hiện lao động vệ sinh, cải tạo cảnh quan môi trường, trồng và chăm sóc hệ thống cây xanh, vườn hoa tại các điểm di tích.

Một mùa xuân mới đang về, mang theo hơi ấm của đất trời, đem đến sức sống mới cho vạn vật. Đó cũng là thời điểm của cảm xúc mỗi người lại trào dâng với niềm tự hào, tin tưởng, đoàn kết một lòng đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã chọn. Với tinh thần đoàn kết, quyết tâm của đội ngũ viên chức và người lao động Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên, không gì hạnh phúc bằng các điểm di tích ngày càng được quan tâm trùng tu, tôn tạo, bảo vệ hiệu quả hơn, góp phần quan trọng vào công tác phát huy giá trị di tích gắn với hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống, tri ân, đền ơn đáp nghĩa… Đặc biệt là gắn với nhiệm vụ phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Điện Biên.

Ly Sơn

THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO

Xin chờ trong giây lát...

Tổng kết chương trình Công nghiệp hỗ trợ năm 2024 của TP. Hà Nội: Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng

Phiên bản di động