“Quốc bảo” Sâm Ngọc Linh: Hành trình bảo tồn và phát triển tại Quảng Nam
Nỗ lực nâng tầm Sâm Ngọc Linh
Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam hiện đang quản lý vườn sâm rộng 50,25 ha tại Trạm Dược liệu Trà Linh, trong đó diện tích trồng sâm Ngọc Linh đạt trên 12 ha. Giống sâm Ngọc Linh của Trung tâm đã được Cục Trồng trọt cấp Bằng bảo hộ và công bố lưu hành công khai.
Những nỗ lực của Trung tâm thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả tích cực, chất lượng và số lượng cây giống ngày càng được nâng lên; tỷ lệ cây giống đạt tiêu chuẩn xuất vườn/số hạt gieo ươm năm sau cao hơn năm trước; năm 2024 tỷ lệ cây giống đạt tiêu chuẩn xuất vườn đạt trên 68%, tăng 5% so với năm 2023.
![]() |
Cây giống sâm Ngọc Linh của Trung tâm được sản xuất theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, khi cung ứng ra thị trường luôn đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ. |
Để đạt được những kết quả tích cực trên, phải kể đến tinh thần trách nhiệm và thái độ làm việc của đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động của Trung tâm, kết hợp với việc tập trung nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc và sản xuất cây giống. Đến nay, Trung tâm đã sản xuất được 120.000 cây/năm, dự kiến quy mô sản xuất tăng theo từng năm đến năm 2030 đạt trên 450.000 cây/năm.
Để công tác bảo tồn, phát triển và nghiên cứu sâm Ngọc Linh được hiệu quả như hiện nay, Trung tâm đã nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Nam cũng như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 theo Quyết định 611/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Đề án triển khai thực hiện Quyết định này của UBND tỉnh Quảng Nam là những minh chứng rõ nét cho sự quan tâm này.
Đặc biệt, việc UBND tỉnh Quảng Nam đang tích cực chuẩn bị cho Lễ hội Sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) quốc tế vào năm 2025 càng khẳng định quyết tâm của địa phương trong việc phát triển sâm Ngọc Linh.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, công tác bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh cũng đối mặt với nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất cây giống; nhu cầu cây giống sâm Ngọc Linh từ các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp cũng giảm sút do vướng mắc trong việc hướng dẫn cho thuê môi trường rừng trong rừng đặc dụng và rừng phòng hộ để nuôi trồng dược liệu.
Mục tiêu và định hướng phát triển
Được UBND tỉnh giao nhiệm vụ tham mưu cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo tồn, phát triển, nghiên cứu khoa học, cung ứng giống và sản xuất các mặt hàng đặc hữu từ sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu quý khác. Theo đó, Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam đã đề ra ba mục tiêu trọng tâm trong thời gian tới.
Một là, lưu giữ và bảo tồn nguồn gen, Trung tâm đang nỗ lực để vườn sâm giống gốc tại Trạm Dược liệu Trà Linh được công nhận là “vườn bảo tồn nguyên vị”, góp phần bảo tồn nguồn gen quý hiếm của sâm Ngọc Linh.
Hai là, phát triển sản xuất cây giống, Trung tâm đặt mục tiêu sản xuất 400.000 - 500.000 cây giống sâm Ngọc Linh chất lượng cao mỗi năm để đáp ứng nhu cầu sản xuất theo chủ trương của tỉnh.
Ba là, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, Trung tâm tập trung nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về cây sâm Ngọc Linh để dần hoàn thiện các quy trình kỹ thuật phục vụ sản xuất bền vững (môi trường sinh thái rừng, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm,...), nâng cao hiệu quả hơn nữa.
![]() |
Tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu bảo tồn, xây dựng và phát triển Sâm Ngọc Linh trở thành ngành hàng hóa có giá trị kinh tế cao; là sản phẩm chủ lực của tỉnh, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia. |
Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ đầu tư và ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác quản lý, chăm sóc vườn sâm, quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Việc này không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn giúp quản lý tốt nguồn gốc, thương hiệu và bảo vệ nguồn gen gốc sâm Ngọc Linh Quảng Nam.
Ngoài ra, Trung tâm cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước để nghiên cứu sâu hơn về các hoạt chất sinh học, tác dụng dược lý và ứng dụng của sâm Ngọc Linh trong y học, dược phẩm và mỹ phẩm.
Việc phát triển sâm Ngọc Linh không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển kinh tế rừng và nâng cao đời sống người dân địa phương. Với những nỗ lực không ngừng, Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam đang từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển "Quốc bảo" sâm Ngọc Linh, hướng tới một tương lai bền vững cho ngành dược liệu Việt Nam.
THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO