Bức xúc trước mắt và tầm nhìn dài hạn

26/09/2019 08:22 Tăng trưởng xanh
Thế và lực của nền kinh tế đã khác trước nhưng "thuyền to sóng lớn", tình hình kinh tế - xã hội cũng xuất hiện thêm nhiều vấn đề nóng bỏng, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là "việc hôm nay chớ để ngày mai", xử lý ngay từng vụ việc bức xúc đồng thời phải quan tâm tháo gỡ các điểm nghẽn trong trung và dài hạn.
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ 7 dự án sai phạm tại Thái Bình Tăng cường xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng Thu hút vốn FDI: Thận trọng, tránh rủi ro

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu phát triển vừa nhanh, bền vững. Để đạt mục tiêu này, thời gian qua, Chính phủ đã tổ chức hàng loạt hội nghị lớn để giải quyết nhiều vấn đề vĩ mô, đồng thời có những chỉ đạo kịp thời cho nhiều vướng mắc rất cụ thể.

Trên thực tế, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội kể từ đầu nhiệm kỳ này luôn trong xu hướng phát triển tích cực, nhưng cũng còn tồn tại rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết.

Gần đây nhất, ngày 24/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam. Tại đây, người đứng đầu Chính phủ đã khẳng định quyết tâm của Chính phủ với việc thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nền tảng này. Theo đó, phải đổi mới tư duy về sản xuất cơ khí, chống bao cấp, nhưng tạo mọi điều kiện về chính sách, kể cả chính sách đầu vào và đầu ra cho sản phẩm cơ khí Việt Nam.

buc xuc truoc mat va tam nhin dai han
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương cần quyết tâm hành động, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, nói đi đôi với làm và quyết liệt hơn.

Còn trong tháng 8, Chính phủ đã tổ chức các hội nghị về cải thiện năng suất lao động quốc gia, phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật để tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế, hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với các địa phương với tinh thần là quyết tâm làm cho được Chính phủ điện tử…

Tới đây, nhiều hội nghị lớn sẽ tiếp tục được tổ chức mà sớm nhất, ngày 26/9 là hội nghị toàn quốc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đầu năm mới đạt 37,92% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 41,39% so với kế hoạch Thủ tướng giao.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, có vai trò quan trọng hàng đầu với đột phá chiến lược về hạ tầng, ngày 12/9, Thủ tướng chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ về các dự án giao thông vận tải.

Tại đây, ông chỉ rõ sự trì trệ trong xử lý một số lĩnh vực giao thông, một số dự án giao thông và yêu cầu phải bảo đảm hoạt động bình thường, không để ách tắc trong mọi loại hình giao thông vận tải, không để ảnh hưởng đến sự phát triển trong những năm đến.

Cũng trong lĩnh vực giao thông, Chính phủ, Thủ tướng đã đốc thúc quyết liệt việc triển khai và tháo gỡ vướng mắc với các dự án cụ thể như dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ phải cơ bản thông xe trong năm 2020 và khánh thành vào đầu năm 2021.

Ngày 16/9 vừa qua tại Quảng Trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự, phát lệnh khởi công xây dựng dự án tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, dự án đầu tiên trong 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

Cùng với đó, ông cũng khuyến khích, động viên tinh thần chủ động, dám nghĩ, dám làm, vượt khó của các địa phương, như đề xuất của 2 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng dành ngân sách của địa phương hỗ trợ cho các dự án xây dựng tuyến cao tốc Hữu nghị - Chi Lăng và Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Đích thân Người đứng đầu Chính phủ cũng có những nhắc nhở, chỉ đạo cụ thể đối với những vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm, thậm chí bức xúc, trong đó có thể đến tiến độ tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, khả năng thiếu điện trong những năm tới, tình trạng quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất và những bất cập tại sân bay Nội Bài…

Trong lĩnh vực kinh tế, mặc dù vẫn giữ được xu hướng phát triển tích cực, nhưng cũng xuất hiện nhiều nguy cơ, thách thức, trong đó có những nguy cơ, thách thức mới xuất hiện và chưa từng có tiền lệ, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị của thế giới rất khác so với 5 năm trước đây.

Trước tình hình này, Chính phủ, Thủ tướng đã có những chỉ đạo kịp thời, như ban hành Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ", mà một mục tiêu là nhằm ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa, ngăn chặn hiện tượng Việt Nam bị lợi dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba, theo hướng toàn diện, đồng bộ và kịp thời, giúp khai thác hiệu quả các cam kết quốc tế, phát triển bền vững xuất nhập khẩu…

Với các địa phương, Chính phủ đã có hàng loạt hội nghị, cuộc làm việc với các địa phương, các vùng kinh tế để đánh giá tình hình, lắng nghe các góp ý, đề ra mục tiêu, định hướng, giải pháp phát triển cho các khu vực trong thời gian tới, tháo gỡ các điểm nghẽn…

Đặc biệt, Tiểu ban Kinh tế xã hội Đại hội XIII - mà Thủ tướng là Trưởng Tiểu ban, đã có rất nhiều cuộc làm việc với các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế; chỉ đạo triển khai thực hiện nghiên cứu hàng chục chuyên đề về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, cải cách hành chính, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…

Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, thực hiện các Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng đã nỗ lực quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, đưa nền kinh tế tiếp tục phát triển, giải quyết kịp thời nhiều vấn đề xã hội bức xúc. Thế và lực của nền kinh tế đã khác trước nhưng “thuyền to sóng lớn”, việc xuất hiện thêm nhiều vấn đề nóng bỏng cũng không phải là chuyện bất thường.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương cần quyết tâm hành động, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, nói đi đôi với làm và quyết liệt hơn, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, tiếp tục đổi mới, sáng tạo không ngừng để giải quyết các vấn đề đặt ra.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần việc gì làm được trong nhiệm kỳ thì chúng ta nên triển khai ngay, "việc hôm nay chớ để ngày mai", những sai phạm trong quá khứ cần tiếp tục được xử lý quyết liệt nhưng việc đến tay thì phải làm để thúc đẩy phát triển.

Chỉ có như vậy, chúng ta mới giải quyết được thỏa đáng, kịp thời các vấn đề phát sinh hằng ngày, hằng giờ trong cuộc sống, đồng thời bảo đảm các định hướng lớn phù hợp để nền kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong tầm nhìn trung và dài hạn.

Theo Hà Chính/VGP
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động