Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 tại Nam Định

28/10/2024 13:37 Đa dạng sinh học và ứng phó BĐKH
Liên quan đến vấn đề trên, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Kế hoạch số 78/KH-UBND về việc thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 3/4/2023 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, BVMT biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050.

Theo đó, để thực hiện mục tiêu Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Nam Định đã đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và yêu cầu các cấp, Sở, ban, ngành, các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, lĩnh vực được giao, tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 3/4/2023 của Chính phủ và Kế hoạch của UBND tỉnh, bao gồm khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững, xác định tài nguyên, môi trường biển để phát triển kinh tế của tỉnh cùng việc bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Phát triển kinh tế biển xanh; Tổ chức tham gia các hoạt động khu vực ven biển, trên biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng biên giới biển của tỉnh.

Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 tại Nam Định
Khu vực rừng ngập mặn thuộc Vườn quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định.

Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp chính quyền trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP; Phân vùng sử dụng không gian biển, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển; Ưu tiên bố trí không gian biển cho các hoạt động phát triển ngành thuỷ sản toàn diện trên các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến; Đẩy mạnh đầu tư mới hạ tầng các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp phục vụ phát triển công nghiệp, hoàn thành hạ tầng và sớm lấp đầy Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông, Cụm công nghiệp Thịnh Lâm - Giao Thủy, Cụm công nghiệp làng nghề Hải Vân - Hải Hậu. Hoàn thành đề án thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ.

Cùng với đó, phát triển nhanh, đa dạng các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch. Chú trọng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm cộng đồng gắn với phát triển du lịch các địa điểm: Vườn quốc gia Xuân Thủy, các khu du lịch Quất Lâm, Thịnh Long, Rạng Đông, khu bảo tồn chứng tích biến đổi khí hậu Nhà thờ đổ Văn Lý, các mô hình điểm trong xây dựng nông thôn mới… Hình thành các tuyến du lịch biển gắn với du lịch văn hóa, tâm linh và tuyến du lịch liên tỉnh; Khai thác tốt các tuyến vận tải đường thủy, đẩy mạnh phát triển hệ thống cảng, dịch vụ vận tải biển, từng bước hình thành các chuỗi cung ứng vận tải biển, tổng kho phân phối, hoàn thiện hạ tầng Logistics kết nối liên thông với các cảng biển lớn của khu vực. Xây dựng lộ trình mở rộng, nâng cấp cảng để có khả năng tiếp nhận các tàu trọng tải lớn, đáp ứng nhu cầu phát triển dịch vụ vận tải biển; Nghiên cứu xây dựng cảng biển chuyên dùng phục vụ cho phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ, Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông...

Đối với công tác BVMT biển, công tác điều tra, thống kê, phân loại, quan trắc và đánh giá các loại hình ô nhiễm, tình trạng ô nhiễm, nguồn ô nhiễm môi trường biển cần được thực hiện định kỳ, nhằm tăng cường năng lực và chủ động kiểm soát, giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý các vấn đề môi trường biển của tỉnh; Tăng cường năng lực hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên môi trường biển và ưu tiên nguồn lực từ nguồn kinh phí BVMT để triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến 2030, theo mục tiêu tỷ lệ thu hồi, xử lý rác thải nhựa tại các bãi biển, khu du lịch biển và khu bảo tồn biển đạt 100%.

Tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Xuân Thủy và vùng đệm. Đến năm 2030, duy trì diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 8-9% diện tích vùng ven biển; diện tích rừng ngập mặn ven biển được phục hồi tối thiểu bằng mức năm 2000. Đẩy mạnh điều tra, đánh giá và xác định mức độ dễ bị tổn thương, tính nguy cấp của các loài sinh vật biển đặc hữu, có giá trị khoa học và kinh tế để đưa ra các phương án, giải pháp bảo vệ, bảo tồn và phục hồi.

Về công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng cần triển khai gấp rút các giải pháp ứng phó, dựa vào hệ sinh thái và các giải pháp dựa vào tự nhiên thông qua việc bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái biển và ven biển, nhằm giảm thiểu thiệt hại do nước biển dâng, xâm nhập mặn, lũ lụt, hạn hán và các tác động liên quan khác đối với vùng biển và ven biển. Nâng cao khả năng chống chịu và phục hồi của hệ thống tự nhiên và xã hội vùng biển và ven biển trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; phát triển mô hình cộng đồng ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu; giám sát tác động của biến đổi khí hậu đến các ngành kinh tế biển và đời sống, sinh kế cộng đồng trên vùng biển và ven biển; Chủ động chuẩn bị các phương án, điều kiện phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển phù hợp với từng ngành kinh tế biển, các vùng biển và ven biển…

Đông Hải
Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động