TP. Hồ Chí Minh: Tạo đột phá trong lĩnh vực công viên cây xanh để cải thiện môi trường

16/09/2024 08:22 Đa dạng sinh học và ứng phó BĐKH
Đã có ít nhất 6 công viên có quy mô lớn đã được đề xuất đầu tư xây dựng để tạo sự đột phá trong lĩnh vực công viên cây xanh, tăng mảng xanh để cải thiện môi trường cho TP. Hồ Chí Minh.
TP. Hồ Chí Minh: Tạo đột phá trong lĩnh vực công viên cây xanh để cải thiện môi trường
Công viên Tao Đàn - một trong những công viên lâu đời ở trung tâm TP. Hồ Chí Minh

Theo thông tin từ Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, đơn vị này đã tham mưu đề xuất với UBND TP. Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng 6 công viên có quy mô tổng diện tích lên đến gần 800 ha để tạo sự đột phá tăng mảng xanh cho 1 số khu vực ở TP. Thủ Đức, huyện Củ Chi, quận 12, Bình Tân và Bình Thạnh.

Trong đó, lớn nhất là công viên Sài Gòn Safari rộng 485 ha ở huyện Củ Chi. Dự án nằm trên địa bàn hai xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, thuộc cụm du lịch văn hóa lịch sử Củ Chi với các khu chức năng thả thú bán hoang dã.

Lớn thứ 2 là khu lâm viên sinh thái ở TP. Thủ Đức rộng 128 ha thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Chức năng chính của khu lâm viên này là khu vực bảo vệ môi trường, thoát nước mặt kết hợp nghỉ ngơi, giải trí, giữ gìn hệ sinh thái tự nhiên. Theo đó, phần lớn diện tích của khu này là vùng sinh thái ngập nước, chỉ quy hoạch 3 lô đất để xây dựng các công trình phục vụ tham quan, du lịch và khu nghiên cứu thực vật.

Còn Công viên quảng trường Thủ Thiêm cũng ở TP. Thủ Đức rộng 20 ha. Hiện công viên bờ sông Sài Gòn đoạn từ cầu Ba Son đến đường hầm sông Sài Gòn đã đưa vào sử dụng với nhiều hạng mục, như cánh đồng hoa hướng dương, khuôn viên sinh hoạt cộng đồng, bến cầu tàu, chuỗi bè nổi thủy sinh, công viên đá, công viên sinh thái...

Công viên Gò Cát ở quận Bình Tân rộng 13 ha. Đây vốn dĩ là bãi rác được sử dụng theo phương thức chôn lấp, đã dừng hoạt động hơn 10 năm. Gần đây, được nhiều đơn vị đề xuất di dời, xử lý để lấy mặt bằng làm khu đô thị sinh thái.

Công viên cây xanh Thạnh Xuân ở quận 12 rộng 150 ha, nằm ở hai phường Thạnh Xuân và Thới An. Do diện tích lớn, công viên này sẽ được quy hoạch thành công viên đa chức năng, vừa phục vụ thưởng lãm, sinh hoạt, khai thác các loại hình vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng (không lưu trú), vừa điều tiết nước và chứa nước sạch cho cả khu vực.

TP. Hồ Chí Minh: Tạo đột phá trong lĩnh vực công viên cây xanh để cải thiện môi trường
Công viên bờ sông Sài Gòn thuộc Công viên quảng trường Thủ Thiêm đã đưa vào khai thác từ đầu năm 2024

Cuối cùng là Công viên cây xanh thuộc khu công viên cây xanh - thể dục thể thao phường 12, quận Bình Thạnh rộng 3,8 ha.

Liên quan đến việc triển khai 6 công viên để tăng mảng xanh ở TP. Hồ Chí Minh, đại diện Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cũng đã có những thông tin chính thức tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh phối hợp Sở Thông tin - Truyền thông TP. Hồ Chí Minh tổ chức chiều 12/9.

Cụ thể, đại diện Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh - bà Nguyễn Thị Nhi, Phó Phòng hạ tầng cho biết, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra chỉ tiêu cây xanh hướng tới 2030 không dưới 1m2/ người.

Do đó, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND TP. Hồ Chí Minh việc đầu tư xây dựng 6 công viên có quy mô lớn, tại các khu vực chưa có nhiều công viên lớn để tạo sự đột phá trong lĩnh vực công viên cây xanh, phân bố đồng đều về hệ thống công viên công cộng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và cân bằng về tỷ lệ đất hạ tầng xã hội trong đô thị.

TP. Hồ Chí Minh: Tạo đột phá trong lĩnh vực công viên cây xanh để cải thiện môi trường
Toàn bộ diện tích 128 ha khu bán ngập của Khu đô thị Thủ Thiêm sẽ được sử dụng làm công viên cây xanh

Bà Nguyễn Thị Nhi còn cho biết, ngoài 6 công viên có quy mô lớn hiện đang được TP. Hồ Chí Minh cân đối nguồn lực để đầu tư xây dựng. TP. Hồ Chí Minh cũng đã rà soát và có các giải pháp để tiếp tục phát triển tăng mảng xanh cải thiện môi trường.

Trong đó, tiếp tục rà soát, đầu tư công viên, mảng xanh, trồng cây xanh tại các khu đất quy hoạch công viên, các khu đất ô nhiễm, khu đất chưa đầu tư xây dựng.

Cùng đó, mảng xanh, cây xanh tại các khu vực công cộng, khu phố, dân cư, nhà dân, cơ quan công sở, trường học… cũng khuyến khích phát triển. Rà soát, kiểm tra, đề nghị các chủ đầu tư của các dự án khu dân cư, phát triển nhà ở sớm xây dựng, hoàn chỉnh toàn bộ các công viên, cây xanh và hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong dự án đúng theo quy mô trong đồ án quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500, nhất là các dự án đã đưa vào sử dụng.

Toàn TP. Hồ Chí Minh hiện có khoảng 400 công viên, bao gồm công viên công cộng và trong khuôn viên khu nhà ở với hơn 235.000 cây xanh. Trong đó, các quận nội thành có diện tích công viên lớn hơn khu vực ngoại thành.

Theo quy hoạch, tổng diện tích đất dành cho công viên cây xanh TP. Hồ Chí Minh khoảng hơn 11.400 ha, tương ứng 7m2/người. Tuy nhiên, thực tế hiện đang rất thấp, chỉ có khoảng 500ha dành cho công viên cây xanh, tương ứng tỷ lệ bình quân 0,55 m2/người.

Thanh Hải

Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động