Quảng Bình: Đề cử Phong Nha - Kẻ Bàng thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới

30/09/2024 09:22 Đa dạng sinh học và ứng phó BĐKH
Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết, đơn vị vừa tổ chức cuộc họp với Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên - Môi trường) cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh Quảng Bình về việc xây dựng hồ sơ đề cử Phong Nha - Kẻ Bàng thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng (VQG PN – KB) có diện tích 123.326 ha nằm trong địa bàn các xã Tân Trạch, Thượng Trạch, Phúc Trạch, Xuân Trạch và thị trấn Phong Nha (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình); bao gồm 03 phân khu: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 100.296 ha, phân khu phục hồi sinh thái có diện tích 19.619 ha, phân khu hành chính dịch vụ diện tích 3.411 ha.

Năm 2003, Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí địa chất, địa mạo; đến năm 2015, tiếp tục được UNESCO công nhận lần thứ 2 là Di sản thiên nhiên thế giới dựa theo tiêu chí đa dạng sinh học.

Phong Nha – Kẻ Bàng có tiềm năng trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới

Việc xây dựng hồ sơ đề cử Phong Nha - Kẻ Bàng thành Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) thế giới, theo đại diện Ban Quản lý VQG PN – KB cho biết, phạm vi khảo sát lập Khu dự trữ sinh quyển thế giới PN – KB có quy mô diện tích 484.326 ha, dân số 133.642 người. Trong đó, vùng lõi khu dự trữ sinh quyển được lấy theo ranh giới vùng lõi VQG PN-KB và khu di sản VQG PN-KB, thuộc địa phận 2 huyện, 7 xã/thị trấn, diện tích 123.326 ha; vùng đệm được lấy theo ranh giới vùng đệm VQG PN-KB thuộc địa phận 3 huyện, 13 xã/thị trấn, diện tích là 220.000 ha; vùng chuyển tiếp nằm trên địa phận 6 huyện/thị xã, 18 xã/thị trấn, diện tích 141.000 ha.

Phong Nha – Kẻ Bàng có tiềm năng trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Phong Nha – Kẻ Bàng có tiềm năng trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Để được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới cần đạt 7 tiêu chí: Có hệ sinh thái đại diện phân vùng địa sinh vật, bao gồm các mức độ can thiệp của con người; Có tầm quan trọng về bảo tồn đa dạng sinh học; Cung cấp cơ hội thực hiện tiếp cận phát triển bền vững; Có kích thước thích hợp đảm bảo 3 chức năng (bảo tồn, hỗ trợ và phát triển); Phân vùng chức năng thích hợp, được công nhận; Thành lập tổ chức quản lý; Có cơ chế quản lý các phân vùng, kế hoạch quản lý, chương trình nghiên cứu, giám sát, giáo dục và đào tạo.

Trên cơ sở đánh giá của các nhà khoa học, Phong Nha – Kẻ Bàng hiện nay đang đáp ứng 3 tiêu chí 1-3; Các tiêu chí 4-7 được cập nhật, bổ sung trên cơ sở điều kiện thực tiễn của từng địa phương trong quá trình xây dựng hồ sơ đề cử KDTSQ thế giới.

Theo đó, về hệ sinh thái đại diện cho các vùng địa sinh học, VQG PN-KB nằm trong vùng sinh thái Rừng mưa Bắc Trường Sơn và Rừng mưa đất thấp phía Bắc Việt Nam thuộc Miền Ấn Độ-Malay; vùng sinh thái lâm nghiệp Việt Nam (Vùng núi Tây Thanh Nghệ Tĩnh) và Khối núi Đá Vôi Phong Nha-Kẻ Bàng.

Trong đó, hệ sinh thái đặc trưng điển hình của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng là hệ sinh thái rừng núi đá vôi, với nhiều hang động đẹp nằm sâu trong lòng đất. Hệ sinh thái rừng kín thường xanh che phủ 93,5% diện tích, trong đó trên 90% là hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên núi đá vôi lớn nhất Đông Nam Á và hầu hết chưa bị tác động.

Đối với hệ thực vật, ghi nhận được 2.952 loài thực vật thuộc 1.006 chi, 198 họ, 52 bộ, 11 lớp, 6 ngành; trong đó, có 112 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007, 121 loài thuộc Danh lục đỏ IUCN, 46 loài trong Nghị định số 06/2019/NĐ-CP; có 419 loài thực vật đặc hữu của Việt Nam…

Khu hệ động vật cũng vô cùng phong phú với 1.394 loài động vật thuộc 835 giống, 289 họ, 66 bộ, 12 lớp, 4 ngành; trong đó, có 83 loài trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007, 117 loài được ghi trong Danh lục đỏ thế giới IUCN, 111 loài có tên trong Nghị định số 06/2019/NĐ-CP; phân bố của 10 loài linh trưởng, chiếm 40% tổng số loài thuộc Bộ linh trưởng có ở Việt Nam.

Lợi ích khi trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam hiện có 11 Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, chỉ đứng sau Indonesia về số lượng các Khu dự trữ sinh quyển tại khu vực Đông Nam Á. Các KDTSQ này là điều kiện không thể thiếu đối với cuộc sống của không chỉ hàng triệu người dân Việt Nam, mà còn của vô số các loài động thực vật đặc hữu. Việc thúc đẩy vai trò và giá trị của các KDTSQ trong việc điều hòa khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, nhất là sự chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên có tầm quan trọng đặc biệt trong việc hoạch định chính sách quốc gia.

Việc UNESCO công nhận các KDTSQ thế giới sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương; thu hút các dự án, các nguồn tài trợ để triển khai các hoạt động bảo tồn, hỗ trợ sinh kế và phát triển bền vững khu vực. Đồng thời, là cơ hội lớn để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, vừa hỗ trợ nâng cao đời sống cho cộng đồng địa phương, vừa góp phần tích cực cho hoạt động bảo tồn của khu vực.

Ngoài ra, còn là cơ hội tốt để các KDTSQ thế giới được giao lưu, mở rộng quan hệ hợp tác và học hỏi các mô hình bảo tồn và phát triển bền vững trên thế giới.

Phong Nha - Kẻ Bàng sở hữu cảnh sắc thiên nhiên cùng hệ sinh thái đa dạng.
Phong Nha - Kẻ Bàng sở hữu cảnh sắc thiên nhiên cùng hệ sinh thái đa dạng.

Theo ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Ban quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, nếu PN-KB được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới sẽ đóng góp không nhỏ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của địa phương; đặc biệt, góp phần vào việc bảo tồn đa dạng cảnh quan, hệ sinh thái, loài và nguồn gen; hỗ trợ việc nghiên cứu, giáo dục và tập huấn giữa các địa phương, quốc gia, quốc tế về bảo tồn và phát triển bền vững.

Dự kiến, tháng 8/2025 PN-KB sẽ hoàn thiện hồ sơ đề cử và gửi hồ sơ đến UNESCO; đến tháng 7/2026 hồ sơ đề cử của PN-KB có thể được xem xét thông qua và công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Phong Nha - Nha Kẻ Bàng.

Nguyễn Nhàn
Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động