Quảng Bình nỗ lực nâng cao chất lượng công tác quản lý môi trường

24/07/2023 08:19 Quản lý nguồn thải
Hơn 80% số lượng rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý, trên 60% số xã đạt tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới theo bộ tiêu chí mới. Đó là những kết quả nổi bật, thể hiện sự chuyển biến tích cực, đi vào nề nếp, đúng quy định của pháp luật trong công tác quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Bình thời gian qua.
Quảng Bình nỗ lực nâng cao chất lượng công tác quản lý môi trường

Hơn 80% số lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Quảng Bình được thu gom và xử lý. Ảnh: Sưu tầm

Tăng cường quản lý các nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng

Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trưởng Quảng Bình cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, như: tăng cường thu gom, xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh Covid-19, do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu; thu gom và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; báo cáo tình hình quản lý nguồn thải và hiện trạng cơ sở dữ liệu về nguồn thải trên địa bàn tỉnh; Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Bình năm 2022; Kế hoạch hành động về bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình...

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình, đơn vị này đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh, tỷ lệ thu gom, xử lý ước tính 6 tháng đầu năm đạt 81%. Đồng thời, tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các nguồn thải và bảo đảm vệ sinh môi trường trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023; theo dõi, giám sát tình hình thực hiện của Nhà máy phân loại, xử lý rác thải, sản xuất biogas và phân bón khoáng hữu cơ. Tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường; cung cấp số liệu quan trắc tự động, liên tục của Nhà máy sản xuất Clinker Văn Hóa cho UBND huyện Tuyên Hoá; thực hiện xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh; xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường địa phương...

Bên cạnh đó, ngành Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình cũng triển khai tốt các nhiệm vụ theo phân công, chủ động lồng ghép các nội dung của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới vào nhiệm vụ chuyên môn của ngành nhằm triển khai hiệu quả. Rà soát kết quả thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh theo bộ tiêu chí 2021-2025. Đến nay, số xã đạt tiêu chí môi trường là 77/128 xã đạt 60,2%. Sở cũng tiến hành hỗ trợ xe thu gom rác, thùng rác, pano tuyên truyền, làn nhựa, hướng dẫn kỹ thuật thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm cho 9 xã thuộc các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa.

Trong 6 tháng đầu năm, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng thẩm định, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt 20 hồ sơ đánh giá tác động môi trường, 16 giấy phép môi trường, 1 giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn động vật hoang dã Phong Nha - Kẻ Bàng. Thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải thu với gần 232 triệu đồng; đôn đốc các đơn vị ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường với tổng số tiền 1,3 tỷ đồng/tổng số tiền đến hạn ký quỹ là 4,7 tỷ đồng (đạt 27,8%). Đồng thời, phê duyệt kết quả chương trình quan trắc môi trường tỉnh Quảng Bình năm 2022, xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình quan trắc môi trường năm 2023; tiếp tục theo dõi, giám sát quan trắc tự động.

Hệ thống giải pháp ngăn ngừa vi phạm

Dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên công tác quản lý lĩnh vực môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Bình còn gặp phải một số tồn tại, vướng mắc. Đó là việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường ở một số địa bàn chưa nghiêm túc, ô nhiễm môi trường trong quá trình vận chuyển vật liệu còn xảy ra ở một số nơi; trang thiết bị và nhân lực cho lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học còn hạn chế. Việc ký quỹ và công tác cải tạo phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ một số doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm túc theo quy định của pháp luật…

Trong bối cảnh đó, Sở xác định cần tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020 để chủ động ngăn ngừa những vi phạm pháp luật về lĩnh vực môi trường. Thực hiện kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tiếp tục tiếp nhận, thẩm định, giải quyết các hồ sơ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định, nhất là đánh giá tác động các công trình tái định cư, di dời mồ mã, bãi rác phục vụ giải phóng mặt bằng dự án cao tốc.

Trong công văn gửi các cơ quan, đơn vị, địa phương về việc tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường; đẩy mạnh xây dựng cảnh quan môi trường đô thị và nông thôn; áp dụng giải pháp sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả năng lượng trong công trình xây dựng; chú trọng hoạt động xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường giúp nâng cao chất lượng môi trường sống khu vực đô thị, nông thôn; lựa chọn mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả, tiên tiến để triển khai, nhân rộng tạo thành phong trào tại địa phương, chú trọng mô hình tự quản về bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải, hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, khu dân cư, cụm dân cư nông thôn đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; tăng cường tái sử dụng, tái chế rác thải sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp; thu gom, xử lý chất thải nguy hại đúng quy định; đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để góp phần bảo vệ môi trường. Đồng thời, khuyến khích áp dụng giải pháp khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh./.

PV
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động