Đánh thức tiềm năng du lịch Yên Sơn

03/03/2025 08:16 Kinh tế, xã hội
Là huyện cửa ngõ phía Tây Nam tỉnh Tuyên Quang, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Yên Sơn từng bước vượt qua khó khăn, phát huy lợi thế, đạt được nhiều thành tựu trong mọi lĩnh vực, đặc biệt kinh tế du lịch có nhiều khởi sắc.

Nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam tỉnh, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, du lịch lịch sử văn hóa, du lịch lễ hội và tâm linh… Nhắc đến Yên Sơn, nhiều người biết đến đây là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Tuyên Quang. Nơi đây sở hữu thiên nhiên hoang sơ, tuyệt đẹp, cùng nét văn hóa độc đáo. Từ đó giúp cho Yên Sơn là một trong các huyện có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch và thu hút được rất nhiều du khách cả trong lẫn quốc tế đến tham quan.

Đánh thức tiềm năng du lịch Yên Sơn
Đồi chè Mỹ Bằng, Yên Sơn (Tuyên Quang).

Hiện nay, huyện Yên Sơn đang tập trung mọi nguồn lực nhằm phát triển du lịch hướng tới chuyên nghiệp, xây dựng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện với mục tiêu đón 300.000 lượt khách du lịch vào năm 2025.

Để đạt được mục tiêu trên, huyện Yên Sơn đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển du lịch, đặc biệt là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Theo đó, cấp uỷ, chính quyền huyện phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện Quyết định số 426/QĐ-UBND ngày 30/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Đề án phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đến toàn thể, cán bộ, đảng viên, hội viên và Nhân dân trên địa bàn. Đồng thời nỗ lực thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29 của BCH Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Qua triển khai thực hiện đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền; ý thức của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện trong việc phát triển du lịch hướng tới chuyên nghiệp, tôn trọng pháp luật, xây dựng phong cách ứng xử văn minh, thái độ cởi mở, chân thành với khách du lịch; xây dựng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện.

Đánh thức tiềm năng du lịch Yên Sơn
Khu di tích Lịch sử ATK Kim Quan (Yên Sơn).

Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; huy động hiệu quả nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch. Huyện đã rà soát, lập, bổ sung quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch có tiềm năng, lợi thế. Trong đó tập trung vào Khu du lịch sinh thái, sân golf xã Nhữ Khê; khai thác tiềm năng mặt nước Thuỷ điện Sông Lô 8B (xã Phúc Ninh), Thuỷ điện Yên Sơn (xã Quý Quân), hồ Ngòi Là (xã Chân Sơn),…; khai thác khu núi Là, Làng văn hóa dân tộc Cao Lan (xã Chân Sơn); khu núi Là (xã Lang Quán); Làng văn hóa dân tộc Dao (xã Tân Tiến); điểm du lịch Đền Minh Lương, đền Đầm Mây (xã Lang Quán)…

Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đến các khu, điểm du lịch trọng điểm của huyện như: Khu di tích ATK Kim Quan; di tích lịch sử Cách mạng Lào, Làng Ngòi - Đá Bàn (xã Mỹ Bằng), Làng văn hoá thôn Động Sơn (xã Chân Sơn); các khu, điểm du lịch sinh thái, du lịch tâm linh và du lịch cộng đồng. Cân đối, bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng hạ tầng (giao thông, viễn thông...) và xây dựng một số điểm checkin hấp dẫn tại các điểm có tiềm năng phát triển du lịch của huyện như: Quảng trường Yên Sơn, đồi chè xã Mỹ Bằng, Đền Minh Lương, thị trấn Yên Sơn...

Đánh thức tiềm năng du lịch Yên Sơn
Suối khoáng Mỹ Bằng - một điểm du lịch nổi tiếng của huyện Yên Sơn.

Phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật viễn thông, công nghệ thông tin; hệ thống cấp cấp, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải và vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn, các khu vui chơi, giải trí. Vận động các hộ gia đình dọc các tuyến đường thuộc tua, tuyến, các khu, điểm tham quan du lịch trồng cây xanh, trồng hoa để tạo cảnh quan.

Ủy ban nhân dân huyện Yên Sơn thường xuyên chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang tiến hành kiểm kê các di tích lịch sử trên địa bàn huyện đề nghị cấp có thẩm quyền giúp đỡ trong công tác khảo sát, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích. Đến nay toàn huyện có 124 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 21 di tích cấp quốc gia, 59 di tích cấp tỉnh. Các xã có các di tích lịch sử trên địa bàn thường xuyên phối hợp với các đơn vị, trường học làm tốt công tác vệ sinh môi trường tại các khu, điểm di tích để phục vụ du khách đến tham quan du lịch lịch sử. Đặc biệt, trên địa bàn huyện còn có Khu di tích lịch sử quốc gia cách mạng Lào thôn Làng Ngòi - Đá Bàn, xã Mỹ Bằng mỗi năm đón hàng chục đoàn khách là Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân nước bạn Lào tới thăm.

Đánh thức tiềm năng du lịch Yên Sơn
Huyện Yên Sơn đặt mục tiêu đến hết năm 2025, thu hút trên 300.000 lượt khách du lịch, tổng thu xã hội từ du lịch đạt trên 490 tỷ đồng; tạo việc làm cho trên 3.000 lao động.

Bên cạnh đó, huyện Yên Sơn đã tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có, đặc trưng của huyện như: du lịch lịch sử văn hóa, du lịch sinh thái trải nghiệm, du lịch lễ hội và tâm linh, du lịch mua sắm, du lịch cộng đồng… Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ; đổi mới và nâng cao hiệu quả xúc tiến, thu hút đầu tư; nâng cao hiệu quả quảng bá du lịch; tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch.

Vận dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển du lịch. Theo đó, huyện Yên Sơn đã khuyến khích ưu đãi đầu tư, chú trọng các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia các hoạt động phục vụ cho phát triển du lịch, dịch vụ; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng; hỗ trợ doanh nghiệp và nhân dân khởi nghiệp phát triển du lịch; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hướng dẫn viên trong lĩnh vực du lịch. Đặc biệt, Yên Sơn đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án xây dựng Làng văn hoá dân tộc Cao Lan, thôn Động Sơn, xã Chân Sơn gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Đặc biệt, huyện Yên Sơn đã tập trung thực hiện hiệu quả Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, thuộc Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Nhờ đó, các giá trị văn hóa của đồng bào các DTTS được bảo tồn và phát huy, các thiết chế văn hóa được đầu tư và xây dựng, góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo có sức hút khách du lịch...

Với các giải pháp đồng bộ với sự quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của Nhân dân, từ năm 2021 đến hết quý I năn 2024, huyện Yên Sơn đã thu hút trên 845.000 lượt khách du lịch (năm 2021 là 220.000 lượt khách, năm 2022 là 265.000 lượt khách, năm 2023 là 270.000 lượt khách, quý I năm 2024 thu hút trên 90.000 lượt), tổng thu xã hội từ du lịch đạt trên 810 tỷ đồng; tạo việc làm cho trên 2.500 lao động. Với kết quả đó, huyện Yên Sơn đặt mục tiêu đến hết năm 2025, thu hút trên 300.000 lượt khách du lịch, tổng thu xã hội từ du lịch đạt trên 490 tỷ đồng; tạo việc làm cho trên 3.000 lao động.

Những địa điểm du lịch nổi tiếng tiêu biểu của huyện Yên Sơn:

* Khu di tích lịch sử Làng Ngòi

Khu di tích lịch sử Làng Ngòi là địa chỉ đỏ, đánh dấu tinh thần đoàn kết của nước ta cùng người anh em láng giềng, Lào.

Nơi này từng là căn cứ cách mạng của các cấp lãnh đạo nhân dân Lào. Đến đây bạn không chỉ được nhìn ngắm cảnh vật thuộc về lịch sử mà còn cảm nhận được tình hữu nghị, gắn bó của hai nước Việt - Lào.

* Khu di tích Lịch sử ATK Kim Quan

Nơi này có tên đầy đủ là khu di tích Lịch sử An Toàn Khu Kim Quan. Sở hữu phong cảnh yên bình nên ít được nhiều người biết đến, nhưng nơi này lại là căn cứ vô cùng quan trọng trong thời kỳ chống Pháp.

Di tích Lịch sử ATK Kim Quan là nơi Bác Hồ, Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan khác của Đảng, Văn phòng Chính phủ ở và công tác vào khoảng năm 1953-1954. Bên cạnh đó còn có các hầm an toàn.

Vì thế, khi đến đây, bạn không chỉ được thưởng thức sự thanh bình của bức tranh thiên nhiên, mà còn được tận mắt nhìn thấy nơi đã chứng kiến các sự kiện quan trọng và đáng tự hào trong lịch sử.

* Suối khoáng Mỹ Lâm

Nằm cách trung tâm thành phố khoảng 13km, Suối khoáng Mỹ Lâm là một trong những điểm tham quan nhất định phải ghé qua khi đến với huyện Yên Sơn. Suối khoáng Mỹ Lâm được phát hiện vào năm 1960 và sau đó được xây dựng thành khu du lịch như hiện nay.

Nguồn nước khoáng tại Mỹ Lâm là sunfua cho nên sẽ mang lại khả năng thư giãn, đánh tan mệt mỏi và hỗ trợ chữa bệnh khá tốt. Bên cạnh đó, nơi này nằm trên đồi cao cho nên có cảnh quan đẹp đến bất ngờ.

Còn gì tuyệt vời hơn việc được ngâm mình trong dòng suối ấm áp đồng thời còn được ngắm cảnh thiên nhiên thơ mộng?

* Đồi chè Mỹ Bằng

Bạn muốn tìm một nơi để tránh xa sự ồn ào, vội vã của chốn thành thị? Nếu thế hãy ghé đến đồi chè Mỹ Bằng. Khi đặt chân đến nơi này, đập vào mắt chính là không gian mênh mông được bao phủ bởi màu xanh mướt của những búp chè thơm, non, mơn mởn.

Ngoài ra bạn còn có thể thưởng thức thử hương vị của những búp chè thơm ngon, nóng hổi, đặc trưng của chè xứ Tuyên.

* Chùa Phật Lâm

Di tích Chùa Phật Lâm được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIII, XIV thời Trần, tính đến hiện nay, nơi này là 1 trong 3 ngôi chùa tiêu biểu có niên đại từ thời Lý - Trần được biết đến của tỉnh Tuyên Quang.

Đã được phục dựng và sửa chữa những hư hỏng do thời gian nhưng ngôi chùa vẫn giữ được sự cổ kính, trang nghiêm. Ngôi chùa cổ có cấu trúc rõ ràng nằm trong tuyến phát triển của hệ thống Phật giáo Việt Nam ở vùng Đông Bắc nước ta. Ngoài ra, vào ngày mùng 9 tháng Giêng hằng năm, chùa sẽ mở hội đón tiếp người hành hương từ khắp nơi đến tham quan, du lịch.

Minh Phú

THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO

Comments
 
Rewind 10 Seconds
00:00
00:00
00:00
Fullscreen

Tổng kết chương trình Công nghiệp hỗ trợ năm 2024 của TP. Hà Nội: Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng

Phiên bản di động