Cố đô Huế - Nơi di sản thăng hoa

26/11/2024 08:33 Văn hóa
Trải qua nhiều thế kỷ, Cố đô Huế ngày nay vẫn còn lưu giữ nhiều tinh hoa văn hóa mang ý nghĩa quốc hồn quốc túy của dân tộc, với những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam.

Nhân dịp 79 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/1945 - 23/11/2024), tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức chuỗi sự kiện đặc biệt nhằm tôn vinh vẻ đẹp bất tận của di sản văn hóa dân tộc; khẳng định mạnh mẽ vai trò của di sản trong việc kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai, đồng thời lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam ra toàn thế giới.

Tái hiện nghi lễ thiết triều thông qua hình thức sân khấu hóa, mang đến không gian uy nghi, trang trọng của một triều đại huy hoàng.
Tái hiện nghi lễ thiết triều thông qua hình thức sân khấu hóa, mang đến không gian uy nghi, trang trọng của một triều đại huy hoàng.

“Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế” được công nhận Di sản Tư liệu UNESCO

Ngày 23/11, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”.

Trao Bằng công nhận Di sản Tư liệu UNESCO ghi danh “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng” vào danh mục Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trao Bằng công nhận Di sản Tư liệu UNESCO ghi danh “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng” vào danh mục Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Cửu đỉnh - Hoàng cung Huế do vua Minh Mạng cho đúc vào năm 1835 và hoàn thành vào năm 1837, được đặt trước sân Thế Tổ Miếu. Cửu đỉnh nhằm biểu thị sự trường tồn của triều đại, sự giàu đẹp và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam.

Với trình độ đúc đồng tinh xảo của những người thợ thủ công Việt Nam thời đó, mỗi đỉnh có một tên riêng ứng với một thuỵ hiệu của mỗi vị hoàng đế triều Nguyễn. Trên mỗi đỉnh, được chạm khắc 17 bức họa tiết và 1 bức họa thư. Chín Cửu đỉnh có tổng cộng 162 họa tiết chạm khắc với nhiều chủ đề khác nhau, cùng nhiều giá trị ẩn sâu phía sau đã đưa Cửu đỉnh vượt ra ngoài tầm vóc quốc gia.

Chín đỉnh đồng không chỉ là minh chứng cho kỹ thuật đúc đồng đỉnh cao mà còn là biểu tượng về sự thống nhất và bền vững của quốc gia.
Chín đỉnh đồng không chỉ là minh chứng cho kỹ thuật đúc đồng đỉnh cao mà còn là biểu tượng về sự thống nhất và bền vững của quốc gia

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, với tư cách là Kinh đô, Huế là điểm hội tụ tinh hoa của dân tộc Việt Nam. Dưới bàn tay của các nghệ nhân, của các thợ lành nghề và công sức, trí tuệ, tài năng của cả dân tộc Việt Nam đã để lại cho Huế một quần thể kiến trúc tiêu biểu với sự kết hợp hài hoà giữa kiến trúc và thiên nhiên, là bức tranh rõ nét về chân dung kinh đô xưa của Việt Nam, mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam, chứa đựng những sắc thái văn hoá rất riêng của vùng đất Thuận Hoá - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế.

Huế vinh dự là địa phương đầu tiên của cả nước có di sản được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới (Quần thể Di tích Cố đô Huế, 1993) và cũng là nơi sở hữu Di sản phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Nhã nhạc cung đình Huế, 2003). Cho đến nay, Thừa Thiên Huế đang là địa phương có số lượng di sản thế giới nhiều nhất Việt Nam.

“Việc UNESCO công nhận “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” là Di sản tư liệu thế giới một lần nữa khẳng định tầm vóc, giá trị lịch sử của Cửu đỉnh trong kho tàng di sản văn hoá của nhân loại đồng thời đem đến cho Thừa Thiên Huế vị thế là địa phương duy nhất mang trong mình 08 di sản được UNESCO công nhận”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.

Khánh thành Điện Thái Hòa và Phục hồi Điện Cần Chánh – Hành trình tái sinh di sản

Cùng ngày, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, điện Thái Hòa là kiến trúc quan trọng bậc nhất của Hoàng thành Huế. Đây là nơi tổ chức lễ đăng quang của 13 vị hoàng đế triều Nguyễn, nơi tổ chức các nghi lễ quan trọng nhất của triều đình.

Điện Thái Hòa mang trong mình hồn cốt của dân tộc. Sau ba năm tu bổ toàn diện, công trình được tái hiện trong diện mạo lộng lẫy nhất, sẵn sàng chào đón du khách từ khắp nơi trên thế giới.

Sau 3 năm tu bổ toàn diện, điện Thái Hòa chính thức hoàn thành và mở cửa phục vụ tham quan, đánh dấu sự hồi sinh của một công trình biểu tượng.
Sau 3 năm tu bổ toàn diện, điện Thái Hòa chính thức hoàn thành và mở cửa phục vụ tham quan, đánh dấu sự hồi sinh của một công trình biểu tượng.

Bị phá hủy trong chiến tranh, Điện Cần Chánh giờ đây sẽ được khôi phục để tiếp tục kể câu chuyện về sự thịnh trị và văn hóa đặc sắc của triều Nguyễn.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, hoàn thành tu bổ di tích điện Thái Hòa đưa vào phục vụ tham quan và Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh là hai công trình quy mô và có vai trò quan trọng bậc nhất trong khu vực Hoàng Thành và Tử Cấm Thành của Đại Nội Huế.

Để tiến hành các thủ tục triển khai Dự án tu bổ, phục hồi điện Thái Hòa và tu bổ, phục hồi điện Cần Chánh, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quá trình nghiên cứu chuẩn bị công phu, bài bản và nhận được sự giúp đỡ hết sức to lớn của các tổ chức quốc tế, của các ban, bộ, ngành Trung ương và các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học trong quá trình thu thập tư liệu, hình ảnh, căn cứ pháp lý để triển khai.

Điều đó đã chứng minh, công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá Huế đã chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Huế từng bước được các cá nhân, tổ chức trong nước và ngoài nước, đặc biệt là UNESCO đánh giá là địa phương đi đầu về bảo tồn, phát huy giá trị di sản, có khả năng xây dựng thành một trung tâm chuẩn mực về chuyển giao công nghệ bảo tồn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Các đại biểu thực hiện nghi thức động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”
Các đại biểu thực hiện nghi thức động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”

Được biết, dự án tu bổ, phục hồi điện Cần Chánh với kinh phí gần 200 tỷ và dự kiến hoàn thành trong 4 năm. Công trình sẽ được tu bổ, phục dựng lại tổng thể kiến trúc nội ngoại thất và cảnh quan của điện Cần Chánh với tính chất tiệm cận với nguyên bản.

“Tỉnh Thừa Thiên Huế cam kết sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Chương trình, kế hoạch hành động của Quốc tế và của Chính phủ Việt Nam về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; với các giải pháp cụ thể, vừa trước mắt, vừa lâu dài để tạo sức sống mới cho di sản; để di sản mãi mãi trường tồn, ngày càng lan tỏa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định.

Nguyễn Nhàn - Văn Nhân
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động