Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển thành đô thị “bản sắc, thông minh, thích ứng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, bền vững”
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 diễn ra vào ngày 06/04 vừa qua. |
Hội nghị Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 nhằm công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cũng như giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế đến với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như tiếp tục đóng góp, đề xuất, kiến nghị, giúp đỡ tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển trong tương lai.
Theo đó, đặt mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương; đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần người dân đạt mức cao.
Đến năm 2050, Thừa Thiên Huế - thành phố trực thuộc trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, xanh, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững; là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước; thành phố Festival, trung tâm văn hóa - du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu của cả nước và châu Á; là điểm đến an toàn, thân thiện, hạnh phúc.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định, hai Quy hoạch được công bố ngày hôm nay có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, tạo hành lang pháp lý trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, toàn diện và bền vững, tạo không gian phát triển mới, khơi thông nguồn lực và khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh khác biệt của tỉnh. Từng bước tháo gỡ những “điểm nghẽn”, giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa, giữa bảo tồn, giữ gìn truyền thống và phát huy các giá trị di sản, giữa phát triển đô thị di sản và phát triển thành phố trực thuộc Trung ương.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu tại Hội nghị. |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được trong thời gian qua.
Đồng thời, đánh giá quy hoạch của Thừa Thiên Huế tóm tắt bằng 13 chữ: “bản sắc, thông minh, thích ứng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, bền vững”. Ngoài ra, yêu cầu tỉnh cần chú trọng, tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh" khi triển khai các quy hoạch; lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Quyết định phê duyệt quy hoạch cho đại diện lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế. |
Thủ tướng nhấn mạnh, cần chú trọng 3 yếu tố quan trọng về tư tưởng chủ đạo trong công tác quy hoạch. Thứ nhất, luôn đặt con người là trung tâm, chủ thể và nguồn lực, động lực; không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần. Thứ hai, xác định nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ doanh nghiệp và nhân dân. Thứ ba, quy hoạch phải phù hợp với xu thế phát triển của các ngành, lĩnh vực, vùng, đất nước, thế giới.
Đồng thời, Thủ tướng chỉ ra 5 nhiệm vụ của công tác quy hoạch cần tập trung thực hiện. Thứ nhất, tìm ra và phát triển tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Thứ 2, phát hiện những mâu thuẫn, tồn tại, hạn chế, thách thức… để đưa ra giải pháp hóa giải, khắc phục. Thứ 3, xây dựng danh mục các dự án, chương trình để thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thứ 4, huy động nguồn lực thực hiện (Nhà nước, xã hội, hợp tác công tư, bên trong, bên ngoài), nguồn lực của tỉnh phải gắn với nguồn lực của vùng, nguồn lực của vùng phải gắn với nguồn lực quốc gia, nguồn lực quốc gia phải gắn với nguồn lực quốc tế. Thứ 5, tổ chức thực hiện khoa học, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng bày tỏ mong muốn và tin tưởng rằng, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ phát triển đúng tầm nhìn, tư duy, sự đổi mới; sớm trở thành thành phố trực thuộc trung ương; trở thành đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; trung tâm kinh tế biển mạnh, trung tâm lớn của cả nước về khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo; đời sống vật chất và tinh thần người dân đạt mức cao; đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội vùng duyên hải Trung Bộ và cả nước.