Công trình bảo vệ môi trường Dự án “Nâng công suất Nhà máy chế biến mủ cao su Xuân Lập”

25/04/2020 13:17 Tác động môi trường
Dự án “Mở rộng, nâng công suất Nhà máy chế biến mủ cao su Xuân Lập từ 18.000 tấn sản phẩm/năm lên 22.000 tấn sản phẩm/năm” do Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Cao su Đồng Nai làm chủ đầu tư có địa chỉ tại Ấp Trung Tâm, xã Xuân Lập, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai đã được cấp Giấy xác nhận hoàn thành Công trình bảo vệ môi trường.
Công trình bảo vệ môi trường dự án DAP số 2
cong trinh bao ve moi truong du an nang cong suat nha may che bien mu cao su xuan lap
Ngành sản xuất, chế biến cao su là sử dụng rất nhiều nước và hóa chất, nên khí thải, nước thải dễ gây ô nhiễm môi trường.

Theo đó, Chủ dự án đã hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:

Công trình thu gom và xử lý nước thải

Về hệ thống thu gom nước thải, thoát nước mưa, Chủ dự án đã xây dựng hệ thống thoát nước mưa có các hố ga để xử lý cơ học nước mưa chảy tràn trước khi xả ra suối Hôn; xây dựng, lắp đặt hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt (nước thải từ nhà ăn, nước thải vệ sinh của cán bộ công nhân viên) từ các bể tự hoại và đấu nối với hệ thống thu gom nước thải sản xuất; xây dựng hệ thống thu gom nước thải sản xuất để dẫn nước thải chung của Dự án và nước thải sau xử lý sơ bộ của Nhà máy chế biến mủ cao su An Lộc về Trạm xử lý nước thải tập trung có công suất 1.800 m3 /ngày.đêm để xử lý; đã xây dựng đường ống để xả nước thải sau xử lý ra suối Hôn và chảy ra sông Buông.

Công trình xử lý nước thải đã được xây lắp, gồm: 05 bể tự hoại để xử lý sơ bộ nước thải sinh hoạt trước khi dẫn về Trạm xử lý nước thải tập trung có công suất 1.800 m3 /ngày.đêm để tiếp tục xử lý; 01 Trạm xử lý nước thải tập trung có công suất 1.800 m3 /ngày.đêm để xử lý nước thải tại Dự án và nước thải sau xử lý sơ bộ của Nhà máy chế biến mủ cao su An Lộc trước khi xả ra suối Hôn.

Quy trình xử lý nước thải như sau:

(1) Nước thải từ sản xuất mủ Latex → Bể gạn mủ (T01-C) → Bể phản ứng 01 (T02) → Bể DAF (T03) → Bể trung hòa (T04) → Bể cân bằng → Bể phân phối (T06).

(2) Nước thải từ sản xuất mủ tạp → Bể gạn mủ (T01-A) → Bể cân bằng 01 (T01- B) → Bể phân phối (T06). Nước thải từ Bể phân phối (T06) → Bể UASB (T07) → Bể thiếu khí PR (T08) → Bể Aerotank + Anoxic bậc 01 (T09/T10) → Bể Aerotank bậc 02 (T11A).

(3). Nước thải sau xử lý sơ bộ của Nhà máy chế biến mủ cao su An Lộc → Bể Aerotank bậc 02 (T11A). Nước thải từ Bể Aerotank bậc 02 (T11A) → Bể Aerotank bậc 02 (T11B) → Bể Anoxic bậc 02 (T12) → Bể Aerotank bậc 03 (T14A) → Bể lắng sinh học (T15) → Cụm bể phản ứng bậc 2 (T16) → Bể lắng hóa lý bậc 2 (T16A) → Cụm bể phản ứng bậc 3 (T17) → Bể lắng hóa lý bậc 3 (T18) → Bể khử trùng (T19) → Xả ra suối Hôn và chảy ra sông Buông/Hồ ứng phó sự cố.

Công nghệ xử lý: Hóa lý kết hợp sinh học.

Chế độ vận hành: Liên tục.

Hóa chất sử dụng: Ca(OH)2, PAC, Polymer (+), Polymer (-), Chlorine, Mật rỉ,…

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đánh giá chất lượng nước thải sau xử lý gồm: QCVN 01-MT:2015/BTNMT, cột A với hệ số Kq = 0,9; Kf = 1,0 và QCVN 40:2011/BTNMT, cột A với hệ số Kq = 0,9; Kf = 1,0.

Chủ dự án cũng đã thực hiện lắp đặt Hệ thống quan trắc tự động, liên tục để kiểm soát chất lượng nước thải sau xử lý trước khi xả ra suối Hôn gồm các thông số: lưu lượng, nhiệt độ, pH, TSS, COD, N-NH4 + , Tổng Nitơ và Tổng Photpho. Đã lắp đặt hệ thống lấy mẫu tự động, camera giám sát và truyền dữ liệu quan trắc tự động, liên tục về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai để kiểm tra, giám sát. Vị trí xả nước thải sau xử lý ra suối Hôn: Theo hệ tọa độ VN2000: X = 1209044 và Y = 436560.

Công trình, thiết bị xử lý bụi, khí thải

Hệ thống đường ống, quạt hút để thu gom mùi hôi phát sinh từ bể gạn mủ, bể trung hòa và bể cân bằng của Trạm xử lý nước thải và dẫn về bồn hấp thụ bằng xút để xử lý trước khi thải ra môi trường.

Quy trình xử lý mùi hôi như sau: Mùi hôi (chủ yếu là khí H2S) → Đường ống, quạt hút → Bồn hấp thụ bằng dung dịch NaOH → Thải ra môi trường.

Chế độ vận hành: Liên tục.

Hóa chất sử dụng: NaOH.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đánh giá chất lượng khí thải sau xử lý là QCVN 19:2009/BTNMT, cột B với hệ số Kp = 1,0 và Kv = 1,0

01 hệ thống xử lý khí thải cho lò sấy mủ tạp (lò sấy có công suất 2,0 tấn hơi/giờ) đốt bằng dầu DO.

Quy trình xử lý khí thải như sau: Khí thải chưa xử lý → Tháp rửa khí ngang → Tháp rửa khí ngược → Tách ẩm → Thải ra môi trường qua 01 ống khói.

Chế độ vận hành: Liên tục.

Hóa chất sử dụng: Ca(OH)2.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đánh giá chất lượng khí thải sau xử lý là QCVN 19:2009/BTNMT, cột B với hệ số Kp = 1,0 và Kv = 1,0. –

01 hệ thống xử lý khí thải cho lò sấy mủ skim (lò sấy có công suất 1,0 tấn hơi/giờ) đốt bằng dầu DO.

Quy trình xử lý khí thải như sau: Khí thải chưa xử lý → Tháp rửa khí ngược → Tách ẩm (lưới inox nhuyễn) → Thải ra môi trường qua 01 ống khói.

Chế độ vận hành: Liên tục.

Hóa chất sử dụng: Ca(OH)2.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đánh giá chất lượng khí thải sau xử lý là QCVN 19:2009/BTNMT, cột B với hệ số Kp = 1,0 và Kv = 1,0.

Công trình, thiết bị lưu giữ chất thải rắn thông thường

Công ty đã bố trí các thùng chứa rác thải sinh hoạt tại khu văn phòng, nhà ăn, các xưởng sản xuất để lưu giữ tạm thời rác thải sinh hoạt trước khi chuyển giao cho đơn vị có chức năng thu gom, xử lý theo quy định; bố trí các thùng chứa chất thải rắn công nghiệp thông thường (giấy, bao bì thải) để lưu giữ tạm thời trước khi chuyển giao định kỳ cho đơn vị khác xử lý; bố trí khu vực lưu giữ bùn thải phát sinh từ Trạm xử lý nước thải tập trung (gần khu vực máy ép bùn) trước khi chuyển giao cho đơn vị khác xử lý.

Công trình, thiết bị lưu giữ chất thải nguy hại

Công ty xây dựng 01 kho lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại phát sinh từ quá trình sản xuất. Kho lưu giữ chất thải nguy hại có mái che, tường bao, sàn bê tông, gờ ngăn, hố thu gom, biển báo, thiết bị lưu chứa riêng biệt đối với từng loại chất thải nguy hại, thiết bị phòng cháy, chữa cháy theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TTBTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại.

Bên cạnh đó, Công ty cũng đã xây dựng các công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường khác như lắp đặt các trang thiết bị để phục vụ công tác phòng cháy và chữa cháy cho Dự án, lập Phương án chữa cháy cho Nhà máy chế biến cao su Xuân Lập; chuyển đổi công năng 01 hồ sinh học thành hồ ứng phó sự cố cho hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hồ ứng phó sự cố được chống thấm bằng vật liệu HDPE, có bố trí đường ống để bơm nước thải đã qua xử lý nhưng không đạt quy chuẩn kỹ thuật về hồ và đường ống để bơm nước thải từ hồ về Bể Aerotank bậc 2 của Trạm xử lý nước thải tập trung để xử lý lại trước khi xả ra suối Hôn,… đảm bảo các loại chất thải phát sinh được xử lý theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Mai Hoa
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động