Gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với bảo vệ môi trường
Kho chứa rác thải nguy hại của Công ty Cổ phần Tập đoàn đóng tàu Đại Dương xã Thụy Hải, huyện Thái Thuỵ (Thái Bình) |
Toàn huyện Thái Thuỵ hiện có hơn 700 doanh nghiệp (DN), HTX đang hoạt động trong các lĩnh vực. Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều doanh nghiệp chú trọng sửa chữa, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng dây chuyền chế biến đảm bảo sản xuất gắn với BVMT, hạn chế phát sinh rác thải, nước thải và khí thải.
Công ty Cổ phần Tập đoàn đóng tàu Đại Dương (Thụy Hải) được thành lập năm 2002. Công ty có năng lực đóng mới, sửa chữa hoán cải tàu biển đến 12.500T; đóng mới, sửa chữa hoán cải tàu sông đến 15.000T. Hiện, Công ty đóng mới 5-10 tàu chở khách du lịch/năm, sửa chữa 30-50 tàu các loại/năm, giải quyết việc làm hơn 200 lao động với mức thu nhập 10-17 triệu đồng/người/tháng. Trong quá trình hoạt động, Công ty đặc biệt chú trọng đến BVMT.
Ông Đỗ Quang Dương, Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn đóng tàu Đại Dương cho biết: Bên cạnh quan tâm xử lý nước thải sinh hoạt, Công ty còn đầu tư máy móc giảm thiểu khí thải, chất thải nguy hại.
Đặc biệt trong phòng ngừa ứng phó, khắc phục sự cố môi trường, Công ty thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở mọi người tuân thủ đầy đủ các nội quy, quy định về an toàn vệ sinh lao động, vệ sinh công nghiệp; phân công người trực 24/24 giờ phòng sự cố chập điện gây hoả hoạn; thực hiện quan trắc môi trường định kỳ để theo dõi, quan sát và quản lý; lập kế hoạch chủ động sẵn sàng ứng phó với sự cố tràn dầu, hoá chất.
Với phương châm “BVMT là tiêu chí hàng đầu để đánh giá giá trị hoạt động của nhà sản xuất”, Công ty xây dựng và áp dụng thành công hệ thống quản lý môi trường ISO 41001:2005, hệ thống quản lý môi trường nhằm chủ động kiểm soát quá trình hoạt động sản xuất của nhà máy, từ chất lượng nguyên vật liệu, thiết bị máy móc đến các vấn đề môi trường.
Qua đó không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng mà còn ổn định sản xuất, giảm chi phí, góp phần nâng cao thu nhập và bảo vệ sức khỏe cho người lao động.
Anh Vũ Đức Tuấn, công nhân bộ phận lắp ráp, Công ty Cổ phần Tập đoàn đóng tàu Đại Dương chia sẻ: Tôi làm việc ở Công ty đã gần 10 năm. Hàng năm tôi được tổ chức khám sức khỏe định kỳ và được trang bị bảo hộ lao động. Công ty luôn bố trí cán bộ thường xuyên kiểm tra, giám sát đôn đốc việc thực hiện chấp hành các nội quy, quy định về an toàn vệ sinh lao động. Những quy định của Công ty về phân loại rác thải nguy hại trong sản xuất như giẻ lau dầu máy, dầu thải, bao bì dính và chứa các thành phần nguy hại…được phân loại, thu gom và xử lý đã hình thành thói quen tốt cho tôi và công nhân khác tại nơi sản xuất. Với mức thu nhập 14-15 triệu đồng/tháng, tôi yên tâm làm việc và gắn bó lâu dài với Công ty.
Công ty Cổ phần Tập đoàn đóng tàu Đại Dương có năng lực đóng mới, sửa chữa hoán cải tàu biển đến 12.500T. |
Cũng như Công ty Cổ phần Tập đoàn đóng tàu Đại Dương, Công ty TNHH Chế biến thủy sản Thụy Hải (An Tân) luôn tích cực đổi mới dây chuyền sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường. Công ty có quy mô sản xuất 15.000 tấn sản phẩm bột cá/năm và hơn 34.000 tấn sản phẩm nước đá/năm. Ngoài việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải, Công ty đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý khí thải.
Ông Nguyễn Bắc Hà, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thủy sản Thụy Hải cho biết, công ty luôn tuân thủ quy định của Luật BVMT và các văn bản liên quan; chấp hành các loại thuế, phí về BVMT. Ngoài ra, DN thường xuyên bảo dưỡng hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất bảo đảm giảm thiểu phát sinh tiếng ồn, độ rung.
Hiện nay, Công ty đã đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung có công suất 350m3/ngày đêm. Trong xử lý khí thải, Công ty đã đầu tư hệ thống xử lý khí thải công nghệ xử lý vi sinh 2 cấp.
Với phương pháp xử lý khí thải nồi hơi đốt trấu, các loại khí độc hại như: Amoniac, Hydro sunfua, Mercaptan…mùi hôi từ sản xuất bột cá được xử lý triệt để; phần tro của trấu hỗ trợ người dân làm phân bón. Bên cạnh đó, Công ty trồng cây xanh trong khuôn viên nhà máy để hạn chế bụi và khí thải khuyếch tán ra môi trường xung quanh.
Có thể nói, tích cực đổi mới dây chuyền sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường, đầu tư hệ thống thu gom và xử lý chất thải, sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường là lộ trình tất yếu của DN hướng đến phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Sáng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết: Qua kiểm tra, các DN đã chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT như hoàn thành các thủ tục hành chính về môi trường; chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại được DN ký hợp đồng với công ty môi trường thu gom, xử lý theo quy định; các DN đã thực hiện báo cáo giám sát, quan trắc môi trường định kỳ, nộp phí nước thải theo quy định.
Thời gian tới, cùng với việc khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN sản xuất, kinh doanh, Phòng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về BVMT bằng các hình thức phong phú; phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm môi trường góp phần nâng cao ý thức BVMT của các DN.
Bên cạnh đó kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân, DN có thành tích, sáng kiến tiêu biểu trong hoạt động BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu. Huyện Thái Thuỵ luôn ưu tiên, khuyến khích DN sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.