Kế toán quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa - lợi thế từ cách mạng công nghiệp 4.0

16/02/2020 20:47 Tăng trưởng xanh
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang ngày càng tác động mạnh mẽ đến kế toán quản trị, đặc biệt là kế toán quản trị trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam. Trước bối cảnh đó, cần có sự điều chỉnh để phù hợp với tốc độ phát triển của khu vực và thế giới. Bài viết trao đổi về kế toán quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng lợi thế từ từ một số công nghệ điển hình của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Kế toán quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa - lợi thế  từ cách mạng công nghiệp 4.0
Ảnh minh họa

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang ngày càng lớn mạnh và chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Theo số liệu do Tổng Cục Thống kê công bố từ kết quả chính thức Tổng điều tra kinh tế năm 2017, giai đoạn 2012- 2017, số lượng DNNVV tăng nhanh nhất, chiếm 98,1%, trong khi đó, doanh nghiệp lớn chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn với 1,9%. Tuy nhiên, DNNVV đang phải đối mặt với một số thách thức từ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0). Theo kết quả khảo sát 2.000 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội DNNVV Hà Nội cho thấy, có đến 79% doanh nghiệp cho biết chưa chuẩn bị cho cuộc CMCN 4.0; 55% doanh nghiệp hiện mới đang bắt đầu tìm hiểu nghiên cứu; 19% doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch và chỉ có 12% doanh nghiệp đang triển khai các biện pháp ứng phó. Vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh của các DNNVV, đòi hỏi phải đổi mới trong quản lý, trong phương thức sản xuất kinh doanh, trong tái cơ cấu doanh nghiệp.

Kế toán quản trị (KTQT) trở thành một bộ phận quan trọng trong hệ thống cung cấp thông tin phục vụ cho việc quản lý và điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng. Quá trình hình thành và phát triển của KTQT ở các nước đều gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của nền kinh tế thị trường, đều đặt trọng tâm vào giải quyết các vấn đề quản trị doanh nghiệp, là một trong những nguồn thông tin quan trọng cung cấp thông tin cho nhà quản trị doanh nghiệp điều hành, hoạch định và ra các quyết định kinh doanh.

Tại nhiều nước trên thế giới, KTQT trong doanh nghiệp không mới, nhưng tại Việt Nam, vấn đề này mới được nghiên cứu có hệ thống từ năm 1999, gần đây được rất nhiều doanh nghiệp và các nhà khoa học quan tâm. Việc ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0 vào lĩnh vực kế toán quản trị đã và đang trở thành xu hướng tất yếu. Trước bối cảnh đó, việc đánh giá những lợi ích của của CMCN 4.0 đối với kế toán quản trị trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa là vấn đề cần quan tâm.

1. Tầm quan trọng của kế toán quản trị trong DNNVV

Theo Luật Kế toán Việt Nam sửa đổi năm 2015, KTQT được định nghĩa là “việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính theo yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính trong nội bộ đơn vị kế toán”, định nghĩa này khác với các thông tin của kế toán tài chính chủ yếu phục vụ cho các đối tượng bên ngoài doanh nghiệp, thì KTQT cung cấp thông tin thỏa mãn nhu cầu của các nhà quản trị, là những người mà các quyết định và hành động của họ ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành bại của doanh nghiệp.

KTQT là một khoa học thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách cụ thể, phục vụ cho các nhà quản lý trong việc lập kế hoạch, điều hành, tổ chức thực hiện kế hoạch và quản lý hoạt động kinh tế, tài chính trong nội bộ doanh nghiệp. KTQT không những cung cấp thông tin cho các nhà quản trị cấp cao để ra quyết định kinh doanh, quyết định đầu tư và sử dụng các nguồn lực mà còn cung cấp cả các thông tin về các mặt kỹ thuật để các nhà quản lý thừa hành sử dụng thực thi trách nhiệm của mình.

KTQT được coi là một trong những công cụ quản lý hữu hiệu trong nền kinh tế thị trường, bởi tính linh hoạt và kịp thời của thông tin kế toán phục vụ yêu cầu quản trị nội bộ doanh nghiệp. Hiện nay, KTQT trong các DNNVV chưa được quan tâm thực sự và còn có nhiều bất cập và vướng mắc khi triển khai và vận dụng. Trên thực tế tỷ lệ vận dụng KTQT trong các doanh nghiệp này còn rất thấp, các công cụ kỹ thuật KTQT được vận dụng hầu hết là công cụ kỹ thuật truyền thống và hiệu quả đóng góp cho công tác quản trị chưa cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh bùng nổ của cuộc CMCN 4.0, KTQT có vai trò rất quan trọng trong các DNNVV, điều này hoàn toàn trái ngược với quan điểm truyền thống cho rằng chỉ những doanh nghiệp quy mô lớn mới cần áp dụng KTQT. Với các DNNVV hoạt động thường không quá phức tạp và không có nhiều khả năng ảnh hưởng đến xu hướng thị trường cũng như các đối thủ cạnh tranh khác .

Trong nghiên cứu của Ederer 2005 (130 -131) chỉ ra vấn đề thất bại chính mà các DNNVV gặp phải là việc thiếu vắng kế toán quản trị trong thực tiễn. Các nghiên cứu cho thấy kế toán quản trị không tồn tại là nguyên nhân của sự đổ vỡ của một số doanh nghiệp. ( Ulrich 2011 trang 53-54, Lospez&Hiebl 2014 trang 27 ) giải thích lý do tại sao các DNNVV có xu hướng vỡ nợ cao. Thông thường, là do sai lầm của nhà quản trị. Những lý do khác là thiếu năng lực cạnh tranh, nhà đầu tư tính toán sai trong kế hoạch đặt hàng. Tuy nhiên, phần lớn các lý do về thanh toán đều thể tránh được nếu thực hiện chuyên nghiệp kế toán quản trị ( Keuper 2009 trang 59 – 61). Đây cũng là lý do khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên sử dụng kế toán quản trị tránh rủi ro mất khả năng thanh toán.

Có ba vấn đề trong quá trình ra quyết định của các DNNVV: Trước hết, dữ liệu hiện có đã lỗi thời; Thứ hai, là dữ liệu hiện tại không được chuẩn hóa không cho phép phân tích so sánh; Thứ ba, là dữ liệu hiện tại không chứa bất kỳ thông tin tài chính liên quan đến yếu tố thành công như khách hàng, nhân viên, sản phẩm. Vì thế nên khuyến khích các DNNVV vận dụng kế toán quản trị để tránh những vấn đề này trong kinh doanh (Eddere 2005 trang 139).

KTQT trong các DNNVV khác với KTQT trong các doanh nghiệp quy mô lớn. Để quản lý kế toán viên, các DNNVV phải là những người hiểu biết họ đang làm gì trong khía cạnh quản trị kinh doanh. Điều này có nghĩa là họ phải biết tất cả mọi thứ từ kế hoạch kinh doanh đến chiến lược tài chính hàng tháng hàng năm. Thường chỉ có một người thực hiện KTQT trong các công ty này và thường phải là chủ sở hữu doanh nghiệp. Vì mục đích đó, bí quyết quản lý và kiến thức sâu rộng về kế toán là cần thiết (Eddere 2005 trang 139).

Ngoài ra, KTQT rất quen thuộc với các quy trình nội bộ. Do đó, họ không bị hạn chế đối với bất kỳ chức năng phân tích nhưng họ trở thành người truyền thông và hỗ trợ trong việc thực hiện biện pháp. Ngược lại, ở các công ty lớn thường không dễ thay đổi một và để có được một bức tranh rõ ràng về các quy trình nội bộ. (Hegglin & Kaufmann 2003, tr. 359.) Để cạnh tranh với các công ty quy mô lớn, đó là cần thiết cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để quản lý các nguồn lực hạn chế của họ bằng cách sử dụng phù hợp hệ thống thông tin và kiểm soát (Mitchell & Reid 2000, trang 386).

Một số DNNVV sử dụng KTQT chủ yếu cho mục đích thông tin bên ngoài. Điều này có nghĩa là họ không sử dụng KTQT để ra quyết định mà chỉ để cung cấp thông tin cho các tổ chức bên ngoài như ngân hàng. Những phát hiện này cho thấy rằng doanh nghiệp nhỏ sử dụng hệ thống kế toán quản trị cho các mục đích khác nhau hơn các doanh nghiệp lớn. (Marriott & Marriott 2000, tr. 475-492.) Tuy nhiên, điều này chỉ áp dụng cho thiểu số các DNNVV, vì hầu hết các doanh nghiệp nhỏ sử dụng nó như là nội bộ cung cấp thông tin cho ban quản lý và các quyết định hợp lý (Keuper et al. 2009, trang 59-61, Leitner 2012, tr. 1, Schmid-Gundram 2014, trang 5-6). Sử dụng KTQT để có thể cung cấp thông tin cho các bên liên quan bên ngoài như ngân hàng hoặc các nhà cung cấp đã trở nên phù hợp với các ĐNNVV trong vòng 10 đến 20 năm qua.

2. Kế toán quản trị DNNVV tận dụng lợi thế từ CMCN 4.0

Các DNNVV sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ ​​nền kinh tế kỹ thuật số và công nghệ 4.0. Tuy nhiên, khi mọi người nghĩ về các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ Blockchain …, họ thường nghĩ về các tập đoàn lớn, toàn cầu như Facebook và Google. Mặc dù các công ty này đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ mới và đang dẫn đầu sự thay đổi đối với các hệ sinh thái tích hợp và kỹ thuật số, nhưng các DNNVV dường như đã tận dụng được những lợi thế khi sử dụng các kỹ thuật số thời kỳ 4.0. Làn sóng công nghiệp 4.0 tạo ra một bước đột phá trong quá trình thực hiện kế toán quản trị trong các doanh nghiệp nói chung và đặc biệt là DNNVV. Bởi những lợi ích thực tế từ một số công nghệ điển hình của CMCN 4.0 khiến cho hoạt động KTQT tại các doanh nghiệp này trở nên hiệu quả hơn, minh bạch hơn và chuyên nghiệp hơn. Có thể nhìn nhận những tác động tích cực của CMCN 4.0 đối với KTQT DNNVV trên các phương diện sau:

- Tác động đến thông tin KTQT: Thông tin kế toán quản trị có vai trò quan trọng trong quản lý và điều hành doanh nghiệp, được coi là một công cụ hữu hiệu của quản trị doanh nghiệp trong thực hiện các mục tiêu quản lý. Các thông tin được xây dựng và thiết kế thành một hệ thống, bao gồm có các nhân tố như phần cứng, phần mềm, con người, truyền thông và hệ thống mạng, dữ liệu. Tất cả những yếu tố này ngoại trừ con người đều liên quan đến công nghệ. Với khối lượng thông tin lớn, những đòi hỏi ngày một cao của nhà quản trị, cùng với đó là tính bảo mật và sai sót thông tin đang trở nên phổ biến hơn thì những sản phẩm công nghệ ra đời là điều cần thiết.

CMCN 4.0 đã tạo ra những sản phẩm tuyệt vời như trí tuệ nhân tạo, hiệu ứng đám mây, ứng dụng của blockchain. Điều này có tác động rất lớn đến thông tin KTQT trong bộ máy hoạt động của các DNNVV. Thực tế, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào công tác kế toán quản trị đang trở nên ngày càng phổ biến giúp cho việc thu thập dữ liệu đầu vào được tự động hóa và dữ liệu được thu thập đa dạng hơn không chỉ là những dữ liệu tài chính mà còn cả phi tài chính như văn bản, ngữ cảnh, biểu tượng. Điều này giúp tăng tính chính xác của thông tin và tạo điều kiện cho việc phân tích thông tin kế toán theo sự kiện và hoàn cảnh cụ thể cũng như hỗ trợ ra quyết định cho nhà quản lý.

Những sản phẩm ra đời từ blockchain hay trí tuệ nhân tạo (AI) đang gây dược sự chú ý đối với các doanh nghiệp trong nước. Thông tin và quy trình thực hiện được thiết kế và thu thập 1 cách khoa học, rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả làm việc. Thông tin và quy trình thực hiện được thiết kế và thu thập 1 cách khoa học, rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả làm việc.

Trong các DNNVV, đối tượng sử dụng thông tin KTQT thường là giám đốc (hay tổng giám đốc), phó giám đốc phụ trách sản xuất, kinh doanh, cửa hàng trưởng… Khi lựa chọn thông tin trên các báo cáo, các nhà quản trị thường hướng sự chú ý đầu tiên vào việc nhận diện các yếu tố thành công chủ yếu của DN, kế đến là phản ảnh tình hình thực hiện kế hoạch và kiểm tra các kết quả cuối kỳ về tình hình hoạt động và quản lý DN. Hiện nay, một số doanh nghiệp nhỏ và vừa đang sử dụng các phần mềm hỗ trợ cho việc thu thập thông tin phục vụ công tác kế toán quản trị trong doanh nghiệp như SAP, ERP… hay một số sản phẩm tích hợp được sản xuất từ các tập đoàn công nghệ lớn trong nước như FPT, CIC,…Là một nước có nền kinh tế đang phát triển, ứng dụng công nghệ chưa được sử dụng rộng rãi thì cách mạng 4.0 là chìa khóa tạo nên thành công cho các doanh nghiệp này. Những thông tin kế toán giờ đây không còn phải mất quả nhiều thời gian để tổng hợp, phân loại và phân tích như trước.

Trên thực tế, nhiều DNNVV đã tham gia vào các CMCN 4.0. Ví dụ, phần lớn các cơ sở sản xuất và trang trại sử dụng một số hình thức tự động hóa cho các nhiệm vụ lặp đi lặp lại và tưới tiêu tương ứng, trong khi các cơ sở chăm sóc người già đang sử dụng điện toán đám mây để truy cập phần mềm nhân sự, kế toán và chuyên dụng. Theo Deloitte Access econom, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có mức độ tham gia kỹ thuật số tiên tiến kiếm được 60% doanh thu trên mỗi nhân viên và có khả năng tăng doanh thu 50% so với các DNNVV có mức độ tham gia kỹ thuật số cơ bản. Tới đây, khi sự kế thừa và hội tụ của mạng máy tính, công nghệ số trong CMCN 4.0 có những bước tiến xa hơn như Internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, công nghệ đám mây… thì công tác KTQT sẽ có thêm những bước tiến mới nhằm giúp giải quyết vấn đề hay ra quyết định của nhà quản trị DN sẽ hiệu quả hơn.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hiện đại, ứng dụng kỹ thuật số, các sản phẩm, các kết quả xử lý thông tin kế toán, kiểm toán có thể tích hợp được với nhiều sản phẩm dịch vụ thông tin phục vụ các nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư, nhà quản lý và nhu cầu của xã hội. Quá trình này thậm chí còn được tự động hóa và triển khai một cách khoa học, hầu như không bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài, từ đó có thể cung cấp các thông tin một cách nhanh nhất cho nhà quản trị để đưa ra quyết định điều hành nhanh nhất, tối ưu nhất. Từ đó, cách thức cung cấp thông tin kế toán quản trị sẽ có những thay đổi, đặc biệt là những thông tin mà hiện nay thường bị các nhà quản lý coi là quá khô cứng, khó hình dung và khó hiểu, nên thường khiến các nhà quản trị bỏ qua. Hơn nữa, với hệ thống Internet kết nối vạn vật, đã mang lại cho người làm KTQT những lợi ích đáng kể như: có khả năng thu thập thông tin kế toán mà không bị giới hạn bởi các khoảng cách địa lý.

- Tác động đến tổ chức KTQT DNNNVV:

Phần lớn các DNNVV áp dụng mô hình kế toán quản trị kết hợp. Do tiết kiệm chi phí và hạn chế về nguồn nhân lực nên kế toán tài chính kiêm nhiệm luôn vị trí của một kế toán quản trị. Vì vậy hoạt động quản trị trong các danh nghiệp này thường không hiệu quả. Với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ số, công việc kế toán được xử lý nhanh và chính xác hơn do đó người lao động có khả năng thực hiện công tác quản trị được tốt. Các mẫu báo cáo quản trị được thiết kế sẵn bên cạnh các phần mềm kế toán quen thuộc như Misa, do đó doanh nghiệp đảm bảo được chất lượng của các báo cáo quản trị. Với những doanh nghiệp nhỏ, hiện nay một kế toán có thể thực hiện được công tác quản trị một cách thành thạo và hiệu quả. Để thực hiện tốt tổ chức kế toán quản trị trong doanh nghiệp, việc tìm ra các yếu tố ảnh hưởng là điều vô cùng quan trọng đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo Ahmad (2012) nghiên cứu về tổ chức KTQT trong các DN nhỏ và vừa ở Malaysia: các yếu tố về công nghệ và kĩ thuật có ảnh hưởng rất lớn đến tổ chức KTQT trong quá trình vận hành của doanh nghiệp. Vậy với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, tổ chức kế toán quản trị trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ thay đổi như thế nào?

Các kết quả nghiên cứu từ các tác giả cho thấy, sự tác động tích cực khi ứng dụng điện toán đám mây vào công tác KTQT tại các DNNVV, sẽ giúp tổ chức công tác kế toán hiệu quả hơn, dữ liệu kế toán được xử lý tự động và có thể chia sẻ trực tiếp đối các đối tượng liên quan theo thời gian thực, giúp tăng tính kịp thời, chính xác và tính minh bạch, dữ liệu được bảo vệ bởi những công ty công nghệ cao và khả năng khôi phục dữ liệu cũng tốt hơn.

Thứ nhất, quy trình tự động và trí thông minh nhân tạo được tạo ra từ CMCN 4.0 cho phép người làm KTQT được đơn giản hóa quy trình tính toán. Người làm kế toán KTQT chỉ cần tiến hành “nhập liệu”, quy trình tự động sẽ “xử lý, chế biến” dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo để cho các thông tin đầu ra dưới dạng các báo cáo có thể so sánh được. Việc đưa trí thông minh nhân tạo vào hỗ trợ công việc của con người đã không còn là điều quá mới mẻ hiện nay. Theo Frey và Osborne (2015), có tới 47% số lượng việc làm tại Mỹ trong năm 2010 có khả năng bị thay thế bởi máy tính trong vòng 10 – 20 năm tiếp theo, trong đó có công việc văn phòng bao gồm kế toán. Đặc biệt, xu hướng máy tính hóa này được chia thành hai đợt, phân cách bởi “đoạn bình ổn về công nghệ” và nghề nghiệp văn phòng cũng như ngành kế toán – kiểm toán nằm trong đợt sóng đầu tiên bị thay thế bởi máy tính và trí tuệ nhân tạo (AI). Theo số liệu về các ngành nghề có khả năng bị máy tính hóa từ nghiên cứu này, xếp theo thứ tự tăng dần xác suất từ “0” (không bị máy tính hóa) đến “1” (bị máy tính hóa), ngành kế toán - kiểm toán có xác suất 0.94, có khả năng rất cao bị máy tính hóa trong tương lai. Lý do là các thuật toán trong Big Data đang xâm nhập nhanh chóng vào các miền lưu trữ và truy cập thông tin, dẫn tới viễn cảnh rõ ràng về các công việc kế toán nói chung và KTQT nói riêng sẽ được tin học hóa..

Thứ hai, hỗ trợ hiệu quả cho công việc của người làm công tác KTQT. Những thành tựu của CMCN 4.0 sẽ giúp cho công việc KTQT trở nên dễ dàng, nhanh chóng, kịp thời và giúp KTQT trở thành công cụ không thể thiếu trong quản lý và điều hành của DNNVV. Một khảo sát mới đây cho thấy, sự đột phá kỹ thuật số trong kế toán sẽ tạo ra những xu hướng mới. Khoảng 66% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) sẽ thay thế những dịch vụ mà kế toán viên hiện đang thực hiện bằng các dịch vụ đám mây, 50% DNNVV sẽ thay nhân viên kế toán nếu họ không thích ứng với công nghệ đám mây. Những công việc dễ được tự động hóa và thay thế bằng phần mềm như: Nhập bút toán bằng tay, ghi sổ kế toán, lập báo cáo tài chính cuối năm, lập báo cáo hoạt động kinh doanh, tiền lương, phân tích tài chính…

Xu hướng kết hợp công nghệ cảm biến mới, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây và kết nối Internet vạn vật tạo điều kiện thúc đẩy phát triển vượt bậc của máy móc tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và điều khiển học đã tác động lớn đến cầu lao động và phương thức tổ chức lao động kế toán. Đa phần công việc của kế toán là những ghi chép đã chuẩn hóa, do vậy trong tương lai không xa, công nghệ tự động hóa hoàn toàn có thể thay thế nhân viên kế toán xử lý công việc. Theo thống kê, hiện nay có khoảng 66% thời gian của bộ phận kế toán dành cho việc xử lý chứng từ, trong khi đó theo một số nhà nghiên cứu (Deloitte, 2015) nếu ứng dụng quy trình tự động hóa trong kế toán thì mô hình lý tưởng cho phép tỷ lệ này chỉ còn khoảng 11%. CMCN 4.0 sẽ hỗ trợ rất nhiều con người hướng đến mô hình lý tưởng.

Thứ ba, hỗ trợ cho công tác lập báo cáo KTQT: Lập báo cáo KTQT phục vụ cho công tác điều hành của nhà quản trị là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của người làm KTQT. Những thành tựu của CMCN 4.0 như Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn... cho phép bộ phận kế toán xử lý nhanh và đơn giản các nghiệp vụ thuộc các phần hành kế toán cũng như cho phép truy cập nhanh vào các dữ liệu trong một thời gian ngắn với tính bảo mật cao nhất. Nhà nghiên cứu Adam Courtenay công bố trên Tạp chí Intheblack của CPA Australia với tựa đề “Kế toán và những rào cản từ công nghệ blockchain” cho rằng, blockchain và kế toán có thể là “những người bạn thân thiết”, "kề vai sát cánh", tạo nên hệ thống ghi chép, lưu trữ và quản trị tài sản hoàn hảo.

Thứ tư, tác động đến công tác lưu trữ kế toán: Với việc ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, các thông tin dữ liệu của nhiều công ty sẽ không lưu trong các máy chủ cồng kềnh mà chuyển sang lưu trong các máy chủ ảo khổng lồ trên mạng Internet (Klaus Schwab, 2016). Điều này cho phép KTQT có thể lưu trữ khối lượng lớn thông tin một cách hệ thống và khoa học. Công nghệ này có khả năng xử lý số lượng lớn dữ liệu (Big Data) và cũng để thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ để đạt được kết quả mong muốn.

Ngoài ra, công nghệ điện toán đám mây còn có thể tích hợp những ứng dụng dựa trên trí tuệ nhân tạo, Blockchain nhằm đáp ứng được các yêu cầu về phân tích dữ liệu, bảo mật và kiểm soát rủi ro trong kế toán.

Tuy nhiên, mặc dù ứng dụng kế toán quản trị trong môi trường điện toán đám mây đang được các công ty phần mềm kế toán triển khai và giới thiệu rộng rãi nhưng các DN vẫn chưa thực sự quan tâm đến công nghệ này vì một số khó khăn như: Phụ thuộc băng thông đường truyền internet, sợ tính bảo mật thông tin của DN bị tiết lộ và lo ngại của DN khi thay đổi sang một nền tảng mới sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.

3. Kết luận

Tóm lại, kế toán quản trị DNNVV là một trong những nội dung quan trọng trong kế toán quản trị doanh nghiệp. Thành công của DN nhỏ và vừa không thể thiếu vai trò của kế toán quản trị, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Việc tận dụng lợi thế của các công nghệ điển hình của CMCN 4.0 trong kế toán quản trị doanh nghiệp này là vấn đề quan trọng, giúp DN có thể mở rộng quy mô và đóng góp đáng kể vào việc tăng hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội, Luật kế toán số 03/2003/QH11 ngày 17 tháng 06 năm 2003 được tra cứu vào ngày 09 tháng 11 năm 2014 tại http://www.moj.gov.vn/vbpq/Lists/
  2. Bộ Tài chính, Thông tư số 53/2006/TT-BTC ngày 12 tháng 06 năm 2006 về việc Hướng dẫn áp dụng kế toán quản trị trong doanh nghiệp.
  3. Phạm Ngọc Toàn, 2010. Xây dựng nội dung và tổ chức kế toán quản trị cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam. Luận án tiến sĩ. Đại học Kinh Tế TP.HCM.
  4. Nguyễn Thị Việt Nga (2018), Giải pháp phát triển công nghệ blockchain trong lĩnh vực tài chính tại Việt Nam, Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2018;
  5. Đặng Văn Thanh (2018), Đổi mới quy trình kế toán trong thời đại công nghệ số, Đầu tư Chứng khoán.
  6. Đánh giá mức độ sẵn sàng tiếp cận CMCN 4.0 của các doanh nghiệp – Bộ Công thương 2/2019
  1. http://tapchitaichinh.vn/ke-toan-kiem-toan/doi-moi-quy-trinh-ke-toan-trong-boi-canh-kinh-te-so-317924.html
  2. http://www.hoiketoanhcm.org.vn/vn/trao-doi/anh-huong-tu-cach-mang-cong-nghiep-40-den-thong-tin-ke-toan-trong-doanh-nghiep/
  3. http://hrchannels.com/uptalent/6-tuyet-chieu-de-smes-thoat-khoi-khung-hoang-thoi-ky-4-0.html
  4. https://baodauthau.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-nho-doi-moi-cong-nghe-kho-du-duong-85758.html
  5. http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/nang-luc-canh-tranh-cua-doanh-nghiep-nho-va-vua-voi-cach-mang-cong-nghiep-40-300415.html
  6. http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/cac-nhan-to-anh-huong-den-to-chuc-cong-tac-ke-toan-trong-cac-doanh-nghiep-nho-va-vua-68018.htm
  7. https://www.ketoan.vn/1912/thach-thuc-cong-nghe-voi-ke-toan-thoi-4-0/
  1. Ahmad K., 2012. The use of management accounting practices in Malaysia SMEs. PhD thesis. University of Exeter.
  2. HOWARD M. ARMITAGE & ALAN WEBB (2013), The use of management accounting techniques by Canadian Small and Medium Sized Enterprises: A Field Study. University of Waterloo
  3. 3. MICHAEL LUCAS, MALCOLM PROWLE & GLYNN LOWTH (2013), Management Accounting Practices of UK Small- Medium- Sized Enterprises. ISSN 1744-7038, CIMA
  4. Abdel-Kader M. and Luther. R, 2006. Management accounting practices in the British food and drinks industry. British Food Journal, 108: 336-357.
  5. Deloitte(2015),Industry4.0-OnlyOne-TenthofGermanysHigh-TechStrategy Frey, C. B. and M.A. Osborne (2015), Technology at Work: The Future of Innovation and Employment, Citi GPS: Global Perspectives & Solutions, February 2015
  6. Understanding the Changing Role of the Management Accountant in the Age of Industry 4.0 in Germany Frank Teuteberg s|(2019)
  7. ICAEWs IT Faculty, 2017. Blockchain and the future of accountance
  8. Shen Yin, Okyay Kaynak (2015), Big data for modern industry: Challenges and Trends, Proceedings of The IEEE, Vol. 103, No. 2, p. 143-146.
ThS. Hoàng Thị Tâm - Trường Đại học Thương Mại
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động