Ninh Bình: Chuyển đổi số nhằm bắt kịp xu thế và hướng tới phát triển bền vững

07/08/2023 08:12 Tăng trưởng xanh
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa không chỉ làm gia tăng giá trị hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mà còn tạo cơ hội bình đẳng theo phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau" trong tiến trình chuyển đổi số.

Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện có trên 6.200 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, với trên 170 nghìn lao động, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 90%. Trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, Ninh Bình luôn duy trì tốc độ tăng trưởng nằm trong top cao của cả nước và khu vực Đồng bằng sông Hồng, đồng thời có thể tự cân đối được ngân sách, có điều tiết ngân sách về Trung ương. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thời gian qua, việc đẩy mạnh chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chỉ số PCI luôn được tỉnh Ninh Bình xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục; là giải pháp quan trọng để xây dựng, củng cố lòng tin của doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, thu hút nguồn lực phát triển địa phương.

Việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có sự phát triển bứt phá, nhất là với các đơn vị mạnh dạn thực hiện đổi mới sáng tạo, tăng cường sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc áp dụng nền tảng, công nghệ số tại các doanh nghiệp vẫn còn rời rạc do thiếu các giải pháp thiết thực, chưa có chiến lược thực hiện chuyển đổi số rõ ràng ngay từ đầu. Điều đó khiến chuyển đổi số doanh nghiệp chưa mang lại thành công như mong đợi.

Ninh Bình: Chuyển đổi số nhằm bắt kịp xu thế và hướng tới phát triển bền vững
Thời gian qua, việc đẩy mạnh chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chỉ số PCI luôn được tỉnh Ninh Bình xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục.

Cùng với các chính sách của tỉnh Ninh Bình dành cho doanh nghiệp, vào cuối tháng 7/2023, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ và Sở Thông tin & Truyền thông Ninh Bình tổ chức chương trình "Chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư".

Mục tiêu của chương trình nhằm nâng cao năng lực chuyển đổi số của doanh nghiệp thông qua việc tư vấn đưa ra các chỉ dẫn tham khảo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như tập huấn nâng cao nhận thức, phổ cập các kỹ năng số để áp dụng các giải pháp công nghệ hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp, từ đó khuyến nghị lộ trình phù hợp với mục tiêu sản xuất, kinh doanh và tối ưu các nguồn lực hiện có.

Là 1 trong số những đại diện của doanh nghiệp được dự chương trình "Chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư", ông Nguyễn Văn Toàn, nhân viên IT, Công ty cổ phần du lịch Tân Phú, xã Gia Vân (huyện Gia Viễn) cho biết: Chuyển đổi số đã thúc đẩy rõ rệt kết quả kinh doanh của công ty chúng tôi. Từ khi áp dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trên các nền tảng marketing quảng bá hình ảnh, sản phẩm của doanh nghiệp thông qua trang thông tin của công ty, trên mạng xã hội đã giúp gắn kết doanh nghiệp với người dân.

Công suất phòng nghỉ dưỡng, ăn ở và lữ hành tại doanh nghiệp đạt trên 80%, đồng thời giảm nhân lực và tăng doanh số cho Công ty. Với mong muốn chuyển đổi số toàn diện, thông qua chương trình tập huấn, qua phần đào tạo của chuyên gia với những thông tin mới, quan trọng khi sử dụng các công cụ, các bước của phần mềm làm tối ưu hóa các bước quản trị trong doanh nghiệp sẽ giúp Công ty xác định lộ trình phát triển bền vững trong thời đại 4.0.

Theo đồng chí Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, đầu năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Quyết định số 12/QĐ-BKHĐT để triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2012-2025 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi về nhận thức, tầm nhìn và chiến lược; hỗ trợ số hóa các hoạt động kinh doanh; hỗ trợ số hóa các quy trình quản trị; hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện để tạo ra sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới cho doanh nghiệp.

Trong giai đoạn đầu, Chương trình tập trung nâng cao nhận thức và đào tạo các kiến thức, kỹ năng nền tảng về chuyển đổi số nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi nhận thức, chuẩn hóa quy trình, chuẩn bị cho việc triển khai chuyển đổi số hiệu quả, đúng hướng, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh và mở rộng thị trường cho doanh nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các chuyên gia, các tổ chức quốc tế xây dựng các ấn phẩm như báo cáo thường niên về chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam, các cẩm nang chuyển đổi số trong nông nghiệp, công nghiệp, lĩnh vực chế biến, ăn uống, logistics, đưa ra các bộ công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng đối với chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam. Từ đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đưa ra các giải pháp phù hợp và nhận sự tư vấn của các chuyên gia để đưa ra lộ trình chuyển đổi số một cách hiệu quả nhất, nhanh nhất và tiết kiệm nhất.

Đồng chí Tạ Quang Phương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình cho biết: Chuyển đổi số là nội dung mới và khó, đặc biệt là vấn đề chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Chương trình "Chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư" được tổ chức tại Ninh Bình là rất cần thiết và có ý nghĩa để tỉnh có thêm tham vấn của các chuyên gia, các diễn giả trong quá trình cụ thể hóa các chủ trương, chính sách lớn của tỉnh về phát triển kinh tế số, thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh…

Trong thời gian tới, theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bên liên quan, các doanh nghiệp tiến hành các hoạt động, các nội dung, nội hàm sâu hơn, hướng tới thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa không chỉ làm gia tăng giá trị hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mà còn tạo cơ hội bình đẳng theo phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau" trong tiến trình chuyển đổi số.

Hồng Vân – Đông Hải
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động