Nga Sơn (Thanh Hóa)

Mô hình nông nghiệp sản xuất trong nhà kính, nhà lưới góp phần phát triển kinh tế địa phương

11/03/2024 13:20 Kinh tế, xã hội
Sau hơn 6 năm thực hiện trồng dưa vân lưới, dưa vàng, dưa baby và các loại hoa cúc, cát tường, hoa ly trong nhà kính, nhà lưới một số hộ dân trên địa bàn huyện Nga Sơn đã có nguồn thu nhập ổn định, đời sống được nâng cao.
Mô hình nông nghiệp sản xuất trong nhà kính, nhà lưới góp phần phát triển kinh tế địa phương
Trồng rau, dưa trong nhà màng, nhà kính được người dân xã Nga Yên, huyện Nga Sơn áp dụng từ năm 2017

Nhà nước hỗ trợ “kích cầu” người dân

Thực hiện chính sách khuyến khích tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020. Ngày 05/12/2016 UBND huyện Nga Sơn đã ban hành Quyết định số 2149/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn huyện Nga Sơn giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến 2030. Huyện Nga Sơn đã tổ chức hội nghị tuyên truyền chủ trương, cơ chế chính sách của tỉnh đến các xã và nhân dân trên địa bàn.

Với sự hỗ trợ của tỉnh Thanh Hóa và huyện Nga Sơn về nguồn vốn năm 2017 một số hộ dân trên địa bàn xã Nga Thành, Nga Yên, Nga Hải, Nga Phượng, Nga Giáp, Nga Thắng đã thực hiện xây dựng thành công được 28,7ha nhà kính nhà lưới để sản xuất rau củ quả an toàn. Từ năm 2016-2021, vốn hỗ trợ của tỉnh theo kế hoạch triển khai dự án rau an toàn là 50 triệu đồng/mô hình có quy mô từ 1.000m2 trở lên. Tổng số tiền hỗ trợ của tỉnh Thanh Hóa là: 4.250 triệu đồng. Hội đồng nhân dân huyện Nga Sơn đã ban hành cơ chế hỗ trợ đối với mô hình đã đựơc hưởng cơ chế của tỉnh, hỗ trợ thêm 20 triệu đồng/mô hình. Những mô hình không được hưởng cơ chế hỗ trợ của tỉnh huyện hỗ trợ 70 triệu đồng/mô hình. Ngoài ra hỗ trợ VieetGap, tem nhãn 23 triệu đồng/1000m2. Tổng số tiền hỗ trợ của huyện đến nay là: 9.354 tỷ đồng.

Mô hình nông nghiệp sản xuất trong nhà kính, nhà lưới góp phần phát triển kinh tế địa phương
Dưa vàng được trồng trong nhà kính giúp tăng năng suất cây trồng

Mô hình giúp nâng cao thu nhập cho người dân

Mô hình trồng rau an toàn trong nhà kính, nhà lưới áp dụng theo tiêu chuẩn VietGap đảm bảo 4 tiêu chí: về kỹ thuật sản xuất: quy định cụ thể về kỹ thuật sản xuất từ khâu chọn đất, giống, phân bón cho đến thu hoạch theo đúng quy định cụ thể cho từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; về an toàn thực phẩm: gồm các biện pháp đảm bảo không có hóa chất nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch; về môi trường làm việc: mục đích nhằm ngăn chặn việc lạm dụng sức lao động của nông dân; về truy tìm nguồn gốc sản phẩm: tiêu chuẩn này cho phép xác định được những vấn đề từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Mô hình này hệ thống lưới bao quanh nên đã hạn chế được sâu bệnh ro do thời tiết gây và cản trở được sự xâm nhập của động vật giúp giảm tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Với hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới tự động giúp tiết kiệm được công lao động; tiết kiệm phân bón. Từ đó giảm chi phí lao động và tăng năng suất cây trồng.

Sau khi xây dựng mô hình các hộ dân đã trồng dưa vân lưới, dưa vàng, dưa baby và một số hộ trồng hoa cúc, hoa cát tường, hoa ly phục vào dịp tết Nguyên đán. Dưa vàng (dưa Kim Hoàng Hâu, Kim Hồng Ngọc, Kim Cô Nương…) có thị trường tiêu thụ rộng, ổn định hơn so với trước đây. Mỗi năm các hộ dân trồng liên tục 3-4 vụ dưa và cho sản lượng khoảng 2,8 tấn/vụ ước đạt thu nhập khoảng gần 200 triệu/năm, lợi nhuận khoảng gần 100 triệu/ năm.

Mô hình nông nghiệp sản xuất trong nhà kính, nhà lưới góp phần phát triển kinh tế địa phương
Mô hình trồng dưa vàng trong nhà màng, nhà kính giúp kinh tế huyện Nga Sơn phát triển

Ông Mai Văn Thông ở thôn Yên Lộc xã Nga Yên cho biết: “Từ năm 2017 nhà tôi bắt đầu trồng dưa vàng, một năm gia đình tôi trồng 3 – 4 vụ, mỗi vụ thu hoạch được khoảng từ 3- 6 tấn. Khi dưa đến thời kỳ thu hoạch chúng tôi không phải tự mang đi bán mà có thương lái đến tận ruộng để mua, giúp chúng tôi giảm được chi phí vận chuyển, nâng cao thu nhập giúp đời sống của gia đình tôi ngày càng được ổn định hơn hẳn so với trước đây khi còn trồng lạc, ngô…

Tính đến nay trên địa bàn xã Nga Yên có 14 hộ dân tham gia thực hiện trồng dưa vàng trong nhà màng, nhà kính với hơn 2ha. Từ khi người dân ở xã Nga Yên áp dụng mô hình đã giúp người dân trên địa bàn xã nâng cao được thu nhập. Dưa trồng trong nhà kính cũng hạn chế được sâu bệnh và đảm bảo an toàn thực phẩm. Dưa vàng trên địa bàn xã Nga Yên chủ yếu là bán ra thị trường tự do và chưa xây dựng thành sản phẩm OCOP, Anh Mai Hữu Hoàn – Phó chủ tịch UBND xã Nga Yên chia sẻ.

Phấn đấu đến năm 2025 toàn huyện Nga Sơn sẽ xây dựng được 40 ha, trong đó hình thành vùng tập trung tại các xã vùng màu như: xã Nga Thành 10 ha, Nga Phượng 8 ha, Nga Giáp 5 ha, Nga Thắng 5 ha, Nga Yên. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền những thành quả đạt được trong sản xuất, tuyên truyền các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng dưa thành sản phẩm OCOP từ sản phẩm dưa.

Kim Nguyên
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động