Một số định hướng phát triển Công nghiệp tỉnh Thái Bình đến năm 2030

17/04/2023 07:31 Địa phương
Định hướng đến năm 2030, Thái Bình tiếp tục kêu gọi sản xuất máy móc thiết bị cho ngành dệt may - da giầy; sản xuất nông - lâm nghiệp; chế biến thuỷ hải sản, thực phẩm; ngành y tế, ngành đóng và sửa chữa tàu thuỷ; lắp ráp ô tô. Quan tâm nhiều đến các dự án sản xuất thiết bị cơ điện tử; máy móc CNC; dây chuyền tự động hóa; máy móc, thiết bị cơ giới nông nghiệp...
Một số định hướng phát triển Công nghiệp tỉnh Thái Bình đến năm 2030
Định hướng đến năm 2030, Thái Bình tiếp tục kêu gọi sản xuất máy móc thiết bị cho ngành dệt may - da giầy; sản xuất nông - lâm nghiệp; chế biến thuỷ hải sản, thực phẩm; ngành y tế, ngành đóng và sửa chữa tàu thuỷ; lắp ráp ô tô...

Trong những năm qua công nghiệp Thái Bình phát triển khá nhanh và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được phát triển công nghiệp thời gian qua vẫn còn nhiền tồn tại, hạn chế như: tăng trưởng công nghiệp tuy có tăng song chưa thật vững chắc, tỷ trọng GRDP công nghiệp, xây dựng còn thấp; đa số các dự án quy mô nhỏ, sử dụng lao động, nộp ngân sách ít; vốn đầu tư trên một dự án chưa cao, giá trị gia tăng thấp, dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa nhiều; thiết bị, công nghệ sản xuất nhìn chung chưa tiên tiến, số doanh nghiệp lớn, kỹ thuật cao còn ít, chưa tạo ra được nhiều sản phẩm mũi nhọn, chủ lực của tỉnh; tình trạng ô nhiễm môi trường còn diễn ra ở nhiều nơi; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn phức tạp, tiến độ chậm; cải cách hành chính có nhiều tiến bộ song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu... Những tồn tại trên có cả khách quan và chủ quan song chủ quan là chính, do vậy để công nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển bền vững, đòi hỏi cần phải có quan điểm và đề xuất định hướng phát triển công nghiệp phù hợp theo đúng quan điểm chỉ đạo mà Nghị quyết Đại hội hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XX đã đề ra.

1. Quan điểm:

Phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, phù hợp với quy hoạch tổng thể và chiến lược phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam; trên cơ sở huy động có hiệu quả các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế; gắn tái cơ cấu ngành với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng lớn; chủ động tham gia cuộc cách mạng lần thứ tư, ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học, công nghệ, quản trị hiện đại, hội nhập kinh tế quốc tế để nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh; đẩy mạnh phát triển công nghiệp trong khu kinh tế Thái Bình; khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, điện khí và điện gió theo quy hoạch; hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, cải thiện năng lực quản lý. Ưu tiên thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước có uy tín, thương hiệu, có năng lực về tài chính, công nghệ vào đầu tư các dự án có quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, sản xuất các sản phẩm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thân thiện với môi trường, không thâm dụng đất đai và lao động; gắn phát triển công nghiệp đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội, an ninh quốc phòng.

2. Định hướng phát triển:

2.1. Định hướng ưu tiên phát triển:

- Tập trung phát triển theo hướng hiện đại, tăng trưởng theo chiều sâu, gắn với đẩy mạnh chuyển dịch tăng tỷ trọng các ngành kỹ thuật công nghệ cao, đóng góp ngân sách lớn, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường.

- Phát triển công nghiệp phải đảm bảo quy hoạch, ưu tiên phát triển trong các KCN, CCN nhằm thuận tiện cho công tác quản lý và xử lý môi trường.

- Ưu tiên lựa chọn thu hút các nhà đầu tư hạ tầng các KCN, CCN có năng lực, kinh nghiệm để đầu tư kinh doanh hạ tầng, kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp.

- Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghiệp chế tạo máy, cơ giới nông nghiệp.

- Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ nhu cầu cho cả nước và xuất khẩu (linh kiện điện tử, phụ kiện ngành dệt may...).

- Đầu tư có chọn lọc, không chấp thuận các dự án gây ô nhiễm hoặc nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường (luyện thép, thuộc da).

- Chú trọng phát triển công nghiệp công nghệ cao và các lĩnh vực sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường, tài nguyên, đảm bảo các yêu cầu về môi trường.

- Khuyến khích thu hút các dự án sử dụng tiết kiệm đất, sử dụng đất có hiệu quả.

2.2. Về không gian:

- Tập trung phát triển công nghiệp trong khu kinh tế Thái Bình theo quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1486/QĐ-TTg ngày 28/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

- Đẩy mạnh tiến độ triển khai Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Liên Hà Thái và KCN Hải Long để sớm đưa vào thu hút nhà đầu tư thứ cấp, kịp thời nắm bắt làn sóng đầu tư vào Việt Nam.

- Đối với KCN: Bố trí các dự án quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, đóng góp nhiều ngân sách, thân thiện với môi trường.

- Đối với CCN: Hình thành hệ thống các CCN có quy mô hợp lý nhằm phát huy tiềm năng theo từng địa bàn để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất công nghiệp trong toàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để từng bước chuyển dần các doanh nghiệp công nghiệp từ địa bàn thành phố, khu đô thị và ngoài KCN, CCN vào trong CCN địa bàn các huyện khu vực nông thôn.

- Đối với khu vực biển: Đẩy mạnh triển khai dự án Điện - Gió, Điện - Khí (khi được phê duyệt) để sớm đi vào hoạt động; quy hoạch phát triển vùng nuôi trồng hải sản phục vụ công nghiệp chế biến, xuất khẩu.

2.3. Một số ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển giai đoạn đến năm 2025:

- Ngành Cơ khí chế tạo: Ưu tiên phát triển các ngành chế tạo máy cơ giới nông nghiệp, đóng tàu công suất vừa và nhỏ; sản xuất xe khách, xe tải và thiết bị ô tô.

- Ngành Chế biến nông sản, thực phẩm: Chủ yếu tập trung chế biến sâu sản phẩm nông, lâm, thủy sản; tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ và các tỉnh lân cận; thu hút đầu tư xây dựng hệ thống kho bảo quản.

- Ngành Thiết bị điện, điện tử: Ưu tiên sản xuất các sản phẩm điện tử công nghiệp, điện gia dụng, điện tử viễn thông, thiết bị văn phòng, máy tính, điện thoại di động.

- Ngành Năng lượng: Phát triển trở thành trung tâm điện lực của Miền Bắc. Duy trì điện than để ổn định hệ thống; phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo (tập trung vào phát triển điện khí LNG, điện gió, điện mặt trời áp mái).

- Công nghiệp công nghệ cao: Phát triển ngành công nghệ hóa phẩm và sinh học phục vụ nông nghiệp

- Ngành Dệt may, da giầy: Nâng cao sản phẩm trong chuỗi giá trị ngành dệt may. Tập trung các sản phẩm hỗ trợ ngành như: Kim, chỉ, cúc...

- Ngành vật liệu xây dựng: Ưu tiên phát triển sứ vệ sinh, gạch ốp lát và vật liệu mới.

- Ngành Công nghiệp hỗ trợ: Tập trung sản xuất phục vụ ngành cơ khí chế tạo, ngành điện tử trong đó ưu tiên sản xuất phụ tùng, linh phụ kiện phục vụ cho sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy, tàu thuỷ, máy CNC và linh kiện điện tử phục vụ lắp ráp trong nước và xuất khẩu (chip điện tử, IC, bo mạch điều khiển, và các chi tiết cao su, nhựa).

2.4. Định hướng phát triển các ngành công nghiệp chủ lực:

2.4.1. Công nghiệp cơ khí, luyện kim:

* Đến năm 2025:

- Giá trị sản xuất của ngành đạt 29.700 tỷ đồng chiếm 21% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 12,7%/năm.

- Phát triển chuỗi cung ứng hoàn thiện thông qua thu hút nhà đầu tư FDIs chiến lược và hệ thống OEMs phụ trợ.

- Ưu tiên phát triển các chuyên ngành cơ khí công nghệ cao, phát triển các ngành chế tạo thiết bị cơ giới nông nghiệp, đóng tàu công suất vừa và nhỏ; sản xuất xe khách, xe tải và thiết bị ô tô.

- Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ và các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị sản phẩm ngành cơ khí như các thiết kế, tạo mẫu, chế tạo máy, động cơ, khuôn mẫu, chế tạo các linh kiện phức tạp, có độ chính xác cao... để thúc đẩy nâng cao năng suất và tăng giá trị tăng thêm của ngành cơ khí, chế tạo.

- Phát triển theo định hướng đa dạng hoá các sản phẩm, phục vụ cho nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó tập trung đầu tư phát triển mạnh vào các lĩnh vực cơ khí phục vụ nông nghiệp, các ngành sửa chữa và đóng mới tàu thuỷ; máy móc phục vụ xây dựng cơ bản; các loại máy móc phục vụ cho các ngành chế biến thuỷ hải sản, thực phẩm và máy công cụ chuyên dụng khác.

- Đẩy mạnh hoạt động tiếp nhận chuyển giao và đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất theo hướng sử dụng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nguyên nhiên liệu và thân thiện môi trường.

- Không kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án luyện cán thép.

* Định hướng đến năm 2030:

- Tiếp tục kêu gọi sản xuất máy móc thiết bị cho ngành dệt may - da giầy; sản xuất nông - lâm nghiệp; chế biến thuỷ hải sản, thực phẩm; ngành y tế, ngành đóng và sửa chữa tàu thuỷ; lắp ráp ô tô.

- Quan tâm nhiều đến các dự án sản xuất thiết bị cơ điện tử; máy móc CNC; dây chuyền tự động hóa; máy móc, thiết bị cơ giới nông nghiệp, chế biến nông, lâm, thủy sản; thiết bị chuyên dụng ngành chăm sóc sức khoẻ; ngành giáo dục; ngành du lịch; ngành công nghiệp môi trường; ngành công nghiệp năng lượng và một số ngành khác.

2.4.2. Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản:

* Đến năm 2025:

- Giá trị sản xuất của ngành đạt 23.500 tỷ đồng chiếm 16,7% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 16,3%/năm.

- Ưu tiên tập trung chế biến sâu sản phẩm gạo và thủy, hải sản, thực phẩm; tạo thương hiệu, nhắm tới thị trường cả nước và hướng tới xuất khẩu. Tiếp tục mở rộng nâng cao chất lượng các cơ sở chế biến hiện có. Bố trí các cơ sở chế biến phù hợp với không gian, kết hợp đầu tư, đổi mới công nghệ để chế biến sâu, tạo sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao kết hợp với tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật, đặc biệt là sử dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản, sơ chế nhằm ổn định nguồn nguyên liệu chế biến, nâng cao hiệu quả đầu tư. Chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm. Tập trung đẩy mạnh phát triển KCN chuyên nông nghiệp tại huyện Quỳnh Phụ.

- Phát triển sản xuất phải gắn với phát triển vùng nguyên liệu, đẩy mạnh tích hợp vùng nguyên liệu với các tỉnh lân cận, thu hút nhà đầu tư chiến lược vào các sản phẩm thứ cấp giá trị gia tăng cao, từ đó giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần giải quyết lao động nông thôn và đáp ứng yêu cầu của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

- Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa các cơ sở chế biến với nông dân để có nguồn nguyên liệu dồi dào, ổn định, chất lượng cao... tạo điều kiện cho các cơ sở chế biến phát huy hết công suất thiết kế và có cơ hội mở rộng sản xuất.

- Chú trọng phát triển các thị trường xuất khẩu và duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tới các thị trường nhiều tiềm năng như Mỹ, Nhật, EU.

- Tập trung thu hút đầu tư các dự án chế biến sâu nông sản, thực phẩm vào KCN phục vụ nông nghiệp, các CCN trên địa bàn các huyện; các dự án chế biến thủy, hải sản vào các KCN, CCN trên địa bàn huyện Tiền Hải.

* Định hướng đến năm 2030:

- Kêu gọi các dự án sản xuất thực phẩm chức năng và chế biến thủy, hải sản ứng dụng công nghệ sinh học.

- Tiếp tục phát huy lợi thế về tiềm năng, hiện đại hóa các công nghệ nuôi trồng vùng nguyên liệu, chế biến sản phẩm để phát triển các vùng sản xuất tập trung từ nguyên liệu tới chế biến, chế biến sâu các sản phẩm ngành thực phẩm, đồ uống.

- Chủ động đầu tư đổi mới trang thiết bị và công nghệ, trong đó ưu tiên đầu tư máy, thiết bị tiên tiến, tự động hoá dây chuyền sản xuất, đảm bảo trong giai đoạn tới hầu hết các cơ sở chế biến tuân thủ các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quốc tế, phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

2.4.3. Công nghiệp hóa chất:

* Đến năm 2025:

- Giá trị sản xuất của ngành đạt 7.500 tỷ đồng chiếm 5,3% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 11%/năm.

- Ưu tiên phát triển sản xuất sản phẩm từ nhựa tích hợp vào chuỗi cung ứng ngành cơ khí, luyện kim, điện tử.

- Tiếp tục duy trì đảm bảo công suất sản xuất của Nhà máy sản xuất Amon Nitrat tại huyện Thái Thụy.

* Định hướng đến năm 2030:

- Thu hút đầu tư vào ngành hóa dược, hóa mỹ phẩm: Chú trọng phát triển công nghiệp sản xuất các chất kháng sinh, thuốc thú y, thực phẩm chức năng.

- Phát huy công suất các nhà máy đã được đầu tư trong giai đoạn trước, đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư công nghệ hiện đại, tiên tiến tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và một phần xuất khẩu ra các nước trong khu vực.

- Đẩy mạnh thu hút FDIs ngành hóa chất, tiến tới phát triển ngành công nghệ sinh học.

2.4.4. Công nghiệp thiết bị điện, điện tử:

* Đến năm 2025:

- Giá trị sản xuất của ngành đạt 8.500 tỷ đồng chiếm 6% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.

- Ưu tiên sản xuất các sản phẩm điện tử công nghiệp, điện gia dụng, điện tử viễn thông, thiết bị văn phòng, máy tính, điện thoại di động.

- Thu hút đầu tư các dự án sản xuất và lắp ráp sản phẩm điện tử, viễn thông có quy mô lớn và hình thành mạng lưới các doanh nghiệp vệ tinh phục vụ sản xuất và lắp ráp sản phẩm cuối cùng.

- Tập trung vào lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, thiết kế mạch in, chip điện tử, bo mạch điều khiển, phần mềm các loại và linh kiện nhựa, cao su cung ứng cho các nhà sản khẩu.

- Tăng cường liên kết với các tập đoàn đa quốc gia để tiếp nhận công nghệ hiện đại và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

* Định hướng đến năm 2030:

- Tiếp tục xúc tiến kêu gọi các dự án đầu tư sản xuất linh phụ kiện và lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh trong các lĩnh vực chế tạo thiết bị điện tử.

- Tập trung vào các dự án sản xuất các sản phẩm bằng công nghệ cao: chế tạo rô-bốt, thiết bị chuyên dụng thông minh trong các ngành tài chính; ngân hàng; du lịch; chăm sóc sức khoẻ; giáo dục; nghiên cứu khoa học; vận tải hàng hải, hàng không. Chế tạo vật liệu ứng dụng trong công nghiệp điện tử: các vật liệu vô định hình và vi tinh thể, vật liệu từ nano, vật liệu và linh kiện quang - điện tử phục vụ cho lĩnh vực viễn thông, tự động hoá.

- Hợp tác phát triển phần mềm game, phần mềm điều khiển, phần mềm phục vụ sản xuất các sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao nhất là các phần mềm thiết kế cho các máy móc thiết bị điều khiển bằng máy tính CNC.

- Tập trung thu hút các dự án sản xuất thiết bị điện, điện tử tại địa bàn phù hợp như: KCN Sông Trà, KCN Cầu Nghìn và CCN các huyện.

2.4.5. Công nghiệp dệt may - da giày:

* Đến năm 2025:

- Giá trị sản xuất của ngành đạt 48.500 tỷ đồng chiếm 34,4% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 13,3%/năm.

- Không thu hút thêm các dự án may mặc, da giày; đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị hiện đại đối với các dự án hiện có theo hướng tinh gọn, tự động hóa; tập trung đầu tư cho ngành sản xuất sợi, xơ sợi, dệt vải, phụ liệu ngành may (cúc, mex, khóa, ...) phục vụ cho sản xuất trong nước và xuất khẩu nhằm hưởng lợi thế của của các Hiệp định thương mại như: CPTPP, EVFTA, IPA, RCEP... và thay thế phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Tập trung chuyển mạnh từ gia công sang phương thức mua nguyên liệu bán sản phẩm (FOB).

- Thu hút và thúc đẩy sớm hình thành một số tổ hợp dệt may lớn (bao gồm sợi - dệt - nhuộm - hoàn tất) để mang lại giá trị gia tăng cao và hưởng các ưu đãi mà hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết. Khuyến khích và thu hút phát triển các dự án từ các tập đoàn lớn, nhà đầu tư có uy tín sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, có quy trình sản xuất đồng bộ, khép kín và đảm bảo về môi trường (chỉ sử dụng công nghệ sạch, hiện đại trong các dự án có công đoạn dệt - hoàn tất sản phẩm, không sử dụng các công nghệ cũ lạc hậu, công nghệ không đảm bảo môi trường).

- Tăng cường quảng bá thương hiệu và khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ để sản xuất phụ kiện cho ngành may, sản xuất giầy, dép, túi.

- Tập trung thu hút đầu tư vào các CCN, từng bước chuyển dần dự án dệt may - da giày từ thành phố về khu vực nông thôn nơi gần nguồn lao động.

* Định hướng đến năm 2030:

- Tiếp tục kêu gọi đầu tư sản xuất các sản phẩm hỗ trợ cho ngành may như: chỉ may, bông tấm, mex nền vải dệt, mex xốp, cúc nhựa, khóa kéo, nhãn dệt, băng các loại,... nhằm hạn chế nhập khẩu làm tăng giá thành sản phẩm.

- Phát triển các loại quần áo thời trang, giày cao cấp phục vụ các thị trường đòi hỏi chất lượng cao.

- Mở rộng chuỗi giá trị sang thiết kế, nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Nghiên cứu hình thành trung tâm thiết kế thời trang kết hợp với cung cấp dịch vụ, nguyên phụ liệu cho ngành và ứng dụng phần mềm vào khâu thiết kế mẫu mốt, phát triển sản phẩm.

2.4.6. Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng:

* Đến năm 2025:

- Giá trị sản xuất của ngành đạt 10.300 tỷ đồng chiếm 7,3% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 18,4%/năm.

- Đẩy mạnh phát triển sản xuất sản phẩm giá trị cao như sứ dân dụng, gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh cao cấp. Đầu tư các cơ sở sản xuất với quy mô công suất vừa và lớn, công nghệ tiên tiến hiện đại, tiêu tốn ít năng lượng. Chú trọng đổi mới thiết bị công nghệ các cơ sở sản xuất hiện có tại KCN Tiền Hải, từng bước loại bỏ các cơ sở sản xuất có công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.

- Khuyến khích phát triển các loại vật liệu mới có chất lượng và giá trị kinh tế cao như: vật liệu trang trí nhẹ, siêu nhẹ, vật liệu chống cháy, cách âm, cách nhiệt. Không khuyến khích mở rộng đầu tư dự án nhà máy xi măng trắng để bảo đảm môi trường.

- Tập trung thu hút các dự án sản xuất vật liệu xây dựng vào khu kinh tế, KCN Tiền Hải.

* Định hướng đến 2030:

- Kêu gọi đầu tư vào sản xuất vật liệu nhẹ, vậy liệu trang trí và vật liệu chống cháy.

- Phát triển khoa học công nghệ, đưa công nghệ mới và thiết bị hiện đại vào sản xuất VLXD nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường; hạn chế ô nhiễm môi trường.

- Đầu tư ứng dụng kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất các loại vật liệu mới, vật liệu cao cấp, vật liệu tổng hợp phục vụ xây dựng và trang trí nội thất./.

Đông Hải
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động