Nhiệm vụ trọng tâm lĩnh vực tài nguyên nước giai đoạn 2021-2025
Thống nhất quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên nước |
Hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước cơ bản được hoàn thành. |
Tại cuộc họp về kết quả thực hiện nhiệm vụ lĩnh vực TNN, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý TNN Châu Trần Vĩnh cho biết, giai đoạn 2016 -2020, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực TNN đã đạt nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt một số nhiệm vụ đã về đích trước kế hoạch như công tác xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật về TNN; xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa; lập quy hoạch TNN, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh. Cục TNN đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị xây dựng và trình ban hành 31 văn bản quy phạm pháp luật (bao gồm 04 Nghị định, 15 Thông tư và 12 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) và 04 văn bản đang xây dựng dự kiến ban hành trong năm 2020 (gồm 01 Nghị định, 03 Thông tư). Cục cũng đang tích cực triển khai nhiệm vụ lập Quy hoạch TNN thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản TNN; khẩn trương hoàn thành Quy hoạch TNN lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng; Sesan; Srepok; đang triển khai lập Quy hoạch TNN trên các lưu vực sông Hồng - Thái Bình, sông Cửu Long; đang thực hiện lập nhiệm vụ Quy hoạch TNN các lưu vực sông Đồng Nai, Ba, Vu Gia - Thu Bồn, sông Hương, sông Trà Khúc, Côn – Hà Thanh, sông Mã, sông Cả.
Bộ Tài nguyên & Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông (Ba, Vu Gia - Thu Bồn, Sê San, Srepok, Mã, Cả, Kôn - Hà Thanh, Trà Khúc, Hồng, Hương, Đồng Nai) để vận hành các hồ điều tiết giảm lũ, tăng hiệu quả sử dụng nước và đảm bảo nguồn nước khu vực hạ du.
Về công tác thanh tra, kiểm tra, Cục TNN đã thực hiện 07 cuộc thanh tra, 14 cuộc kiểm tra đột xuất và theo kế hoạch; ra 39 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 39 đơn vị có hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt là 5,7 tỷ đồng. Các địa phương đã thành lập 1.072 đoàn thực hiện thanh tra, kiểm tra 8.140 cơ sở, tổng số tiền xử phạt hơn 39 tỷ đồng.
Công tác điều tra cơ bản về TNN đã được triển khai trên một số lưu vực sông lớn, vùng kinh tế trọng điểm, vùng kinh tế xã hội; một số đảo lớn quan trọng đã được tiến hành điều tra, đánh giá TNN, tình hình khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước. Đã hoàn thành lập bản đồ danh mục lưu vực sông Việt Nam. Điều tra đánh giá TNN nước dưới đất tỷ lệ 1:100.000 đạt khoảng gần 8% diện tích toàn quốc; tỷ lệ 1: 50.000 khoảng 20%; tỷ lệ 1:25.000 đạt khoảng 5%. Đánh giá nguồn nước mặt trên các LVS, ước đạt 10%. Lập bản đồ TNN dưới đất tỷ lệ 1:200.000 về cơ bản phủ trùm 100% diện tích. Xác định dòng chảy tối thiểu trong sông thực hiện được 4/13 dòng chính lưu vực sông lớn (sông Ba, Vu Gia - Thu Bồn, sông Cả, sông Mã). Hệ thống quan trắc, giám sát TNN cơ bản được hoàn thành; xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát nguồn nước xuyên biên giới.
Bảo đảm tiếp nhận, thẩm định và trình Bộ cấp phép hoạt động trong lĩnh vực TNN theo quy định; đồng thời đã và đang thực hiện, hoàn thành các đề án “Bảo vệ TNN dưới đất ở các đô thị lớn”; “Chương trình điều tra, tìm kiếm nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước”; “Điều tra, đánh giá chi tiết TNN phục vụ xây dựng công trình cấp nước cho các đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam”; “Điều tra, đánh giá việc khai thác, sử dụng nước dưới đất, tác động đến sụt lún bề mặt đất khu vực thành phố HN, TP HCM, đồng bằng SCL, định hướng, quản lý, khai thác, sử dụng bền vững TNN dưới đất”…
Trong 5 năm tới (2021-2025), mục tiêu cụ thể của lĩnh vực tài nguyên nước (TNN) là tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật TNN; tăng cường quản lý khai thác TNN tiết kiệm, hiệu quả; bảo vệ TNN, hạn chế ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; tăng cường công tác điều phối, phối hợp, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ TNN và phòng, chống các tác hại do nước gây ra trên các lưu vực sông.
Theo đó, 11 nhiệm vụ được đề xuất gồm: (1) Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về TNN; (2) Xây dựng và hoàn thiện chiến lược, quy hoạch TNN; (3) Tăng cường điều tra cơ bản TNN; (4) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về TNN; (5) Tăng cường thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực TNN; (6) Bảo vệ TNN, khắc phục, hạn chế ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; (7) Khai thác, sử dụng TNN tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu; (8) Tăng cường chủ động thích nghi, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và việc sử dụng nước ở thượng nguồn các lưu vực sông liên quốc gia; (9) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ trong lĩnh vực TNN; (10) Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TNN; (11) Hoàn thiện bộ máy, tăng cường năng lực quản lý TNN, thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực TNN.