Thống nhất quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên nước

17/07/2020 12:58 Chính sách - Pháp luật
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 619/QĐ-TTg quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam với nhiều điểm mới, nâng cao vai trò của Ủy ban.
Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước
thong nhat quan ly su dung hieu qua tai nguyen nuoc
Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đảm nhận thêm chức năng quản lý lưu vực sông.

Những điểm mới của Quyết định này so với trước đây là về chức năng, nhiệm vụ; về cơ cấu tổ chức. Theo đó, về chức năng, nhiệm vụ, bên cạnh chức năng là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, quản lý hoạt động hợp tác quốc tế trong Lưu vực sông Mê Công, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã đảm nhận thêm chức năng quản lý lưu vực sông để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, quản lý các hoạt động liên ngành, liên tỉnh nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trên Lưu vực sông Mê Công, bao gồm cả các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk của Việt Nam.

Về cơ cấu tổ chức, Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam sẽ do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch (trước kia là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT). Bộ trưởng Bộ TN&MT giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban và là Ủy viên Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế của Việt Nam. Số lượng Ủy viên Ủy ban cũng được tăng lên do có sự bổ sung thêm đại diện lãnh đạo của một số Bộ, ngành và địa phương, đó là Văn phòng Chính phủ; các Bộ: Công an, Quốc phòng, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông; UBND tỉnh Lâm Đồng và đại diện của Cục Quản lý Tài nguyên nước, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), Tổng cục Thủy Lợi và Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Ngoài ra, với Quyết định số 619/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam có 2 Tiểu ban lưu vực sông Cửu Long và Tiểu ban Lưu vực sông Sê San - Srêpốk. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp thống nhất được nhiệm vụ quản lý lưu vực sông quốc tế và sông liên tỉnh trên lãnh thổ Việt Nam; tăng cường phối kết hợp trong thực hiện các nhiệm vụ đối nội và đối ngoại về phát triển bền vững, sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và tài nguyên thiên nhiên trên lưu vực; kết hợp giữa chiến lược, quy hoạch, quan trắc, giám sát tài nguyên nước ở cấp vùng và chiến lược, quy hoạch, quan trắc, giám sát tài nguyên nước ở cấp quốc gia.

Nhiệm vụ cụ thể của Ủy ban trong thực hiện chức năng quản lý lưu vực sông được quy định trong Quyết định số 619/QĐ-TTg như sau: Đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách; các giải pháp bảo đảm thực hiện hiệu quả các chiến lược và quy hoạch, giải quyết tranh chấp, vướng mắc giữa các Bộ, ngành, địa phương và giữa Việt Nam với các quốc gia trong lưu vực trong phát triển bền vững, sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và tài nguyên liên quan; các giải pháp ứng phó với các diễn biến bất thường, các tác động tiềm tàng tới Việt Nam do các hoạt động phát triển thượng nguồn và biến đổi khí hậu. Điều phối và giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực như vận hành các công trình điều tiết, sử dụng nước quy mô lớn; điều hòa, phân phối nguồn nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ lụt; ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước do các hoạt động khai thác, sử dụng nước và xả thải vào nguồn nước gây ra; các hoạt động cải tạo, khôi phục các dòng sông; và các hoạt động cải tạo cảnh quan, phát triển các vùng đất ven sông, ven hồ.

Ủy ban phải có ý kiến bằng văn bản đối với các quy hoạch tài nguyên nước tới cấp tỉnh, thành phố; quy hoạch chuyên ngành có khai thác và sử dụng tài nguyên nước; các chương trình, đề án, dự án liên quan đến quản lý, khai thác và phát triển tài nguyên nước trên lưu vực sông Mê Công; đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố liên quan trình Thủ tướng Chính phủ các chương trình, đề án, dự án, hoạt động về phát triển bền vững, sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trên lưu vực; đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện các quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông liên tỉnh, quy hoạch môi trường và chuyên ngành có khai thác, sử dụng tài nguyên nước, các chương trình, đề án, dự án đã được phê duyệt trên các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk.

Quyết định số 619/QĐ-TTg đã thể hiện nỗ lực của Chính phủ trong thực hiện Luật Tài nguyên nước năm 2012 và Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước về việc thành lập các Ủy ban Lưu vực sông. Đây là Ủy ban Lưu vực sông đầu tiên được thành lập ở Việt Nam theo Luật Tài nguyên nước năm 2012 nên sự thành công của Ủy ban Lưu vực sông này sẽ thúc đẩy việc thành lập các Ủy ban Lưu vực sông liên tỉnh khác của Việt Nam.

Đặc biệt, trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong đó, có nhiệm vụ sắp xếp theo hướng giảm các tổ chức phối hợp liên ngành, nhất là các tổ chức có bộ phận giúp việc chuyên trách; Quyết định số 619/QĐ-TTg giúp tránh được sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ của các tổ chức phối hợp liên ngành, tinh giản được biên chế, đồng thời, tận dụng được nguồn lực, kiến thức và kinh nghiệm về quản lý lưu vực sông của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam hiện nay.

Thúy Hằng
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động