Bến Tre:

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước

29/05/2020 13:32 Địa phương
Xác định tầm quan trọng nguồn tài nguyên nước có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế và đời sống xã hội, công tác quản lý, bảo vệ, phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt đối với nguồn tài nguyên nước được cả hệ thống chính trị tại Bến Tre đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, góp phần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước.
Cần có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi gây ô nhiễm nguồn nước
tang cuong cong tac quan ly bao ve tai nguyen nuoc
Nguồn nước mặt từ các sông, kênh, rạch là nguồn tài nguyên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đời sống và sản xuất của người dân Bến Tre.

Bến Tre có nguồn tài nguyên nước rất dồi dào, đáp ứng tối đa nhu cầu sinh hoạt, sản xuất trong đời sống của người dân địa phương. Trên địa bàn tỉnh hiện 04 con sông lớn, gồm: Sông Tiền, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên với gần 420km2 lưu vực, cùng với trên 103 sông, kênh, rạch nhỏ phân bố đều khắp trong đất liền.

Thời gian qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng gay gắt, vấn đề ô nhiễm môi trường nước ngày càng phức tạp thì nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh Bến Tre cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng và ngày càng suy giảm về chất lượng. Nguồn tài nguyên nước dưới đất cũng bị khai thác lấy nước mặn để nuôi trồng thủy sản; việc trám lấp các giếng khoan không sử dụng chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo quy định;... đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trữ lượng, chất lượng nguồn tài nguyên quan trọng này. Do đó, nguồn tài nguyên nước mặt dồi dào từ các sông, kênh, rạch là nguồn tài nguyên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân trong tỉnh Bến Tre.

Để quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài, tỉnh Bến Tre đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm góp phần bảo vệ môi trường và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trước diễn biến của BĐKH, nước biển dâng.

UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành Quy định về quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, trong đó quy định rõ trách nhiệm của ngành Tài nguyên & Môi trường và các Sở, ngành có liên quan trong công tác quản lý bảo vệ tài nguyên nước; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về tài nguyên nước, góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tài nguyên nước đối với đời sống, sản xuất của nhân dân, từ đó sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước.

Định kỳ hàng năm, ngành Tài nguyên & Môi trường Bến Tre thực hiện chương trình quan trắc môi trường 04 lần/năm đối với chất lượng nguồn nước mặt của các sông, rạch trên địa bàn tỉnh tại 53 điểm quan trắc và 11 điểm quan trắc chất lượng nước dưới đất. Qua đó, theo dõi, đánh giá diễn biến chất lượng nguồn nước trên địa bàn tỉnh được thường xuyên. Năm 2016, tỉnh Bến Tre đã thực hiện phân vùng môi trường các nguồn nước tiếp nhận nước thải trên địa bàn tỉnh, là cơ sở cho công tác quản lý, bảo vệ đối với nguồn tài nguyên nước mặt.

Nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên nước mặt trên địa bàn tỉnh dưới tác động của BĐKH, nước biển dâng, tỉnh Bến Tre đã và đang triển khai dự án Hồ chứa nước ngọt huyện Ba Tri, dự án Thủy lợi Bắc Bến Tre đã hoàn thành và đưa vào khai thác; hệ thống cống kiểm soát mặn các huyện Ba Tri, Mỏ Cày Nam và Chợ Lách, hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre (phần bổ sung sau năm 2017), hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre đang được triển khai thực hiện.

Hiện nay, tỉnh Bến Tre hiện đang triển khai dự án Quản lý nước Bến Tre với mục tiêu tăng cường bảo vệ và nâng cao việc sử dụng nguồn nước để bảo vệ sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân trong vùng dự án, dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Tỉnh Bến Tre kiến nghị Chính phủ sớm triển khai Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long, Quy hoạch cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời, xây dựng cơ chế, tăng cường công tác phối hợp giữa các tỉnh, thành trong việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên, phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.

Mai Hoa
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động