Cần có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi gây ô nhiễm nguồn nước

03/04/2020 13:43 Nghiên cứu, trao đổi
Trả lời kiến nghị của cử tri Thái Bình về giải pháp kiểm soát chất lượng nguồn nước sạch cung cấp cho sinh hoạt của nhân dân và chế tài đối với các công ty nước cung cấp nước không đảm bảo chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân, Bộ Tài nguyên & Môi trường cho rằng, cần có chế tài nghiêm khắc hơn đối với các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước và các hành vi vi phạm các quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân liên quan đến cung cấp, tiêu thụ nước sạch cấp cho nhân dân.
Các mức xử phạt hành vi vi phạm quy định bảo vệ nguồn nước
can co che tai nghiem khac hon doi voi hanh vi gay o nhiem nguon nuoc
Nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và ý thức, nghĩa vụ của người dân trong việc giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước.

Hiện nay, việc sản xuất nước sạch, phân phối, tiêu thụ nước sạch được thực hiện theo quy định của Nghị định về sản xuất, cung cấp nước sạch do Bộ xây dựng và Ủy ban nhân các cấp chỉ đạo. Việc quản lý, giám sát chất lượng sạch sau quá trình sản xuất cho đến cấp nước các hộ dân được thực hiện theo quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt của Bộ Y tế. Còn việc quản lý việc khai thác nước, bảo vệ nguồn nước nói chung được thực hiện theo quy định của Luật tài nguyên nước, Luật bảo vệ môi trường.

Trong đó, ngoài những quy định về bảo vệ nguồn nước nói chung, Luật tài nguyên nước còn có quy định riêng đối với việc bảo vệ chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất nước cho sinh hoạt. Đơn vị khai thác nước phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước do mình trực tiếp khai thác, thường xuyên theo dõi, quan trắc chất lượng nguồn nước, bảo đảm chất lượng nước do mình khai thác... đồng thời Luật cũng quy định Ủy ban nhân cấp tỉnh, huyện, xã có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn.

Vấn đề quản lý hoạt động khai thác, sử dụng, chất lượng nguồn nước đã được cụ thể hóa bằng các quy định trong Luật và các văn bản dưới Luật, cụ thể như: Nghị định số 201/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Nghị định số 43/2015/NĐ-CP quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; Thông tư số 47/2017/TTBTNMT quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Thông tư 64/2017/TT-BTNMT quy định về xác định dòng chảy tối thiểu trên sông, suối và hạ lưu các hồ chứa, đập dâng; Thông tư số 75/2017/TT-BTNMT quy định về bảo vệ nước dưới đất trong các hoạt động khoan, đào, thăm dò, khai thác nước dưới đất; Thông tư số 76/2017/TT- BTNMT quy định về đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ; Nghị định số 167/2018/NĐ-CP quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất.

Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp rà soát các quy định của pháp luật hiện hành, hoàn thiện các quy định, các thể chế pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý tài nguyên nước, môi trường đặc biệt là bảo vệ tài nguyên nước và môi trường, trong đó đặc biệt chú trọng đến nguồn nước và các hoạt động có thể ảnh hưởng đến nguồn nước cấp cho mục đích sinh hoạt của nhân dân. Trong đó, cần có chế tài nghiêm khắc hơn đối với các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước và các hành vi vi phạm các quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân liên quan đến cung cấp, tiêu thụ nước sạch cấp cho nhân dân; đồng thời nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và ý thức và nghĩa vụ của người dân trong việc giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ chất lượng nước các sông, suối, hồ, ao,…nhất là các nguồn nước cấp cho sinh hoạt; tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra; tăng cường giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước.

Thu Vân
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động