Quy định về quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

15/10/2024 07:10 Quản lý nguồn thải
Quyết định số 61/2024/QĐ-UBND Quy định về quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh Ninh Bình với những nội dung cụ thể nhằm tăng cường công tác quản lý chất thải và bảo vệ môi trường tại địa phương.

Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, quy định về quản lý chất thải rắn; phân loại, quản lý chất thải rắn sinh hoạt hộ gia đình, cá nhân; phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải cồng kềnh; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Chất thải rắn xây dựng; chất thải rắn y tế nguy hại; chất thải rắn công nghiệp thông thường và nguy hại không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy định này.

Yêu cầu chung về quản lý chất thải rắn thực hiện theo quy định tại Điều 56 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Việc phân loại, lưu giữ, chuyển giao, xử lý chất thải rắn sinh hoạt được quy định như sau:

Chất thải rắn sinh hoạt được phân loại theo quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 và Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt kèm theo Công văn số 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02 tháng 11 năm 2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, bao gồm các nhóm sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế: giấy, nhựa, kim loại, thủy tinh, vải, đồ da, đồ gỗ, cao su, thiết bị điện, điện tử; Chất thải thực phẩm: thức ăn thừa, thực phẩm hết hạn sử dụng; các loại rau, củ, quả, trái cây và các phần thải bỏ sau khi sơ chế, chế biến; các sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản;Chất thải rắn sinh hoạt khác: chất thải nguy hại, chất thải cồng kềnh, chất thải khác còn lại.

Quy định về quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
Công nhân môi trường thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Chất thải rắn sinh hoạt có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác sau khi phân loại thực hiện quản lý theo quy định tại các khoản 3, 4, 5 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Hộ gia đình, cá nhân phát sinh chất thải cồng kềnh phải thu gọn, giảm kích thước, thể tích chất thải cồng kềnh trước khi chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; trường hợp tháo dỡ thì chất thải sau đó được phân loại vào các nhóm chất thải tương ứng.

Chất thải rắn sinh hoạt phải được xử lý bằng công nghệ phù hợp, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Yêu cầu đối với phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt

Phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 27 Thông tư số 02/2022/TTBTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt nguy hại phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 37 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt cồng kềnh phải đáp ứng các quy định của pháp luật về giao thông vận tải và các quy định của pháp luật khác có liên quan (nếu có).

Đối với thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, UBND tỉnh quy định UBND cấp xã có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở để xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Chủ dự án đầu tư, chủ sở hữu, ban quản lý khu đô thị mới, chung cư cao tầng, tòa nhà văn phòng phải bố trí thiết bị, công trình lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với các loại chất thải theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Quy định này; tổ chức thu gom chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân và chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

Điểm tập kết và trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt: Yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt thực hiện theo quy định tại Điều 26 Thông tư 4 số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ủy ban nhân dân cấp huyện bố trí điểm tập kết, trạm trung chuyển hoặc chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã bố trí điểm tập kết, trạm trung chuyển đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường để bảo đảm tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn quản lý.

Ngoài ra Quy định này cũng nêu rõ trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân; Trách nhiệm của cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; Quyền và trách nhiệm của cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Trách nhiệm đối với các sở, ban, ngành của tỉnh; Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố; Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Đông Hải
Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động