Báo chí trong cuộc cách mạng chuyển đổi số

21/06/2024 07:06 Nghiên cứu trong nước
Chuyển đổi số là xu hướng phát triển tất yếu của thời đại, và trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí với sứ mệnh truyền tải thông tin nhanh chóng, chính xác, kịp thời, đóng vai trò vô cùng quan trọng, tạo nội lực thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi số thành công.

Đối với nền Báo chí nói chung hiện nay, chuyển đổi số như “cánh tay nối dài”, giúp gắn kết và thiết lập mối quan hệ với công chúng, nhanh chóng truyền tải thông tin kịp thời và đến gần hơn với độc giả, khán thính giả. Vậy, có thể khẳng định, sự tác động của quá trình chuyển đổi số đối với báo chí là tất yếu, là sự sống còn trong tiến trình phát triển chung của thời đại.

Báo chí trong cuộc cách mạng chuyển đổi số
Chuyển đổi số báo chí cho ra đời các ấn bản trực tuyến đa dạng và phong phú phục vụ nhu cầu đọc, nghe, nhìn của công chúng.

Để chuyển đổi số báo chí thành công, mỗi cơ quan báo chí truyền thông nhất định phải đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo cho đội ngũ nhân lực báo chí thích ứng với yêu cầu chuyển đổi số hiện nay. Trong đó, yếu tố con người được xem là quan trọng và then chốt.

Xu hướng báo chí trong cuộc cách mạng chuyển đổi số

Cùng với sự phát triển như vũ bão của internet, điện thoại thông minh, thiết bị điện tử thông minh khác và nhu cầu sử dụng công nghệ của con người ngày một tăng cao. Điều này mở ra xu hướng mới cho nền báo chí truyền thông thế giới, làm thay đổi cực kỳ nhanh chóng về nội dung và công nghệ truyền thông, bắt đầu cho sự bùng nổ của cuộc cách mạng báo chí kỹ thuật số. Từ đó, thông tin được đông đảo người dân toàn thế giới tiếp cận một cách dễ dàng.

Báo chí và truyền thông đã kịp thời thích ứng với môi trường công nghệ số, liên tục cho ra mắt các ẩn bản trực tuyến với đa dạng nội dung và hình thức phong phú để phục vụ nhu cầu đọc, nghe, nhìn của công chúng.

Tại Việt Nam, chuyển đổi số báo chí chính thức mở ra vào năm 2018. Đến năm 2021, tờ báo Thanh Niên trở thành đơn vị tiên phong trong việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Hiện tại, AI đã làm được những việc, tạo ra những sản phẩm mà trước đây chúng ta nghĩ chỉ có con người mới làm được, thậm chí con người cũng không làm được. Tuy nhiên, hiện nay, việc sử dụng công nghệ AI trong báo chí ở Việt Nam vẫn còn ở mức đơn giản, chưa khai thác triệt để.

Năm 2023, Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) thông báo kết quả khảo sát, đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2023. Theo đó, 10 cơ quan báo chí chuyển đổi số đạt mức xuất sắc gồm có: Đài Truyền hình Việt Nam; Báo VNExpress; Báo Lao động; Đài Tiếng nói Việt Nam; Báo Điện tử Vietnamplus (TTXVN); Báo Vietnamnet; Báo Điện tử VTC News; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Long; Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội; Báo Người Lao động.

Nếu như trước kia, kỹ năng của người làm báo đều mang tính riêng biệt theo từng thể loại báo như báo in, báo nói, báo hình,… thì với báo chí số hiện nay, đòi hỏi kỹ năng của người làm báo trở nên đa dạng hơn với sự giúp sức của công nghệ thông minh, đã rút ngắn thời gian sản xuất nội dung tin bài và nhanh chóng đưa thông tin đến với người xem.

Về những thay đổi của báo chí chuyển đổi số, đó là sự thay đổi gần như toàn diện, từ mô hình toà soạn, quy trình sản xuất, bộ máy tổ chức, xây dựng nội dung, phương thức tác nghiệp, quản lý dữ liệu, văn hóa tòa soạn và hoạt động lãnh đạo, quản lý báo chí... Từ đó, xuất hiện thêm những mô hình truyền thông mới như: Tòa soạn hội tụ, Báo chí mạng xã hội, Báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, Báo chí di động,…

Báo chí trong cuộc cách mạng chuyển đổi số
Tòa soạn hội tụ Báo Nhân Dân điện tử. Một giải pháp ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào hoạt động báo chí nhằm hiện thực hóa chiến lược chuyển đổi số. (Ảnh: T.Đạt)

Năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố 3 nền tảng hỗ trợ cơ quan báo chí chuyển đổi số, giúp các cơ quan báo chí tiếp tục tồn tại, phát triển, thu hút công chúng. Trong đó, đáng chú ý là nền tảng quản lý tòa soạn điện tử, cho phép xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số, bao gồm các hoạt động quản lý quy trình xuất bản, hoạt động quản trị nội bộ của tòa soạn, hoạt động tương tác hai chiều với bạn đọc, đo lường số lượng bạn đọc, ứng dụng công nghệ, trình bày nội dung và sẵn sàng cho một mô hình thu phí của báo điện tử trong một tương lai gần.

Hòa cùng dòng chảy mạnh mẽ, hiện đại của công nghệ kỹ thuật, báo chí số được phép thỏa sức sáng tạo, mang đến cho công chúng độc giả nhiều hình thức truyền thông phong phú, hấp dẫn như media, video, audio, infographics, data journalism, podcast,… dựa trên việc ứng dụng các phần mềm kỹ thuật số tiên tiến. Góp phần thay đổi phương thức quản trị toà soạn, quản trị xuất bản, quản trị tương tác với công chúng được thuận lợi và dễ dàng hơn.

Ngoài ra, không thể phủ nhận sự tương hỗ giữa mạng xã hội và báo chí trong việc cung cấp thông tin một cách nhanh chóng, gần gũi mọi lĩnh vực trong cuộc sống đến với công chúng. Các tờ báo điện tử hiện nay đa số đều sử dụng mạng xã hội để cập nhật các liên kết bài báo trên các ứng dụng mạng xã hội như: Facebook, zalo, Instagram,… từ đó, tăng nhanh số lượt người xem truy cập vào các tờ báo điện tử.

Các ứng dụng mạng xã hội đã giúp báo chí quảng bá tên tuổi, hình ảnh, chất lượng thông tin cũng như tạo sự phong phú trong việc lựa chọn thông tin tới cộng đồng mạng.

Trên thế giới, các cơ quan truyền thông lớn như New York Times, BBC, CNN, Daily Telegraph... hay các tờ báo của Việt Nam như VietNamNet, VnExpress, Thanh niên, Tuổi trẻ Online... đều có những cách thức, chủ động, quyết liệt và sáng tạo để quảng bá nội dung trên các mạng xã hội. Đội ngũ Nhà báo, phóng viên đòi hỏi phải có sự hiểu biết rộng, biết lắng nghe và kịp thời cập nhật xu hướng công nghệ số, mạng xã hội để đến được với công chúng – những người quyết định trực tiếp đến thương hiệu của tờ báo.

Thách thức của cuộc cách mạng chuyển đổi số đối với báo chí

Chuyển đổi số báo chí tuy nhanh chóng, hiệu quả nhưng là cả một quá trình khó khăn và đầy thách thức.

Trước sự phát triển như vũ bão của kỹ thuật số, báo chí số cần thích ứng, phát triển dữ liệu chất lượng nhưng phải giữ nguyên giá trị nguyên bản của báo chí Cách mạng Việt Nam, mang sứ mệnh tuyên truyền đầy đủ, kịp thời, chính xác chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, củng cố niềm tin và sự đồng thuận của xã hội, giữ vai trò dẫn dắt, định hướng thông tin và dư luận xã hội.

Một số cơ quan báo chí đã thay đổi phương thức quản lý và vận hành, áp dụng công nghệ vào quy trình thu thập tin tức, sản xuất nội dung tin bài và thực hiện hiệu quả các mô hình kinh doanh báo chí theo quy định để đa dạng hóa nguồn thu, giảm sự lệ thuộc vào doanh thu từ quảng cáo.

Một trong những thách thức hiện nay mà chuyển đổi số báo chí đang gặp phải đó là sự thiếu tự chủ về công nghệ. Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí sử dụng các nền tảng kỹ thuật như máy chủ và CMS do các doanh nghiệp cung cấp, phụ thuộc vào hệ thống an toàn thông tin của các đơn vị cung cấp CMS và lưu trữ dữ liệu trên đám mây. Vì kinh phí để tự chủ khá cao, dẫn đến các cơ quan báo chí trở nên phụ thuộc và có thể bị chi phối về nội dung và lợi ích bởi các công ty công nghệ.

Ngoài ra, sự ảnh hưởng của mạng xã hội cũng tạo ra thách thức không nhỏ đối với báo chí. Mạng xã hội vừa có sự tương hỗ, cũng vừa mang tính cạnh tranh. Người dung mạng xã hội dễ rơi vào tình trạng bị dẫn dắt bởi tin tức giả mạo, thiếu kiểm chứng. Trong khi đó, việc xác minh nguồn tin và định hình xu hướng trên không gian mạng rất khó khăn.

Báo chí trong cuộc cách mạng chuyển đổi số
Mạng xã hội vừa có sự tương hỗ, cũng vừa mang tính cạnh tranh với báo chí.(Ảnh minh họa)

Nhiều cơ quan báo chí tập trung vào lượng truy cập, dẫn đến giảm chất lượng nội dung, không đáp ứng đúng tôn chỉ và mục đích của tờ báo.

Vấn nạn “tin giả” đang là một trong những thách thức lớn mà báo chí số đang phải đối mặt trên không gian mạng. Người dùng mạng xã hội dễ dàng đăng tải, chia sẻ thông tin thiếu kiểm chứng, dẫn đến thông tin sai lệch, hay thậm chí với mục đích để câu view mà bịa đặt thông tin, lan truyền tin thất thiệt nhằm thỏa mãn mục đích cá nhân.

Thực tế này khiến việc phân loại và sàng lọc thông tin phức tạp hơn, đòi hỏi báo chí cần tham gia tích cực, chủ động và cần có sự đổi mới toàn diện để phản ánh vấn đề một cách đúng đắn, sâu sát nhằm định hướng dư luận kịp thời, đúng lúc trước tốc độ của mạng xã hội.

Đặc biệt hiện nay, đa số các cơ quan báo chí đều đang gặp phải tình huống bị ăn cắp bản quyền nội dung, mà việc này chưa có giải pháp để ngăn chặn…

Nâng cao kỹ năng về truyền thông chuyển đổi số đối với cơ quan báo chí

Để thực hiện tốt chuyển đổi số trong cơ quan báo chí, cần phải bám sát các nội dung định hướng tại Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Năm 2023, ở Việt Nam, có 339 cơ quan báo chí hoàn thành đạt yêu cầu và được cấp tài khoản chính thức để thực hiện đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2023. Theo số liệu thống kê, số lượng tham gia triển khai đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2023 chiếm tỷ lệ cao nhất là khối Đài (tham gia tập huấn: 86,11% và tham gia đánh giá: 83,33%).

Tại Hội thảo “Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay” do Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, diễn ra chiều 5/6/2024 tại Hà Nội; đồng chí Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, đồng thời là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, ngoài nền tảng công nghệ và nguồn lực tài chính dồi dào, thì khả năng thích nghi của mỗi cơ quan báo chí, truyền thông với một tương lai kỹ thuật số sẽ tùy thuộc vào việc phát triển được hay không một thế hệ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ người làm công tác báo chí - truyền thông với kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm lao động nghề nghiệp chuyên nghiệp trong môi trường số.

Điều này đang đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao hơn đối với công tác đào tạo báo chí - truyền thông hiện nay, để có thể theo kịp xu thế phát triển chung và đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao kịp thời cho xã hội trong bối cảnh chuyển đổi số.

Báo chí trong cuộc cách mạng chuyển đổi số
Đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng báo chí - truyền thông tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền báo chí - truyền thông số ở nước ta. (Ảnh: www.ajc.hcma.vn)

GS,TS. Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, thực tế trong thời gian qua, các cơ sở đào tạo báo chí, truyền thông đã sớm tích hợp, đưa các nội dung của chuyển đổi số vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời, thường xuyên cập nhật, bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện các chương trình khung, chương trình chi tiết của từng chuyên ngành, phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn.

Các trường cũng đã chú trọng phương pháp đào tạo theo hướng hiện đại, đồng bộ, kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, giữa giảng dạy lý thuyết và hướng dẫn thực hành; trang bị các kiến thức, kỹ năng lao động cần thiết cho người học trong môi trường số, đưa các mô hình tòa soạn số, trường quay ảo, công nghệ truyền thông thế hệ mới…

Tuy nhiên, bối cảnh chuyển đổi số hiện nay đang đặt ra yêu cầu đối với các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông cần xác định lại triết lý, mục tiêu đào tạo phù hợp với xu thế mới; sớm xây dựng một khung chương trình chuẩn về đào tạo báo chí, truyền thông của quốc gia, gắn với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tại Hội nghị “Tập huấn kỹ năng chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí và hướng dẫn sử dụng VnEID, các tiện ích số khác cho thanh niên”, được tổ chức tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Hoàng Nhật - Phó Tổng biên tập Báo điện tử VietNamPlus cho biết: Hiện nay vẫn còn nhiều cơ quan báo chí loay hoay với việc tác nghiệp như thế nào là chuyển đổi số, rất nhiều nơi nhầm lẫn với việc chuyển đổi số và tin học hóa, nhiều nơi được đầu tư rất nhiều trang thiết bị có giá trị cao, nhưng khi có khảo sát của cục báo chí về mức độ trưởng thành của cơ quan báo chí thì nhiều nơi vẫn còn khó khăn khi áp được những tiêu chí mà cục báo chí đưa ra.

Báo chí trong cuộc cách mạng chuyển đổi số
Tỷ lệ cơ quan báo chí ứng dụng công nghệ số để tối ưu hoá quy trình sản xuất tin bài còn ở mức thấp.

Ông Nhật cho hay, các cơ quan báo chí cần có những thay đổi và sự thích ứng phù hợp với xu hướng hiện nay. Báo chí cần thay đổi tư duy, chú trọng phát triển độc giả trẻ, đầu tư công nghệ và coi trọng những nền tảng số bên cạnh nền tảng truyền thống. Bên cạnh đó, cần bám sát tính xu hướng và sự lan tỏa trên mạng xã hội nhằm đáp ứng được độc giả cần gì, quan tâm gì nhất.

Không chỉ nâng cao về mặt nội dung, nhiều tòa soạn đã tích cực nâng cao nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thông tin từ báo in, báo điện tử, video và sử dụng các trang mạng xã hội nhằm chuyển tải thông tin một cách đa dạng, nhanh chóng tới công chúng.

Báo chí và truyền thông đóng vai trò quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số. Việc đào tạo đội ngũ người làm báo đa phương tiện thích ứng với chuyển đổi số trong tòa soạn là vấn đề cấp bách và cấp thiết.

Nguyễn Nhàn
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động