Nhiều lợi thế phát triển kinh tế tuần hoàn ngành gỗ thông qua cơ hội từ thị trường carbon

26/03/2024 15:07 Tăng trưởng xanh
Thị trường carbon tại Việt Nam được phát triển sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp; hướng tới phát triển nền kinh tế carbon thấp và tạo tiền đề cho phát triển kinh tế tuần hoàn của các doanh nghiệp.
Nhiều lợi thế phát triển kinh tế tuần hoàn ngành gỗ thông qua cơ hội từ thị trường carbon
Nhiều lợi thế phát triển kinh tế tuần hoàn ngành gỗ thông qua cơ hội từ thị trường carbon

Tính đến nay, Việt Nam đã có 150 dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ carbon và là một trong 4 nước có dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch đăng ký nhiều nhất. Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc phát triển thị trường carbon năng động, chất lượng và hiệu quả.

Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế có độ mở lớn. Nếu áp dụng sớm thị trường carbon, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải giảm phát thải, sẽ tác động lớn đến nền kinh tế. Mặc dù doanh nghiệp phải bỏ rất nhiều chi phí để chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi theo hướng phát triển xanh nhưng đối với các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung thì không thể chậm hơn, cần phải chuyển đổi, nếu không sẽ tụt hậu với thế giới.

Về lợi ích vĩ mô, doanh nghiệp giảm phát thải, tham gia thị trường carbon là cùng Chính phủ để thực hiện cam kết quốc tế trong giảm phát thải. Đóng góp vào việc bảo vệ môi trường trước tác động của biến đổi khí hậu.

Tiếp đến, xét về lợi ích cũng như cơ hội, khi tham gia thị trường carbon, tài chính xanh chắc chắn sẽ làm tăng thương hiệu của doanh nghiệp, qua đó sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều điểm cộng trong đàm phán, xuất khẩu sản phẩm.

Không chỉ vậy, thực hiện giảm phát thải cũng là cơ hội để chính doanh nghiệp thay đổi mô hình sản xuất, công nghệ. Qua đó tạo ra tín chỉ để bán ra thị trường, thu về lợi nhuận.

Đến nay thị trường tín chỉ carbon trên thế giới hoạt động rất sôi động, ở khắp các châu lục. Mỗi quốc gia, cách thức và thời điểm vận hành thị trường tín chỉ carbon khác nhau. Tuy nhiên, việc vận hành đều thông qua 3 hình thức thức vận hành thị trường carbon là bắt buộc, tự nguyện và tuân thủ theo Điều 6 Thỏa thuận Paris. Ngoài ra, có một hình thức không liệt vào 3 loại trên, tương đối đơn giản là mang lên sàn mua bán.

Về giá tín chỉ carbon, ở hình thức tuân thủ theo Điều 6 Thỏa thuận Paris sẽ không có giá tín chỉ carbon. Giá tín chỉ carbon chỉ có ở hình thức bắt buộc và tự nguyện được định giá thông qua đấu giá hoặc mua bán trên sàn. Giá tín chỉ carbon hiện phụ thuộc vào cung và cầu, phụ thuộc vào tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực phát thải. Điều này, tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia sớm vào thị trường carbon và hứa hẹn mang lại nhiều lợi nhuận cũng như tiếp cận được thị trường quốc tế sớm hơn.

Với lợi thế 14,2 triệu ha rừng, chiếm 42% diện tích đất nước, trong đó có 7 triệu ha trừng trồng sản xuất, Việt Nam đang có lợi thế trong chứng minh được sự tăng trưởng sinh khối và giảm phát thải, đem đến nguồn tín chỉ carbon dồi dào. Vừa qua Việt Nam đã nhận được hơn 41 triệu USD đầu tiên (tương đương với 10,3 triệu tín chỉ carbon) từ Ngân hàng Thế giới do chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng.

Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp gỗ tham gia vào thị trường carbon thấp và tạo tiền đề để hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn.

Gỗ đóng vai trò hấp thụ và lưu trữ carbon, là một trong số ít ngành sản xuất phát thải khí nhà kính âm so với các ngành khác với cùng mục đích sử dụng như sản xuất đá, mỹ nghệ từ đá, hoặc các ngành sản xuất nguyên vật liệu khác như nhựa, bê tông, thép… nên ngành gỗ có thể tận dụng thay thế cho các nguyên liệu trên trong xây dựng để giảm phát thải carbon.

Ngành gỗ sẽ được hưởng lợi từ xu hướng sử dụng các vật liệu gỗ thay thế cho các vật liệu có phát thải cao như kim loại, nhựa, bê tông... Bên cạnh đó, gỗ không chỉ được sử dụng nhiều trong sản phẩm nội thất như trước đây, mà sẽ có cơ hội lớn trong ngành xây dựng với các loại gỗ cấu kiện lớn.

Ngoài ra, vật liệu từ gỗ cũng sẽ được dùng nhiều trong ngành năng lượng sinh khối tái tạo, ngành tiêu dùng, bao bì... vì khả năng phát thải thấp, dễ phân hủy và tái chế.

Việc tái sử dụng các phụ phẩm ngành chế biến gỗ, sẽ nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế sản xuất kinh doanh, đồng thời tạo môi trường xanh, sạch, không gây ô nhiễm môi trường. Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã triển khai trồng rừng địa phương, xây dựng nhà máy viên nén năng lượng sử dụng cành, ngọn và phụ phẩm của các nhà máy chế biến gỗ trong khu vực và các tỉnh lân cận; thiết lập chuỗi kinh tế lâm nghiệp tuần hoàn khép kín, từ trồng rừng bao tiêu toàn bộ sản phẩm rừng trồng, chế biến sâu các sản phẩm đồ gỗ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Các phụ phẩm còn lại có thể tận dụng thành viên nén gỗ được (làm hoàn toàn từ phụ phẩm lâm nghiệp như vỏ cây, lá cây, cành cây nhỏ, đầu mẩu gỗ vụn). Bên cạnh đó phụ phẩm thải ra từ hệ thống các xưởng xẻ, xưởng ván bóc, xưởng dăm… sẽ là nhóm nhiên liệu thay thế có tính chất bảo vệ môi trường khi được tận dụng, tái chế đúng cách.

Bên cạnh đó, với khả năng phát thải âm, ngành công nghiệp gỗ và đặc biệt là lâm nghiệp có thể đạt lượng tín chỉ carbon để giao dịch bù đắp cho các ngành công nghiệp khác. Sự khác biệt này sẽ mang lại lợi thế lớn khi kết hợp với các ngành sản xuất khác, đem lại hiệu quả kinh tế và thế mạnh cho ngành gỗ trong tương lai.

Việt Nam với 14 triệu ha rừng - nếu quản lý bền vững sẽ tạo ra các tín chỉ carbon thông qua hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, tăng hấp thụ carbon, tăng nguồn tài chính xanh cho doanh nghiệp, mang đến giá trị lớn cho nền kinh tế. Song để tạo ra được tín chỉ carbon các doanh nghiệp ngành gỗ sẽ phải thực hành phát triển bền vững (ESG) và bắt buộc phải có báo cáo phát thải và giảm phát thải.

Bên cạnh đó, để việc sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu ngày càng tăng, lợi nhuận thu lại lớn, các doanh nghiệp ngành gỗ cần hiểu rõ, đáp ứng và mở rộng các thi trường xuất khẩu, tận dụng các cơ hội từ nhiều phía để tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp, trong đó cần tập trung vào vấn đề tài chính carbon và thị trường carbon. Bởi vấn đề tài chính xanh và thị trường carbon không xa lạ với các nước phát triển nhưng lại là vấn đề hoàn toàn mới mẻ tại Việt Nam nói chung và ngành gỗ nói riêng.

Phạm Kiên
Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động