Ninh Bình tăng cường quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường

15/05/2023 09:53 Chính sách - Pháp luật
Ngành môi trường Ninh Bình vừa ban hành văn bản gửi các địa phương về việc triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình vừa ban hành văn bản số 1000/STNMT-MTBD đề nghị UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra định kỳ việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn quản lý theo quy định, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền.

Hướng dẫn, đôn đốc các chủ dự án đầu tư, cơ sở thuộc đối tượng cấp Giấy phép môi trường, lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường và tổ chức thẩm định, cấp Giấy phép môi trường đối với các đối tượng thuộc thẩm quyền, đảm bảo thời gian theo quy định tại Khoản 2 Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường.

Ninh Bình tăng cường quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường
Thu gom rác đảm bảo vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch ở Ninh Bình.

Đồng thời yêu cầu rà soát, hướng dẫn các làng nghề, làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường làng nghề quy định tại Khoản 1 Điều 56 Luật Bảo vệ môi trường, thời gian hoàn thành trong Quý III/2024. Yêu cầu các cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề thực hiện nghiêm túc quy định tại Điều 34 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP; chủ động lập kế hoạch chuyển đổi ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề, di dời cơ sở, hộ gia đình ra khỏi làng nghề theo quy định; thực hiện quy định tại Khoản 4 Điều 49 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.

Rà soát điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 26 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT; rà soát yêu cầu đơn vị quản lý bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt thực hiện đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt sau khi kết thúc hoạt động theo quy định tại Điều 32 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT; tổ chức triển khai các hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn quản lý.

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Ủy ban Nhân dân cấp xã triển khai thực hiện: Kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; xử lý hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo thẩm quyền; xem xét, giải quyết kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; Chủ trì, phối hợp với cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở để xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt; Hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho cơ sở thu gom, vận chuyển hoặc đến điểm tập kết đúng quy định; hướng dẫn cộng đồng dân cư giám sát và công khai trường hợp không tuân thủ quy định về phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt.

Đông Hải
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động