Quảng Ngãi: Quản lý chặt chẽ chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân
Quảng Ngãi tăng cường chỉ đạo quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân |
Quy định này áp dụng đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động liên quan đến phát sinh, phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Quy định yêu cầu quản chặt việc lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân. Các bao bì đựng chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại trước khi chuyển giao cho đơn vị thu gom, vận chuyển phải được đặt ở các vị trí thích hợp cho việc thu gom, vận chuyển, đảm bảo không rơi vãi, không rò rỉ nước và phát tán mùi hôi ra môi trường. Đồng thời, khuyến khích thôn, xóm, tổ dân phố thiết lập ít nhất 1 điểm thu gom chất thải rắn sinh hoạt có khả năng tái sử dụng, tái chế và 1 điểm thu gom chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt với diện tích phù hợp, có mái che; định kỳ chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt có khả năng tái sử dụng, tái chế cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế và chuyển giao chất thải nguy hại cho cơ sở có chức năng vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại theo quy định.
Về thời gian, địa điểm, tần suất, tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt, tùy vào đặc điểm của mỗi khu vực dân cư; UBND cấp xã chủ trì, phối hợp với đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, cộng đồng dân cư và tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở xác định thời gian, địa điểm, tần suất, tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với hiện trạng, đảm bảo theo quy định.
Về công nghệ xử lý, chất thải rắn sinh hoạt, tỉnh yêu cầu phải đáp ứng tiêu chí theo quy định tại Điều 28 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT. Ưu tiên đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; không khuyến khích xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp.
Các loại chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân được nêu trong Quyết định, bao gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế là giấy thải, nhựa thải, kim loại thải, thủy tinh thải, vải, đồ da, đồ gỗ, cao su, thiết bị điện, điện tử thải bỏ. Chất thải thực phẩm, thức ăn thừa, thực phẩm hết hạn sử dụng, các loại rau, củ, quả, trái cây và các phần thải bỏ sau khi sơ chế, chế biến món ăn, các sản phẩm bỏ đi từ thịt gia súc, gia cầm; thủy, hải sản và chất thải rắn sinh hoạt khác là các chất thải rắn sinh hoạt còn lại (chất thải nguy hại, chất thải cồng kềnh, chất thải khác còn lại).
Cùng với các quy định trên, Quyết định số 24/2024/QĐ-UBND Quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh còn nêu rõ trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân trong việc thực hiện, cụ thể: Các hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện phân loại, lưu giữ chuyển giao CTRSH sau phân loại theo quy định tại các Điều 4, Điều 5 Quy định này; Thực hiện trách nhiệm liên quan đến giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh và các quy định của pháp luật có liên quan; Giữ gìn vệ sinh nơi ở và nơi công cộng, thu gom, tập kết CTRSH đúng nơi quy định; không được vứt, thải, đô, bỏ CTRSH ra môi trường không đúng nơi quy định; tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường khu phố, đường thôn, ngõ xóm, nơi công cộng do chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể phát động; Hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước trong công tác điều tra, khảo sát xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý CTRSH; Giám sát và phản ánh các vấn đề liên quan đến giá dịch vụ hợp đồng, đánh giá chất lượng cung ứng các dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH theo quy định với Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã; phản ánh đến chính quyền địa phương đối với các trường hợp hộ gia đình, cá nhân vi phạm các quy định của Quy định này như gây mất vệ sinh khu vực đất do mình sở hữu, vỉa hè trước và xung quanh nhà, cơ sở hoặc trụ sở.