Rác thải từ thuốc lá: Kích thước nhỏ, tai hại lớn
Bắt quả tang xe tải đổ trộm 20 tấn rác thải công nghiệp Tìm ra cách tái chế rác thải nhựa thành dầu nhiên liệu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng ASEAN về rác thải biển |
Thuốc lá là một trong những thủ phạm gây ra khủng hoảng rác thải trên thế giới. Lượng hạt nhựa siêu nhỏ (microplastic) độc hại trong các điếu thuốc cũng được tìm thấy với hàm lượng cao trong nước biển. Nhiều người cho rằng, những cơ sở sản xuất và kinh doanh quốc lá cần chịu trách nhiệm cho tình trạng này.
Thuốc lá là một trong những thủ phạm gây ra khủng hoảng rác thải trên thế giới. Ảnh: NOAA. |
Thuốc lá cướp đi sinh mạng của hơn 7 triệu người mỗi năm, là tử thần đối với loài người và môi trường. Trong khói thuốc có rất nhiều chất độc hại làm ô nhiễm không khí. Người nông dân phải “triệt hạ” hàng triệu cây cối để lấy đất trồng thuốc lá. Tàn thuốc cháy có thể gây cháy rừng. Các nhà máy thuốc lá gây phát thải nhiều trong quá trình sản xuất. Chưa kể tới tình trạng lạm dụng lao động trẻ em ở nhiều vùng trồng cây thuốc trên thế giới…
Cảm thấy những tác hại trên là chưa đủ lớn, các công ty thuốc lá trên thế giới “cổ vũ” khủng hoảng rác thải điện tử bằng cách thêm vào danh mục sản phẩm của mình thuốc lá điện "nóng nhưng không cháy", với lập luận rằng nó ít gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người hơn thuốc lá truyền thống.
Ước tính có tới 5,6 nghìn tỉ điếu thuốc được sản xuất mỗi năm với hơn 1 tỉ người tiêu thụ trên thế giới; 2/3 lượng tàn thuốc được vứt vô tội vạ và cuối cùng là trôi ra biển. Lượng đầu lọc và tàn thuốc thải ra môi trường mỗi ngày trên khắp thế giới lên tới hơn 12 tỉ; trong khi mỗi đầu lọc phải mất từ 18 tháng đến 10 năm để phân huỷ.
Theo Tổ chức phi chính phủ Ocean Conservancy, đầu lọc thuốc lá được làm từ sợi nhựa không phân huỷ là loại rác thải được bắt gặp nhiều nhất trong các đại dương trong suốt 3 thập kỷ qua chứ không phải là túi nhựa, chai nước hay ống hút… Trong đó có chứa các loại sợi tổng hợp và vô số hoá chất độc hại. Chúng đang tồn tại trong ruột của hơn 70% loài chim biển, 30% rùa biển… Chính vì vậy, mặc dù tàn thuốc không làm rùa nghẹt thở hay tắc dạ dày cá voi nhưng nhiều nhà hoạt động vì môi trường ở Mỹ vẫn đang vận động tích cực để cấm tiêu thụ loại đầu lọc tai hại này.
Hơn 3.000 nhân viên của Philip Morris tham gia nhặt tàn thuốc trong công viên, đường phố và bãi biển trong Ngày Dọn dẹp Thế giới. Ảnh: PMI. |
Theo bà Marija Sommer - Người phát ngôn của Tập đoàn thuốc lá Philip Morris International (New York, Mỹ), để giải quyết vấn đề này cần thực hiện ba công việc gồm: bố trí nơi hút thuốc quy định, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc hút thuốc và tăng cường các chế tài, hình thức xử phạt đối với người vứt tàn thuốc không đúng nơi quy định.
Bà Sommer thừa nhận rằng, vai trò của các công ty thuốc lá trong việc bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều hạn chế, mặc dù đã nỗ lực tăng cường chống xả rác bằng cách tham gia các hoạt động như Ngày Dọn dẹp Thế giới, chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng…
Bà chia sẻ với trang Eco Business: “Chúng tôi cần nói rõ với mọi người rằng, việc xả tàn thuốc ra môi trường là không chấp nhận được vì trong đó có chứa nhựa; kể cả các loại đầu lọc được làm từ nhựa sinh học cũng mất nhiều năm mới có thể phân huỷ. Do vậy, dù sản phẩm mang mác sinh học cũng không thể vứt một cách tuỳ tiện. Đây là thông điệp rất quan trọng, cần được làm rõ”.
Tập đoàn thuốc lá đa quốc gia lớn nhất thế giới Philip Morris International tuyên bố rằng, các loại đầu lọc phân huỷ sinh học cũng không phải là giải pháp bảo vệ môi trường hiệu quả.
Ông Doug Woodring - Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Liên minh phục hồi biển cả (Hong Kong) cho biết, những nỗ lực làm giảm tác hại của tàn thuốc với môi trường của các tập đoàn thuốc lá hiện vẫn chưa đủ. Việc giải quyết vấn đề hiệu quả đòi hỏi pháp luật đưa ra những chế tài nghiêm khắc.
Ông Woodring lập luận, so với ống hút hay chai nước, tàn thuốc nhỏ bé hơn rất nhiều nên mọi người dễ dàng bỏ qua nó. Ông cũng đề xuất thuế tàn thuốc được bổ sung trên mỗi điếu thuốc lá, nhằm gây quỹ cho các hoạt động dọn dẹp hoặc xây dựng hệ thống khuyến khích những người hút thuốc vứt rác đúng nơi quy định. Ông tin rằng, tăng thuế thuốc lá sẽ khiến lượng tiêu thụ giảm, giống như việc tăng trách nhiệm với môi trường của các nhà sản xuất sẽ cải thiện ý thức, tác động tiêu cực của quy trình sản xuất thuốc lá.
“Nếu không có luật Trách nhiệm mở rộng của Nhà sản xuất (EPR) hoặc một số loại thuế đặc biệt với tàn thuốc lá, hầu như sẽ không có gì khác biệt xảy ra cả” - ông Woodring nhấn mạnh.
Khác với các loại rác khác, tàn thuốc lá không có khả năng tái chế do chứa nhiều chất độc hoá học, hoặc có thể tái chế thành ghế ngồi công cộng, gỗ pallet dùng trong vận chuyển… nhưng tốn rất nhiều chi phí.
“Việc rửa tàn thuốc đủ sạch để tái chế là vô nghĩa về mặt kinh tế, thậm chí gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hơn” - bà Sommer cho biết.
Hiện nay, toàn thế giới đang hướng tới hệ thống luật EPR (buộc các nhà sản xuất phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình sau khi chúng được tiêu thụ) để giải quyết các vấn đề nan giải về môi trường. Trong đó, Pháp là nước đi tiên phong. Nếu không chủ động giải quyết vấn đề về môi trường phát sinh trong quá trình sản xuất, các doanh nghiệp của nước này sẽ phải đối mặt với pháp luật.
Hồi tháng 6/2019, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã ban hành chỉ thị về việc giảm tác động của một số sản phẩm nhựa đối với môi trường, trong đó có áp dụng EPR cho ngành công nghiệp thuốc lá từ năm 2024.