Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng ASEAN về rác thải biển
Ra quân “Chung tay hành động vì đại dương” tại biển Nguyễn Tất Thành (Đà Nẵng)
Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng ASEAN về rác thải biển là sự kiện cấp Bộ trưởng đầu tiên được nước chủ nhà Thái Lan - với vai trò làm Chủ tịch ASEAN năm 2019 đăng cai tổ chức với mục tiêu tăng cường hợp tác về giải quyết vấn đề rác thải biển trong khu vực ASEAN, chung tay hành động trên phạm vi toàn cầu ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm biển, thực hiện “thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự phát triển bền vững”.
Tham dự Hội nghị có đại diện 10 nước thành viên ASEAN, Tổng thư ký ASEAN. Trước Hội nghị Bộ trưởng có phiên họp của các quan chức cao cấp ASEAN và sau Hội nghị có phiên họp giữa Bộ trưởng các nước ASEAN với các đối tác, cụ thể với đại diện Liên minh Châu Âu (EU), các quốc gia: Thụy Điển, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Na Uy, các tổ chức quốc tế Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Chương trình môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã (WWF).
Tại phiên họp Bộ trưởng các nước ASEAN, các Bộ trưởng đã xem xét, thông qua hai văn kiện quan trọng về hợp tác khu vực chống rác thải biển, gồm có: Tuyên bố Băng Cốc về chống rác thải biển trong khu vực ASEAN và Khung hành động ASEAN về rác thải biển để trình các nguyên thủ các quốc gia thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 34 được tổ chức vào tháng 6 năm 2019 tại Thái Lan.
Trong phiên họp giữa Bộ trưởng các nước ASEAN với các đối tác, các Bộ trưởng đã thông báo cho các đối tác về kết quả của Hội nghị và đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các đối tác để hợp tác giải quyết vấn nạn rác thải biển trong khu vực.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Trần Quý Kiên đã nêu rõ: Rác thải biển nay đã trở thành vấn đề môi trường toàn cầu, ảnh hưởng đến môi trường, sinh thái, sức khỏe, cũng như phát triển kinh tế - xã hội. Vấn nạn này không thể một quốc gia nào có thể xử lý và giải quyết một mình, mà các quốc gia phải hợp tác, phối hợp chặt chẽ để cùng hành động.
Việt Nam đã có nhiều hành động cụ thể ở nhiều cấp độ, tham gia tích cực vào các khuôn khổ hợp tác quốc tế như tham gia và phê chuẩn các điều ước quốc tế về bảo vệ tài nguyên và kiểm soát môi trường biển, tích cực tham gia và đóng góp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế có liên quan thúc đẩy nỗ lực giải quyết vấn nạn rác thải nhựa đại dương. Năm 2018, Việt Nam đã đề xuất thiết lập Cơ chế hợp tác toàn cầu chống rác thải nhựa đại dương tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại Canada, xây dựng Quan hệ đối tác khu vực các biển Đông Á về chống rác thải nhựa đại dương tại Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) lần thứ 6 tại Đà Nẵng, thành lập Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa tại Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN tại Hà Nội; đầu năm 2019, đề xuất thiết lập Mạng lưới toàn cầu chia sẻ dữ liệu và thông tin sinh thái biển tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Đa vốt, Thụy Sỹ. Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước ASEAN và các đối tác để cùng chung tay giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương.