Tái chế chất thải nhựa, đưa sản phẩm thân thiện môi trường vào cuộc sống

29/10/2020 09:13 Công nghệ, thiết bị
Để nâng cao hiệu quả của ngành công nghiệp tái chế nhựa, đồng thời đưa các sản phẩm thân thiện môi trường vào cuộc sống cần phải có giải pháp đồng bộ đi từ ý thức của người dân đến trách nhiệm của doanh nghiệp tái chế và các cơ quan quản lý của nhà nước.
Tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, giảm thiểu chất thải nhựa

Sáng ngày 27/10, tại Hà Nội, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Sở Tài Nguyên & Môi trường (TN&MT) Hà Nội tổ chức Toạ đàm trực tuyến chủ đề “Công nghệ tái chế chất thải nhựa và các sản phẩm thân thiện môi trường”.

tai che chat thai nhua dua san pham than thien moi truong vao cuoc song
Hình ảnh tại buổi Tọa đàm.

Toạ đàm tập trung thảo luận về làm rõ thực trạng công nghệ tái chế chất thải nhựa hiện nay; đồng thời đề xuất các giải pháp đưa sản phẩm thân thiện môi trường vào cuộc sống hiệu quả.

Với mục tiêu giảm thiểu chất thải nhựa, thời gian qua, Sở TN&MT Hà Nội đã tham mưu UBND Thành phố ban hành các văn bản, công văn yêu cầu các sở, ban ngành về việc thực hiện các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa. Theo đó, từ ngày 01/11/2020, các cơ quan hành chính nhà nước, đoàn thể chính trị xã hội và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành phố phải gương mẫu, tích cực và đi đầu trong việc giảm thiểu chất thải nhựa; hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần; không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, bát, đũa nhựa… dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp và ngày lễ, ngày kỷ niệm và các sự kiện khác; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường...

Việc tái chế sẽ làm giảm lượng chất thải nhựa cần xử lý, giảm áp lực đối với vật liệu nhựa nguyên sinh giúp tiết kiệm tài nguyên không thể tái tạo là dầu mỏ, giảm sự tiêu thụ năng lượng và nước cũng như giảm phát thải các loại khí và hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất vật liệu nguyên sinh...; giải quyết hàng loạt các vấn đề môi trường như mất mỹ quan đô thị, tắc nghẽn cống rãnh, suy thoái đất...

Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, nếu sử dụng được nguồn nguyên liệu nhựa tái chế ở mức 35 - 50%/năm, các doanh nghiệp có thể giảm chi phí sản xuất hơn 15%. Như vậy, ngành Công nghiệp tái chế của Việt Nam hiện có tiềm năng rất lớn. Tuy nhiên, Công nghiệp tái chế nhựa của Việt Nam còn chưa đáp ứng được nhu cầu. Tại Việt Nam, số lượng các công ty xử lý rác của Việt Nam còn quá ít, dẫn tới sự lãng phí “tài nguyên rác” như hiện nay. Nguyên nhân là do việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn chưa được triển khai đồng bộ và hiệu quả; chưa có những cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư cần thiết và phù hợp để doanh nghiệp mạnh dạn tham gia đầu tư vào tái chế rác thải.

Do đó, công nghệ tái chế ở Việt Nam và Hà Nội chủ yếu là quy mô nhỏ, quy trình phổ biến là mang sản phẩm nhựa về ép ra sản phẩm mới, chưa có quy mô lớn.

Hiện chúng ta đang có 3 công nghệ tái chế chính. Công nghệ tốt nhất như các nước tiên tiến đang làm là thu gom, làm sạch, phân loại theo từng loại nhựa và chuyển hoá thành hoạt chất căn bản, ví như từ chai nước thành sợi polyester. Công nghệ tái chế thứ hai là làm sạch lại, băm ra thành mảnh nhựa nhỏ, nhựa nguyên sinh, sau đó cho vào máy đùn để ép ra sản phẩm khác. Nhưng rủi ro là với nhựa y tế, khi cho vào máy đun thì mức nhiệt không đủ để diệt hết vi trùng, mầm bệnh, nên cần có sự kiểm soát chặt. Công nghệ thứ 3 là biến chất thải nhựa thành một phần của vật liệu xây dựng, trong đó có bê tông, đang được áp dụng tại TP. Hồ Chí Minh.

Việt Hà
Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động