Tăng cường thực hiện tốt các quy định về quản lý chất thải tại các địa phương
Đồng Nai tăng cường các giải pháp thực hiện phân loại rác thải tại nguồn
Từ 15/02/2024, chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại tỉnh Đồng Nai phải phân loại tại nguồn thành 5 nhóm. Đó là quy định tại Quyết định số 04/2024/QĐ-UBND quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh vừa được ban hành mới đây.
Đồng Nai khuyến khích người dân và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện tốt phân loại chất thải tại nguồn |
Nhóm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế như: Giấy thải (sách, truyện, vở, báo cũ, giấy viết, thùng, bìa carton…); nhựa thải (Các loại ghế nhựa, thau, chậu nhựa; ly, cốc nhựa…); kim loại thải (xoong, nồi, niêu, ấm nước, bếp gas…); cao su (đồ chơi bằng cao su, săm, lốp…).
Nhóm chất thải thực phẩm: Thức ăn thừa, hư; vỏ trái cây, rau củ; bã trà, giấy ăn, hoa lá, xác động vật và các loại khác có tính chất, thành phần tương tự.
Nhóm chất thải cồng kềnh: Là vật dụng gia đình được thải bỏ có kích thước lớn như tủ, giường, nệm, bàn, ghế, gốc cây, thân cây, cành cây và vật dụng khác tương tự.
Nhóm chất thải nguy hại phát sinh trong hoạt động sinh hoạt: Pin, acquy, bình đựng hóa chất tẩy rửa, bình xịt côn trùng thải, bóng đèn huỳnh quang, bóng đèn điện tử, thiết bị điện tử, dược phẩm hết hạn và các loại thiết bị điện tử gia dụng không còn giá trị sử dụng.
Nhóm chất thải rắn sinh hoạt khác: Là các loại chất thải phát sinh trong hoạt động sinh hoạt mà hộ gia đình, cá nhân, tổ chức không xác định ở các loại chất thải trên.
Ở khu vực đô thị, chất thải rắn sinh hoạt chỉ được đặt, để bao bì có chứa chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác tại vị trí phù hợp cho việc thu gom của đơn vị nhận thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong khoảng thời gian từ 19h đến 22h vào các ngày theo hướng dẫn của Ủy ban nhân dân cấp xã (không tập kết thời điểm trời mưa, gần các hố ga thoát nước). Đối với các khu vực tại nông thôn thì thời gian, vị trí tập kết chất thải rắn sinh hoạt thực hiện theo kế hoạch, phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt của UBND cấp xã.
Hải Phòng với nhiều quy định mới về quản lý chất thải rắn
Năm 2024, thành phố Hải Phòng sẽ áp dụng quy định mới về quản lý chất thải rắn, với nguyên tắc coi chất thải là tài nguyên.
Thành phố Hải Phòng quy định việc lưu trữ chất thải rắn sinh hoạt được quy định tại nguồn sau phân loại phải được lưu chứa trong bao bì (túi) hoặc thiết bị lưu giữ (thùng) riêng biệt, có dấu hiệu nhận biết loại chất thải hoặc theo các quy định hiện hành của pháp luật.
Về lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt tại các khu vực công cộng: Tại công viên, khu vui chơi, giải trình, kinh doanh, dịch vụ tập trung, chợ, nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng, bến phà và những nơi phục vụ chung cho nhu cầu của nhiều người phải bố trí các thiết bị lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt có dán nhãn trên nắp thùng, trên thân thùng bằng chữ in cho 3 nhóm: chất thải có thể tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải sinh hoạt khác.
Khuyến khích bổ sung các chữ nhỏ hoặc hình ảnh liệt kê cơ bản các loại chất thải rắn sinh hoạt bên dưới các chữ chất thải có thể tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải sinh hoạt khác để thuận tiện cho việc người dân phân loại vào các thùng rác. Các thiết bị lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt phải có kích cỡ phù hợp với thời gian lưu giữ, đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và trật tự giao thông. Địa điểm, vị trí, khu vực bố trí các thiết bị lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại tại khu vực công cộng do UBND cấp huyện xác định, đảm bảo thuận tiện cho công tác thu gom, lưu giữ.
Các cá nhân, tổ chức để tồn đọng, phát sinh chất thải trên diện tích đất của mình phải chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển, phun khử mùi trong vòng 36 giờ từ khi có phản ánh hoặc yêu cầu của chính quyền địa phương. UBND cấp xã chịu trách nhiệm trước UBND cấp quận huyện nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
Các loại chất thải rắn xây dựng được vận chuyển đến khu tái chế, xử lý, tái sử dụng. Tuỳ theo tính chất, đặc điểm được tái chế phù hợp như bùn hữu cơ dùng để trồng cây, gạch vụn, bê tông, tấm tường, gạch lát dùng để san lấp. Chất thải không tái chế, tái sử dụng được thực hiện chôn lấp, xử lý tại các địa điểm đảm bảo các điều kiện về an toàn môi trường.
Thành phố đặc biệt khuyến khích việc ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường. Sau năm 2025, Hải Phòng sẽ không lưu hành, sử dụng sản phẩm nhựa, bao bì nhựa dùng một lần khó phân huỷ sinh học tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch…
Kiên Giang tăng cường quản lý chất thải y tế
Tỉnh Kiên Giang cũng vừa ban hành Quyết định số 06/2024/QĐ-UBND ngày 07/02/2024 của UBND quy định về quản lý chất thải y tế nguy hại, có hiệu lực từ ngày 20/2/2024. Quy định được áp dụng đối với cơ sở y tế bao gồm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế dự phòng, cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe, cơ sở nghiên cứu, xét nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định, thử nghiệm y, dược và có phát sinh chất thải y tế; các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động liên quan đến quản lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh.
Kiên Giang sẽ tăng cường nhiều giải pháp để kiểm tra, giám sát đảm bảo việc thực hiện quản lý chất thải y tế đúng quy định của pháp luật |
Trường hợp chất thải rắn y tế nguy hại được tự xử lý, thu hồi năng lượng tại cơ sở thì căn cứ vào công nghệ, kỹ thuật hiện có, chủ nguồn thải chất thải y tế nguy hại được lựa chọn phân loại hoặc không phân loại chất thải y tế nguy hại.
Việc xử lý chất thải rắn y tế nguy hại sẽ tập trung tại lò đốt chất thải y tế Plasma đặt tại xã Vĩnh Hoà Hiệp, huyện Châu Thành. Còn việc xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo mô hình cụm cơ sở y tế được phân rõ về cơ sở. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang thu gom và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại cho tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Rạch Giá, huyện Châu Thành, An Biên và giáp ranh (không bao gồm cơ sở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Tâm thần, Trung tâm Y học hạt nhân và Xạ trị).
Trung tâm Y tế thành phố Phú Quốc thu gom và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại cho tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố (không bao gồm cơ sở Vườn thú Vinpearl Safari Phú Quốc, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc).
Trường hợp công trình xử lý chất thải rắn y tế nguy hại của các cơ sở không đảm bảo hoặc có sự cố phát sinh chất thải tạm thời gây quá tải, chất thải y tế được vận chuyển về cơ sở xử lý tập trung theo quy định.
Thực hiện xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tại chỗ cho 9 cơ sở y tế thuộc các xã đảo gồm xã Hòn Tre, Lại Sơn, Nam Du và An Sơn thuộc huyện Kiên Hải; xã Sơn Hải và Hòn Nghệ thuộc huyện Kiên Lương; xã Tiên Hải thuộc thành phố Hà Tiên; xã Thổ Châu và phường An Thới thuộc thành phố Phú Quốc. Cơ sở tự xử lý chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh trong khuôn viên cơ sở phải đáp ứng yêu cầu theo quy định.