Thái Bình phát triển các khu, cụm cộng nghiệp theo hướng xanh hóa
Xu hướng chuyển đổi xanh
Đến nay 100% CCN có nhà đầu tư hạ tầng xây dựng trạm xử lý nước thải (Trong ảnh: Trạm xử lý nước thải CCN Đô Lương (Đông Hưng). |
Với mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, đồng bộ trên cả 3 phương diện kinh tế - xã hội - môi trường và 3 lĩnh vực trọng tâm công nghiệp - nông nghiệp - thương mại, dịch vụ; phấn đấu xây dựng Thái Bình đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng, vì vậy trong quá trình phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, tỉnh luôn quan tâm đến công tác BVMT.
Thái Bình chú trọng ưu tiên, thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ sạch thân thiện với môi trường; bố trí đầu tư các dự án vào khu, CCN bảo đảm phù hợp với tính chất, ngành nghề. Đến nay, 100% các KCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các doanh nghiệp trong KCN đã chủ động đấu nối nước thải sản xuất và sinh hoạt vào hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Ông Nguyễn Việt Hiệp, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần kỹ thuật công nghệ Green Eden, đơn vị vận hành trạm xử lý nước thải KCN Gia Lễ (Đông Hưng) cho biết: Hiện nay, 100% các doanh nghiệp đã đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải. Để đáp ứng được yêu cầu xử lý toàn bộ lượng nước thải phát sinh, trạm đã thực hiện nghiêm công nghệ xử lý hóa lý kết hợp vi sinh tự sinh, với dây chuyền công nghệ điều khiển tự động và bán tự động. Bên cạnh đó, trạm còn có các công trình phụ trợ bảo đảm theo đúng quy định. Đồng thời, phân công cán bộ, công nhân kỹ thuật trực 24/24h để theo dõi và khắc phục sự cố kịp thời trong quá trình vận hành. Nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn 40:2021/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi xả thải ra môi trường.
Hiện nay, 100% CCN trên địa bàn tỉnh có nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật phải hoàn thiện đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung trước khi thu hút các doanh nghiệp thứ cấp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. CCN Bình Minh do Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Thuận Cường làm chủ đầu tư với diện tích hơn 70ha, đến nay đã nhận bàn giao mặt bằng sạch, giai đoạn 1 là 40ha. Nhà đầu tư đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.
Ông Lương Văn Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Thuận Cường cho biết: Trong quá trình đầu tư xây dựng hạ tầng, Công ty xác định phải ưu tiên hạng mục trạm xử lý nước thải. Bởi, doanh nghiệp luôn tâm niệm BVMT xanh, sạch, đẹp là tiêu chí hàng đầu trong thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đầu tư và hoạt động tại CCN Vũ Ninh (Kiến Xương) gần 5 năm qua, Công ty TNHH Logitex chuyên sản xuất sợi luôn chú trọng công tác BVMT, xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp trong khuôn viên công ty. Ông Lương Phú Lâm, Công ty TNHH Logitex cho biết: Chúng tôi luôn chú trọng công tác BVMT, trong nhà máy luôn sạch sẽ, ngoài khuôn viên bảo đảm môi trường xanh, thân thiện. Công ty đã đầu tư khu xử lý nước thải riêng, đạt cột A theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Triển khai nhiều giải pháp
|
Thái Bình lấy công nghiệp làm nền tảng, là khâu đột phá, mà hạt nhân chính là xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, CCN gắn với đô thị hóa. Quan điểm nhất quán của tỉnh là gắn quy hoạch BVMT với các quy hoạch phát triển các khu, CCN. Qua đó góp phần phục vụ hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông Hoàng Văn Ngoạn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Với định hướng các dự án đầu tư vào tỉnh phải bảo đảm yêu cầu về BVMT, tỉnh yêu cầu các dự án trước khi được cấp phép xây dựng theo đúng quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt và đều hoàn tất quy định về báo cáo đánh giá tác động cũng như cam kết BVMT. Trong thu hút đầu tư, tỉnh ưu tiên những ngành công nghiệp sạch, ít ô nhiễm, bảo đảm cơ cấu ngành nghề phù hợp với khả năng và thực tế giải quyết ô nhiễm của các khu, CCN; thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo động lực phát triển các ngành kinh tế chủ lực của tỉnh.
Với vị trí đắc địa, hệ thống hạ tầng được quy hoạch đồng bộ và kết nối tốt, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, cởi mở, làm tốt công tác BVMT, huyện Hưng Hà đang là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà Nguyễn Minh Hiếu cho biết: Thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, Hưng Hà đặc biệt chú trọng công tác BVMT trên địa bàn toàn huyện nói chung và tại CCN nói riêng. Trong đó, ưu tiên thu hút những ngành công nghiệp sạch, ít ô nhiễm, bảo đảm cơ cấu ngành nghề phù hợp với khả năng và thực tế giải quyết ô nhiễm tại khu vực kinh tế này. Đến nay, huyện có 7/11 CCN đã được thành lập, trong đó 6 CCN được phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 với tổng diện tích 282,8ha, tỷ lệ lấp đầy đất công nghiệp đạt 52,17%. UBND huyện luôn quan tâm, phối hợp với các sở, ngành của tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về môi trường; ban hành nhiều văn bản thực hiện và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về BVMT. Thực hiện kiểm tra định kỳ, đột xuất các hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh về BVMT, kịp thời giải quyết khi có ý kiến của người dân liên quan đến việc xả thải của doanh nghiệp trong CCN. Hầu hết các nhà đầu tư thứ cấp chấp hành tốt các quy định về BVMT, thực hiện đúng cam kết BVMT.
Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, khả năng thích ứng với môi trường của của các cụm, KCN ở tỉnh Thái Bình gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ; đổi mới sáng tạo để phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số sẽ là lợi thế, tạo sự bứt phá để Thái Bình vươn lên, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.