Thanh Hóa: Nhiều mô hình sáng tạo bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp
Mô hình bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp
Trong những năm qua người dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học vào trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất cây trồng, giúp ngành nông nghiệp ngày càng phát triển. Nhưng việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và phân bón hóa học đã ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường mà giải pháp xử lý ở các địa phương lại chưa được đồng bộ, triệt để.
Để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, ngày 15/09/2016 UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch hành động số 135/KH- thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
Theo đó, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng được hơn 20.000 bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV; hỗ trợ xây dựng nhiều công trình khí sinh học, triển khai ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, thực hiện mô hình nhà lưới, sản xuất nông nghiệp theo quy trình Vietgap...
Thanh Hóa đã xây dựng được hơn 20.000 bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV để bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) tỉnh Thanh Hóa đã tích cực phối hợp với các địa phương tăng cường hướng dẫn người dân thực hiện quy trình sử dụng thuốc BVTV một cách khoa học, giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường tránh bạc màu đất, thông qua các chương trình, dự án như: Xây dựng nhiều mô hình chứa bao bì thuốc BVTV; Hỗ trợ xây dựng nhiều công trình khí sinh học, triển khai dự án ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi; Mô hình nhà lưới cùng nông dân bảo vệ môi trường… Sở cũng cũng tăng cường công tác tuyên truyền và hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ môi trường đất, tiết kiệm tài nguyên nước… trong sản xuất nông nghiệp.
Hiệu quả từ các mô hình bảo vệ môi trường
Sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, đến nay các địa phương trên địa bàn tỉnh đã áp dụng và nhân rộng nhiều mô hình để bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Các địa phương đã bố trí nguồn kinh phí để làm hoặc mua những thùng rác chứa đựng vỏ thuốc bảo vệ thực vật để người dân bỏ vào một cách thuận tiện.
Thông qua các buổi tập huấn, hội nghị, hội thảo, công tác tuyên truyền của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương người dân cũng đã dần nâng cao được nhận thức về cách bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Sau khi sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu người dân cũng đã tự giác bỏ vỏ thuốc vào thùng rác, không còn vứt bừa bãi ra ruộng như trước đây.
Bà N.T.L ở thôn Ninh Phú, xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Từ khi có thùng chứa rác được bố trí để ngoài đồng bà con chúng tôi cũng đã từ bỏ được thói quen vứt vỏ thuốc bảo vệ thực vật hay rác thải rải rác ra ruộng, trên đường, dưới kênh như trước, giờ đây mỗi khi ra ruộng tôi thấy đồng ruộng trở nên sạch sẽ hơn rất nhiều”.
Hay Ông Mai Văn Thông ở thôn Yên Lộc xã Nga Yên, huyện Nga Sơn đã áp dụng mô hình trồng dưa vàng trong nhà màng, nhà lưới thay thế cho các loại cây trồng khác. Mô hình này có hệ thống lưới bao quanh nên đã hạn chế được sâu bệnh ro do thời tiết gây và cản trở được sự xâm nhập của động vật giúp giảm tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không gây ảnh hưởng cho môi trường đất. Với hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới tự động giúp tiết kiệm được công lao động; tiết kiệm phân bón, từ đó giảm chi phí lao động và tăng năng suất cây trồng.
Mô hình trồng dưa vàng trong nhà màng, nhà kính giúp bảo vệ môi trường và mang lại giá trị kinh tế cao |
Hiện nay đã có nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa áp dụng phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái…..Những đổi mới, sáng tạo này đã góp phần giảm thiểu chi phí, bảo vệ môi trường, tránh độc hại cho người lao động nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe từ phía đơn vị liên kết, thị trường tiêu thụ.
Với những cách làm hay, sáng tạo và mang lại hiệu quả hữu hiệu từ các mô hình trên, trong thời gian tới Thanh Hóa sẽ ngày càng phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn gắn với công tác bảo vệ môi trường.