Thủ tướng yêu cầu đánh giá kết quả dự án làm sạch sông Tô Lịch

13/10/2019 15:05 Tác động môi trường
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch đánh giá thí điểm làm sạch sông Tô Lịch và một góc hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản.
Cá Koi Nhật Bản chết trên sông Tô Lịch Hà Nội chọn công nghệ xử lý nước Redoxy 3C Chủ tịch Hà Nội nói về việc làm sạch nước sông Tô Lịch

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và cảm ơn Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản đã triển khai tài trợ dự án thí điểm làm sạch này.

Thủ tướng giao UBND TP. Hà Nội chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng đánh giá kết quả dự án, đảm bảo khách quan, đề xuất cụ thể, xem xét nhân rộng nếu kết quả tốt và báo cáo Thủ tướng.

Trước đó, ngày 16/5, Hà Nội khởi động dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và góc hồ Tây bằng công nghệ Nano – Bioreactor, Công ty Cổ phần cải thiện Môi trường Nhật Việt (JVE) là đơn vị thực hiện dự án.

Ghi nhận thực tế sau một thời gian thử nghiệm công nghệ Nhật Bản trên một đoạn sông Tô Lịch, khu vực này đã có chuyển biến tích cực, nước trong hơn và mùi hôi thối giảm bớt.

thu tuong yeu cau danh gia ket qua du an lam sach song to lich
Khu vực sông Tô Lịch thử nghiệm công nghệ Nhật Bản Nano – Bioreactor

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về môi trường vẫn tỏ ra khá e ngại về khả năng “hồi sinh” sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản. Theo các chuyên gia, vấn đề then chốt đang “giết chết” sông Tô Lịch là nguồn nước thải chưa qua xử lý đang hằng ngày đổ vào dòng sông.

Thực tế, dọc sông Tô Lịch dài 14km, có khoảng 300 cống xả dọc theo dòng sông, hằng ngày ước tính sông phải nhận 150.000 m3. Trong số đó, không chỉ có nước thải sinh hoạt, thậm chí có cả nước thải công nghiệp ở một số làng nghề hoặc hộ sản xuất nhỏ lẻ.

Theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến -nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), để xử lý hoàn toàn tình trạng ô nhiễm trên sông Tô Lịch, quan trọng nhất là các giải pháp xử lý nguồn nước trước ống (nước xả thải trước khi đổ vào các cống xả ra môi trường). Khi chưa có giải pháp đồng bộ để xử lý nguồn nước trước khi xả ra sông, thì việc giải bài toán ô nhiễm sông Tô Lịch một cách triệt để là bài toán cực lỳ nan giải.

thu tuong yeu cau danh gia ket qua du an lam sach song to lich
Sông Tô Lịch dài 14km với hơn 300 cống xả, không chỉ có nước thải sinh hoạt mà cả có cả nước xả công nghiệp ở một số làng nghề hoặc hộ sản xuất nhỏ lẻ.

Cũng liên quan đến vấn đề nguồn nước thải xả ra sông Tô Lịch, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội hôm 13/8, Giám đốc Công ty thoát nước Hà Nội Võ Tiến Hùng cũng cho rằng, phương án “tối ưu” nhất cho bài toán “hồi sinh” sông Tô Lịch, đó là tách nước thải để không cho chảy vào sông.

Ông Hùng cho biết, trong lúc chờ đợi tách được nước thải ra, thì thành phố vẫn tiếp tục bổ cập nước vào hồ Tây rồi từ hồ Tây cho chảy ra sông Tô Lịch để làm loãng nước sông trước khi chảy về vùng hạ lưu.

Về kinh phí để thực hiện giải pháp này, ông Võ Tiến Hùng cho biết, hiện đang xây dựng, đang đề xuất phương án. Dự kiến khoảng 150 tỉ. Đây là phương án chúng tôi đánh giá là rẻ nhất và tối ưu nhất.

Đánh giá về công nghệ Nano - Bioreactor do công ty JVE thực hiện thí điểm, ông Hùng nói: "Đối với công nghệ Nano - Bioreactor, hiện nay phía Nhật đang thử nghiệm, do vậy chất lượng, giá thành chưa biết".

"Từ 2018- 2019, Hà Nội đã giao công ty tiếp 5 đoàn có đề xuất, nghiên cứu, đánh giá, thí điểm ô nhiễm trên các sông hồ và Thành phố đã tạo điều kiện tối đa, tuy nhiên các kết quả chưa đạt yêu cầu. Do vậy, việc so sánh, đánh giá phải đợi kết quả" - ông Hùng nói thêm.

Trần Giang
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động