Thực trạng môi trường tỉnh Bắc Ninh

23/01/2020 10:00 Địa phương
Trong những năm qua, với sự cố gắng của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân, công tác bảo vệ môi trường của tỉnh đã đạt được những thành tích nhất định góp phần kiềm chế tốc độ gia tăng ô nhiễm, chất lượng môi trường đang được cải thiện, từng bước giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc, đóng góp tích cực, quan trọng cho công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Bài toán xử lý chất thải sinh hoạt của tỉnh Bắc Ninh

1. Tình hình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Hiện nay, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 870 tấn/ngày đêm và mỗi năm tăng thêm khoảng 10%, trong đó: Thành phố Bắc Ninh 150 tấn/ngày đêm, huyện Quế Võ 100 tấn/ngày đêm, huyện Thuận Thành 100 tấn/ngày đêm, huyện Gia Bình 60 tấn/ngày đêm, Thị xã Từ Sơn 150 tấn/ngày đêm , huyện Tiên Du 100 tấn/ngày đêm, huyện Yên Phong 150 tấn/ngày đêm, huyện Lương Tài 60 tấn/ngày đêm.

thuc trang moi truong tinh bac ninh
Tỉnh Bắc Ninh đã đầu tư xây dựng 550 điểm tập kết chất thải sinh hoạt tại các thôn.

Thực hiện Quyết định số 595/2013/QĐ-UBND ngày 31/12/2013 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc phê duyệt Đề án Phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2013 – 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Kế hoạch số 04/KH-TNMT ngày 15/4/2014 về việc triển khai thí điểm 02 mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn đô thị (Phường Ninh xá, thành phố Bắc Ninh) và địa bàn nông thôn (xã Cao Đức, huyện Gia Bình). Quá trình triển khai thực hiện bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên còn nhiều tồn tại, bất cập như: còn một bộ phận hộ gia đình chưa thực hiện tốt việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; còn giữ thói quen vứt chất thải tùy tiện hoặc sử dụng các thùng phân loại chất thải sinh hoạt được phát vào các mục đích khác; chất thải sau khi phân loại không được thu gom, vận chuyển riêng mà được thu gom, vận chuyển chung một phương tiện,…dẫn đến hiệu quả của việc phân loại chưa cao.

Ngày 19/9/2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 325/KH-UBND về việc triển khai phân loại, xử lý chất thải hữu cơ tại hộ gia đình trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019-2022 nhằm thực hiện có hiệu quả việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, giảm khối lượng chất thải sinh hoạt phát sinh từ các hộ gia đình phải vận chuyển, xử lý; đồng thời tăng cường tái sử dụng chất thải hữu cơ, tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng. Hiện tại, hoạt động phân loại đang được triển khai thí điểm tại xã Lâm Thao, huyện Lương Tài và xã Liên Bão, huyện Tiên Du.

Trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 550 điểm tập kết chất thải sinh hoạt tại các thôn; 100% các địa phương đã thành lập được các tổ, đội thu gom chất thải từ hộ gia đình đến điểm tập kết (tổng số tổ thu gom là 826 tổ, trong đó khu vực nông thôn là 635 tổ, mỗi tổ từ 3-5 người). Toàn tỉnh hiện có 89.487 hộ đô thị và 250.832 hộ nông thôn, do đó mỗi tổ viên tổ vệ sinh sẽ phụ trách trung bình khoảng 164 hộ, có 08 đơn vị thực hiện việc vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ điểm tập kết về các khu xử lý chất thải tập trung cấp huyện với tổng số 31 xe chuyên dụng, các xe đều đã được gắn các thiết bị GPS để theo dõi, kiểm soát lộ trình thu gom. Tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt toàn tỉnh đạt trên 90%.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác xử lý chất thải, Tỉnh đã thu hút các nhà đầu tư triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động 03 khu xử lý tập trung và 10 lò đốt chất thải sinh hoạt tại các địa phương, đồng thời cấp chủ trương đầu tư cho 02 dự án xử lý chất thải sinh hoạt tập trung công nghệ cao phát năng lượng, hiện tại tỷ lệ xử lý chất thải sinh hoạt toàn tỉnh ước đạt khoảng 64%, cụ thể: Khu xử lý chất thải tại xã Phù Lãng, huyện Quế Võ: Hiện tại có nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt thuộc Công ty TNHH Môi trường đô thị Hùng Phát với công suất thiết kế là 300 tấn/ngày đêm đang xử lý cho thành phố Bắc Ninh và huyện Quế Võ (công suất hoạt động là 250 tấn/ngày đêm). Ngoài ra, UBND tỉnh đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư đối với 02 dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng: Quyết định chủ trương đầu tư số 547/QĐ-UBND ngày 12/10/2017 đối với dự án “Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng” thuộc Công ty Cổ phần môi trường Năng lượng Thăng Long, công suất xử lý 500 tấn/ngày đêm. Dự án đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý (báo cáo ĐTM, thẩm định công nghệ, quyết định giao đất...), đang xin cấp phép xây dựng; dự kiến tháng 4/2020 sẽ đi vào hoạt động; Quyết định chủ trương đầu tư số 154/QĐ-UBND ngày 22/3/2018 đối với dự án “Đầu tư xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải công nghiệp, chất thải rắn sinh hoạt phát điện” thuộc Công ty TNHH Môi trường Ngôi Sao Xanh, công suất xử lý 800 tấn/ngày đêm (công nghiệp 400 tấn/ngày đêm, sinh hoạt 400 tấn/ngày đêm). Tuy nhiên, ngày 04/3/2019 Công ty có Văn bản đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh công suất xử lý chất thải sinh hoạt tại xã Phù Lãng, huyện Quế Võ giảm xuống còn 100 tấn/ngày đêm. Dự án đang trong quá trình hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục pháp lý (thẩm định công nghệ, xin cấp phép xây dựng,...); dự kiến tháng 6/2019 sẽ khởi công và tháng 9/2020 sẽ đi vào hoạt động.

Khu xử lý chất thải tại xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành: Hiện có nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt thuộc Công ty Cổ phần Môi trường Thuận Thành với công suất thiết kế là 200 tấn/ngày đêm đang xử lý cho toàn bộ địa bàn huyện Thuận Thành (công suất hoạt động là 100 tấn/ngày đêm). Ngoài ra, Tỉnh đang có chủ trương đầu tư nhà máy xử lý chất thải hoạt công nghệ cao phát năng lượng công suất 300 tấn/ngày đêm tại xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, dự kiến tháng 9 năm 2019 khởi công và tháng 11 năm 2020 sẽ đi vào hoạt động.

Khu xử lý chất thải tại xã Cao Đức, huyện Gia Bình: Hiện có Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt thuộc Công ty Cổ phần Môi trường và Đầu tư Xây dựng Bắc Hải với công suất thiết kế 70 tấn/ngày đêm đang xử lý cho toàn bộ địa bàn huyện Gia Bình (công suất hoạt động là 60 tấn/ngày đêm).

Đối với thị xã Từ Sơn: Hiện tại có 06 lò đốt đang hoạt động, trong đó: tại xã Phù Khê có 02 lò đốt với tổng công suất thiết kế là 66 tấn/ngày đêm (đang hoạt động 01 lò công suất thiết kế là 48 tấn/ngày đêm, công suất hoạt động là 20 tấn/ngày đêm); tại phường Châu Khê có 01 lò đốt công suất thiết kế là 48 tấn/ngày đêm (công suất hoạt động là 20 tấn/ngày đêm); tại phường Đình Bảng có 03 lò đốt với tổng công suất thiết kế là 64 tấn/ngày đêm (công suất hoạt động là 12 tấn/ngày đêm). Chất thải sinh hoạt của các xã/phường khác đang lưu giữ và xử lý tạm thời tại các điểm tập kết.

Thực hiện Văn bản số 801/UBND-NN.TN ngày 26/3/2018 của UBND tỉnh về việc xử lý chất thải sinh hoạt, thị xã Từ Sơn đang cho triển khai bổ sung thêm 04 lò đốt. Tiến độ như sau: Tại phường Đồng Nguyên: Đã được UBND thị xã giao Nhà đầu tư xây dựng lò đốt là Công ty TNHH xử lý môi trường Từ Sơn tại văn bản số 538/UBND-XDCB ngày 12/9/2018; Hiện nay, Nhà đầu tư đã hoàn thiện quá trình xây lắp hệ thống lò đốt với công suất 48 tấn/ngày đêm. Tại xã Hương Mạc: Đã được UBND thị xã giao Nhà đầu tư xây dựng lò đốt là Công ty TNHH môi trường đô thị Hương Mạc tại văn bản số 687/UBND-XDCB ngày 06/11/2018; Hiện nay, Nhà đầu tư đã thi công hoàn thành hạng mục san nền, đang tập trung thiết bị và vật liệu cần thiết để lắp đặt hệ thống lò đốt chất thải với công suất 60 tấn/ngày đêm; dự kiến trong tháng 6/2019 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tại xã Tam Sơn: Đã có Nhà đầu tư là Công ty Môi trường đô thị Từ Sơn (TNHH) đề xuất việc đầu tư xây dựng lò đốt với công suất dự kiến 60 tấn/ngày; Tuy nhiên vẫn chưa được triển khai thực hiện do người dân địa phương không đồng tình ủng hộ xây dựng tại vị trí trên. Nguyên nhân là do tâm lý người dân thôn Thọ Trai nói riêng và xã Tam Sơn nói chung không đồng ý xây dựng lò đốt tại địa phương; đồng thời lo ngại việc xây dựng cơ sở tại vị trí trên sẽ xử lý chất thải của các địa phương khác. Tại xã Tương Giang: Không triển khai do nằm trong quy hoạch khu đô thị FLC Bắc Ninh. Hiện nay UBND thị xã đang lựa chọn địa điểm khác để triển khai.

Đối với huyện Tiên Du: Hiện tại có 01 lò đốt VINABIMA thuộc Công ty TNHH Tân Trường Lộc tại thị trấn Lim, huyện Tiên Du với công suất thiết kế là 36 tấn/ngày đêm đang xử lý cho thị trấn Lim (công suất hoạt động là 24 tấn/ngày đêm); chất thải sinh hoạt của các xã còn lại hiện đang được lưu giữ và xử lý tại các điểm tập kết; Thực hiện Văn bản số 801/UBND-NN.TN ngày 26/3/2018 của UBND tỉnh về việc xử lý chất thải sinh hoạt tại thị xã Từ Sơn và huyện Tiên Du, huyện Tiên Du đang cho triển khai bổ sung thêm 04 lò đốt tại xã Hiên Vân, xã Liên Bão, xã Tri Phương và xã Minh Đạo. Tiến độ hiện nay: Tại xã Hiên Vân: Hiện đang trình hồ sơ đề nghị UBND tỉnh thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường. Tại xã Liên Bão: Đã thẩm định phương án bồi thường và ra Quyết định thu hồi, phê duyệt phương án bồi thường. Tại xã Tri Phương: UBND huyện đã ra Quyết định thu hồi đến từng hộ; đã ban hành Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, đã chi trả xong tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Tại xã Minh Đạo: Đã đo đạc bản đồ, đang lập hồ sơ thu hồi đất và bồi thường hỗ trợ, hiện nay đang dừng do người dân phản đối.

Đối với huyện Yên Phong: Hiện tại có 03 lò đốt với tổng công suất thiết kế là 52 tấn/ngày đêm tại Thị trấn Chờ (công suất hoạt động là 35 tấn/ngày đêm); các xã còn lại hiện được lưu giữ và xử lý tạm thời tại các điểm tập kết. Khu xử lý chất thải tập trung của huyện đã thực hiện xong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và lựa chọn được nhà đầu tư. Tuy nhiên chưa triển khai thi công được do người dân chưa đồng thuận, dự án đường vào khu xử lý chưa thực hiện giải phóng mặt bằng xong.

Đối với huyện Lương Tài: Hiện chất thải đang được lưu giữ, xử lý tạm thời tại các điểm tập kết. Khu xử lý chất thải tập trung của huyện đã thực hiện xong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và đang lựa chọn nhà đầu tư để triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng.

Như vậy, từ năm 2021 trở đi, khi các Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt tập trung công nghệ cao phát năng lượng đi vào hoạt động sẽ đảm bảo xử lý cơ bản chất thải phát sinh trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để xử lý cấp bách rác thải sinh hoạt của các địa phương chưa có khu xử lý tập trung trong thời gian từ nay đến tháng 12 năm 2020, cần thiết phải tập trung thực hiện các giải pháp về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, sử dụng hiệu quả các điểm tập kết, các lò đốt hiện đang hoạt động và đầu tư các lò đốt rác tại các địa phương.

Tại các điểm tập kết của các huyện chưa có khu xử lý chất thải tập trung hầu hết đều bị quá tải, chất thải tràn ra ngoài mặc dù chính quyền địa phương đã có những nỗ lực bằng các biện pháp như phun chế phẩm sinh học và đánh đống để giảm bớt mùi và tăng diện tích sử dụng. Tổng lượng chất thải sinh hoạt tồn đọng tính đến thời điểm hiện tại ước tính khoảng 150.000 tấn (huyện Yên Phong khoảng 60.000 tấn, huyện Lương Tài khoảng 20.000 tấn, huyện Tiên Du khoảng 40.000 tấn, thị xã Từ Sơn khoảng 30.000 tấn).

Một số nơi do đường vào các bãi tập kết khó khăn, mặt khác do ý thức của một bộ phận người dân chưa tốt nên họ đổ bừa bãi ra ven đường, khu đất trống tạo thành các bãi chất thải tự phát gây mất mỹ quan và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, nhất là ở các vùng có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh như thị xã Từ Sơn, huyện Yên Phong và huyện Tiên Du.

Công tác thu giá dịch vụ thu gom: Căn cứ Quyết định số 40/2017/QĐ-UBND ngày 27/12/2017 của UBND tỉnh về việc quy định mức giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt đến điểm tập kết trên địa bàn tỉnh, các địa phương đang triển khai việc thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển trên địa bàn để chi trả cho các tổ đội vệ sinh. Tuy nhiên quá trình triển khai tại từng địa phương không đồng nhất, có những địa phương triển khai thu theo hộ, có địa phương triển khai thu theo khẩu, ngoài ra theo báo cáo một số địa phương mức thu không đủ theo Quyết định số 40/2017/QĐ-UBND nên không đáp ứng được nhu cầu cho người lao động trong các Tổ, Đội thu gom (mức thu nhập tại huyện Lương Tài trung bình khoảng 810.000 đồng/người/tháng, huyện Gia Bình khoảng 1.470.000 đồng/người/tháng, huyện Tiên Du khoảng 2.000.000 đồng/người/tháng).

Kết quả công tác thu, chi giá dịch vụ thu gom chất thải sinh hoạt tại các địa phương trong năm 2018: Tổng thu là 62 tỷ đồng, tổng chi là 67,43 tỷ đồng, cụ thể:

- Thành phố Bắc Ninh: Thu khoảng 10,73 tỷ đồng, chi khoảng 16,47 tỷ đồng.

- Huyện Quế Võ: Thu khoảng 7,01 tỷ đồng, chi khoảng 7,07 tỷ đồng.

- Huyện Gia Bình: Thu khoảng 3,47 tỷ, chi khoảng 3,52 tỷ đồng.

- Thị xã Từ Sơn: Thu khoảng 12,54 tỷ, chi khoảng 12,39 tỷ đồng.

- Huyện Tiên Du: Thu khoảng 5,55 tỷ, chi khoảng 5,35 tỷ đồng.

- Huyện Yên Phong: Thu khoảng 12,35 tỷ đồng, chi khoảng 12,35 tỷ đồng.

- Huyện Thuận Thành: Thu khoảng 6,88 tỷ đồng, chi khoảng 6,81 tỷ đồng

- Huyện Lương Tài: Thu khoảng 3,47 tỷ đồng, chi khoảng 3,47 tỷ đồng.

Kinh phí cho hoạt động vận chuyển, xử lý: Hiện nay, Nhà nước đang hỗ trợ 100% kinh phí cho hoạt động vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ điểm tập kết đến các khu xử lý chất thải tập trung. Từ 2015 đến hết năm 2018, tổng kinh phí hỗ trợ cho hoạt động vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh khoảng 471,738 tỷ đồng, trong đó:

- Năm 2015 là 116,365 tỷ đồng.

- Năm 2016 là 127,29 tỷ đồng.

- Năm 2017 là 92,219 tỷ đồng.

- Năm 2018 là 135,864 tỷ đồng.

Kinh phí cho đầu tư khu xử lý và lò đốt chất thải sinh hoạt: Tính đến thời điểm hiện tại, các khu xử lý tập trung và lò đốt công suất nhỏ trên địa bàn tỉnh được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, tổng kinh phí đầu tư là 589,5 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đầu tư đường vào là 209,5 tỷ đồng. Doanh nghiệp xây dựng nhà máy và tổ chức quản lý, vận hành là 380 tỷ đồng.

2. Môi trường làng nghề

thuc trang moi truong tinh bac ninh

Môi trường không khí tại một số khu vực làng nghề bị ô nhiễm nặng do nồng độ bụi, khí thải, mùi, tiếng ồn và nhiệt độ cao từ các xưởng sản xuất và các hoạt động vận tải.

Tỉnh Bắc Ninh hiện có 62 làng nghề, trong những năm qua việc phát triển làng nghề đã làm cho đời sống của nhân dân ngày được cải thiện và nâng cao, hoạt động sản xuất của các làng nghề đã góp phần rất lớn trong việc giải quyết công ăn việc làm, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân trong tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các làng nghề ở Bắc Ninh chưa được quy hoạch, vẫn còn mang tính tự phát, công nghệ lạc hậu, nguyên liệu chủ yếu là phế liệu, sản xuất thủ công là chính, nên sản phẩm đơn giản, năng suất, chất lượng chưa cao. Bên cạnh đó, hầu hết các làng nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đều chưa đáp ứng được các điều kiện về Bảo vệ môi trường theo quy định, các cơ sở sản xuất trực tiếp trong các làng nghề cơ bản đều không đầu tư xây dựng các công trình xử lý đối với các loại chất thải phát sinh, có những khu vực đã được đầu tư công trình xử lý nhưng lại không vận hành thường xuyên, vì vậy môi trường tại một số làng nghề đã ô nhiễm nghiêm trọng, kết quả phân tích chất lượng nước, không khí tại một số làng nghề vượt Quy chuẩn Việt Nam cho phép nhiều lần.

Môi trường không khí tại một số khu vực làng nghề bị ô nhiễm nặng do nồng độ bụi, khí thải, mùi, tiếng ồn và nhiệt độ cao từ các xưởng sản xuất và các hoạt động vận tải. Các số liệu quan trắc môi trường trong các làng nghề sản xuất sắt thép và giấy cho thấy: Nồng độ bụi, khí độc (khí thải, hơi hoá chất …) cao hơn mức cho phép đối với khu dân cư nhiều lần. Như tại làng nghề Phong Khê kết quả phân tích các mẫu không khí cho thấy, hàm lượng bụi vượt quy chuẩn cho phép từ 2,05 - 2,14 lần, hàm lượng SO2 vượt quy chuẩn cho phép từ 1,38 - 1,39 lần; tại Châu Khê, hàm lượng bụi vượt Quy chuẩn cho phép từ 1,8 - 1,9 lần, hàm lượng SO2 vượt Quy chuẩn cho phép từ 1,4- 2 lần.

Qua kết quả phân tích chất lượng nước tại một số làng nghề giấy Phong Khê, Bún bánh Khắc Niệm, Giấy Phú Lâm... cho thấy tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, các mẫu nước mặt, nước thải, nước ngầm đều có dấu hiệu bị ô nhiễm với các mức độ khác nhau, có những mẫu vượt QCVN cho phép hàng chục lần. Nước thải của các cơ sở sản xuất ở các làng nghề cơ bản đều không được xử lý, thải thẳng vào hệ thống thuỷ nông.

Chất thải của các làng nghề, trong đó có chất thải nguy hại được thu gom cùng với chất thải sinh hoạt, đặc biệt có làng nghề chất thải phát sinh được đổ tại khu vực trũng như ao, hồ, ven sông… sau đó được đốt cháy tự nhiên đã làm ô nhiễm môi trường nước mặt, nước ngầm, đất và không khí của khu vực, điển hình như làng nghề tái chế nhôm Văn Môn, làng nghề giấy Phong Khê.

Hiện tại làng nghề sản xuất giấy Phong Khê đã được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (giai đoạn 1) với công suất 5.000 m3/ngày.đêm và đang trong quá trình vận hành thử nghiệm; làng nghề bún Khắc Niệm đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất 400 m3/ngày đêm, tuy nhiên hiệu quả xử lý chưa đáp ứng theo quy định và UBND thành phố đang tiến hành việc cải tạo.

3. Môi trường khu vực nông thôn

Theo số liệu đề án điều tra trên địa bàn toàn tỉnh có 14.025 ao, phần lớn tập trung ở 97 xã khu vực nông thôn (13.310 ao). Kết quả đánh giá chất lượng các thành phần môi trường cho thấy môi trường nước mặt tại các ao, hồ ở khu vực nông thôn cơ bản đều bị ô nhiễm một số chỉ tiêu đặc trưng như: DO, BOD5, COD, TSS, Fe, nitrite, photphat, amoni; môi trường nước dưới đất của hầu hết các khu vực nông thôn đều bị ô nhiễm một số chỉ tiêu đặc trưng như: Fe, mangan, độ cứng, clorrua, trong đó một số khu vực như huyện Gia Bình, huyện Quế Võ, huyện Tiên Du, huyện Yên Phong, huyện Thuận Thành, TX Từ Sơn bị ô nhiễm nặng chỉ tiêu sắt và mangan; chất lượng môi trường nước tại hầu hết các con sông trên địa bàn tỉnh hiện cũng có những dấu hiệu bị ô nhiễm, điển hình như sông Ngũ Huyện Khê, sông Tào Khê, sông Cầu…, kết quả quan trắc tại cầu Đào Xá và cống Vạn An thuộc lưu vực sông Ngũ Huyện Khê đều có các thông số COD, TSS, Amoni vượt Quy chuẩn cho phép, có thời điểm có thông số Amoni vượt Quy chuẩn cho phép 33,79 lần; các vị trí lấy mẫu trên lưu vực sông Cầu đều có sự ô nhiễm thông số amoni, ô nhiễm cao nhất tại vị trí gần khu di tích khu vực làng Đại Lâm, vượt quy chuẩn cho phép 10,14 lần; chất lượng môi trường nước mặt tại khu vực sông Tào Khê và kênh Kim Đôi tại các vị trí lấy mẫu đều có hàm lượng COD, TSS, Amoni vượt Quy chuẩn cho phép, tại Cầu Ngà có thông số COD vượt QCCP 3,18 lần; môi trường đất tại khu vực nông thôn chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm, tuy nhiên hàm lượng các kim loại nặng có xu hướng gia tăng nhẹ; môi trường không khí khu vực nông thôn hiện nay tại một số địa phương cơ bản đảm bảo, nhiều vùng chưa có dấu hiệu ô nhiễm, hiện tượng ô nhiễm không khí cục bộ thường xuất hiện ở một số khu vực đang diễn ra hoạt động nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn hoặc quá trình đun đốt phế phẩm nông nghiệp (rơm, rạ…).

Chất thải chăn nuôi là một trong những nguồn gây ô nhiễm lớn nhất ở khu vực nông thôn. Hiện nay, ở nhiều địa phương, hoạt động chăn nuôi ở quy mô hộ gia đình hoặc trang trại cỡ nhỏ là chủ yếu (trên 50.000 hộ). Tổng khối lượng chất thải chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ước tính khoảng 2.175 tấn/ngày. Hiện nay, tuy đã có chính sách hỗ trợ các hộ chăn nuôi đầu tư hệ thống xử lý chất thải nhưng lượng chất thải chăn nuôi được xử lý còn rất hạn chế. khoảng 955 tấn/ngày, đạt 43,9%.

Bao bì, chai lọ hóa chất bảo vệ thực vật là nguồn chất thải thuộc danh mục độc hại cần thu gom, xử lý đúng quy định. Hàng năm, trên địa bàn tỉnh thải ra môi trường 16.894 kg bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Công tác thu gom, xử hiện nay hầu như chưa đảm bảo an toàn, hợp vệ sinh, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi thu gom cùng với bao bì phân bón hóa học thường được đem đốt hoặc được thu gom chung với rác thải sinh hoạt. Các huyện Yên Phong, Lương Tài đã xây dựng một số bể thu gom trên các cánh đồng từ nguồn hỗ trợ của các dự án nông nghiệp; một số địa phương như Quế Võ, Yên Phong, Lương Tài có phong trào thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật nhưng do chưa bố trí được kinh phí nên việc thu gom và xử lý còn nhiều hạn chế.

Trong hoạt động trồng trọt, ngoài chất thải là các bao bì hóa chất bảo vệ thực vật thì chất thải là rơm rạ, thân các loài cây lương thực sau thu hoạch cũng chiếm tỷ trọng khá lớn. Tại hầu hết các địa phương, các loại chất thải này không được tái sử dụng, thường được đổ thải và đốt ngay trên đồng ruộng, đặc biệt vào những thời điểm mùa thu hoạch, việc đốt tập trung một khối lượng lớn rơm rạ đã gây hiện tượng khói mù, ô nhiễm môi trường không khí cho các vùng lân cận.

4. Môi trường Khu công nghiệp (KCN)

Bắc Ninh hiện có tổng số 16 KCN tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung, trong đó 10 KCN đã đi vào hoạt động. Tỷ lệ lấp đầy trên diện tích đất quy hoạch đạt 62,9%, trên diện tích đất thu hồi 88,01%. Đến nay, 09 KCN cơ bản đã thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường nói chung và xử lý nước thải nói riêng, chủ đầu tư hạ tầng KCN đã triển khai đồng bộ hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường (hệ thống thu gom và thoát nước mưa, nước thải, nhà máy xử lý nước thải tập trung...), còn 01 KCN Hanaka chưa hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định (hiện tại đang trong quá trình khởi công xây dựng, cam kết hoàn thành và đi vào hoạt động trong quý I năm 2019); 08 KCN đã lắp đặt hệ thống quan trắc, giám sát môi trường tự động để theo dõi thường xuyên, liên tục chất lượng nước thải trước khi xả ra ngoài môi trường (KCN Quế Võ 3 đang hoàn thiện việc lắp đặt và KCN Hanaka chưa xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải tập trung). Cơ bản các doanh nghiệp thứ cấp đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải sơ bộ đạt tiêu chuẩn xả thải của KCN, đấu nối với hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN để xử lý đạt Quy chuẩn Việt Nam trước khi xả ra môi trường. Tuy nhiên vẫn còn một số doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, chậm đầu tư các hệ thống xử lý nước thải, khí thải theo quy định, xả nước thải, khí thải vượt Tiêu chuẩn môi trường cho phép, trong đó có cả những doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

5. Môi trường Cụm công nghiệp (CCN)

Trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch 32 CCN với tổng diện tích 864,89 ha. Trong đó có 22 CCN đã đi vào hoạt động và 10 CCN đang đầu tư xây dựng hạ tầng, chưa có doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh. Có 16 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng; 10 CCN do Ban quản lý các KCN cấp huyện làm chủ đầu tư.

Hiện tại chỉ có CCN Đông Thọ và CCN Tân Chi đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đáp ứng yêu cầu về việc tiếp nhận và xử lý nước thải từ các doanh nghiệp thứ cấp, CCN Phong Khê I được đấu vào Hệ thống xử lý nước thải làng nghề giấy Phong Khê.

Sự phát triển chưa đồng bộ của các CCN về cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng đến các biện pháp bảo vệ môi trường dẫn đến áp lực về việc kiểm soát nguồn thải (nước thải, khí thải, chất thải rắn), đây chính là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Kết quả quan trắc chất lượng môi trường tại các CCN trong những năm qua cho thấy ô nhiễm môi trường không khí tập trung chủ yếu tại các CCN làng nghề tái chế như Phong Khê, Đại Bái, Châu Khê,...Nguyên nhân là do các cơ sở sản xuất sử dụng nguyên liệu sản xuất là phế liệu (giấy, sắt, thép vụn...), công nghệ sản xuất lạc hậu, không đầu tư các biện pháp xử lý bụi, khí thải phát sinh; nước thải tại các CCN hầu hết đều không được thu gom và xử lý dẫn đến nhiều chỉ tiêu phân tích có giá trị vượt quy chuẩn Việt Nam cho phép nhiều lần, điển hình là các chỉ tiêu BOD5, COD, Sunfua, tổng Nitơ, Coliform và Amoni.

6. Môi trường khu đô thị

Hiện tại, tổng lượng nước thải tại các khu vực đô thị, thị trấn trên địa bàn tỉnh ước tính khoảng 120.000 m3/ngày đêm tập trung chính ở thành phố Bắc Ninh và thị xã Từ Sơn.Theo kết quả quan trắc phân tích nước thải tại các vị trí đặc trưng của các khu đô thị trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cho thấy nước thải tại các đô thị chưa có hệ thống xử lý tập trung có nhiều chỉ tiêu có giá trị vượt quy chuẩn Việt Nam cho phép nhiều lần. Trên địa bàn tỉnh hiện nay chỉ có 02 khu đô thị là thành phố Bắc Ninh và thị xã Từ Sơn đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, cụ thể: Hệ thống xử lý nước thải tập trung của thành phố Bắc Ninh có công suất 28.000 m3/ngày đêm (tại xã Kim Chân), hệ thống xử lý nước thải tập trung của thị xã Từ Sơn (tại phường Châu Khê) có công suất 33.000 m3/ngày đêm, hiện tại các hệ thống đang được vận hành ổn định.

Môi trường bụi, không khí tại các đô thị có áp lực chủ yếu do hoạt động giao thông vận tải, xây dựng, các cơ sở sản xuất công nghiệp nội đô, hoạt động đun nấu, sinh hoạt của dân cư và các nguồn ô nhiễm từ ngoại thành chuyển vào. Ô nhiễm không khí do bụi vẫn là vấn đề nổi cộm nhất ở các đô thị, nồng độ bụi trong không khí ở đô thị thay đổi qua các tháng trong năm, theo diễn biến mùa, quy luật trong ngày và theo vị trí cụ thể, thể hiện rõ nhất tại các khu vực gần trục giao thông. Tiếng ồn đô thị chủ yếu phát sinh từ hoạt động giao thông, mức ồn lớn thường được ghi nhận trên các trục giao thông. Theo kết quả mạng quan trắc, giám sát môi trường định kỳ, một số khu vực đô thị cũng đã có những dấu hiệu ô nhiễm do bụi tại một số thời điểm.

Tình hình phát sinh, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn xây dựng, bùn bể phốt hiện tại đang còn nhiều tồn tại, bất cập, các đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom vận chuyển chất thải rắn xây dựng, hút bùn bể phốt hoạt động một cách tự phát và chưa có cơ chế quản lý chặt chẽ đối với loại hình dịch vụ này, các loại chất thải này hầu hết đều đang thải bỏ bừa bãi ra các bãi đất trống, bùn thải bể phốt thường xả vào mương, cống thoát nước hay trực tiếp ra sông, hồ gây ô nhiễm môi trường.

7. Môi trường các trường học

Hiện tại trên địa bàn toàn tỉnh có tổng số 498 trường (điểm trường) mầm non, tiểu học, THCS, THPT, bao gồm 5.023 phòng vệ sinh với tổng diện tích sàn khoảng 66.162,0m2 (trong đó diện tích khu vệ sinh của học sinh khoảng 52.619m2, diện tích khu vệ sinh của giáo viên khoảng 13.543m2). Cụ thể:

- Tổng số phòng vệ sinh đảm bảo điều kiện vệ sinh là 1.520 phòng (chiếm tỷ lệ 30,26%), với tổng diện tích khoảng 20.415,0m2 (trong đó diện tích khu vệ sinh của học sinh khoảng 14.468m2, diện tích khu vệ sinh của giáo viên khoảng 5.947m2).

- Tổng số phòng vệ sinh chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh cần cải tạo, sửa chữa là 2.950 phòng (chiếm tỷ lệ 58,73%), với tổng diện tích khoảng 39.604m2 (trong đó diện tích khu vệ sinh của học sinh khoảng 32.916m2, diện tích khu vệ sinh của giáo viên khoảng 6.688m2).

- Tổng số phòng vệ sinh không đảm bảo điều kiện vệ sinh, điều kiện an toàn, hư hỏng xuống cấp mức độ lớn cần tháo dỡ là 553 phòng (chiếm tỷ lệ 11,01%), với tổng diện tích khoảng 6.143m2 (trong đó diện tích khu vệ sinh của học sinh khoảng 5.234m2, diện tích khu vệ sinh của giáo viên khoảng 909m2).

8. Môi trường y tế

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 08 bệnh viện tuyến tỉnh; 01 Trung tâm y tế dự phòng tỉnh; 07 bệnh viện tuyến huyện. Ngoài ra còn có bệnh viện Quân y 110 của Bộ Quốc phòng; 03 bệnh viện tư nhân; 456 cơ sở hành nghề y tư nhân; 08 Trung tâm y tế tuyến huyện; 126 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Khối lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh từ 1,37 tấn/ngày đêm, khối lượng chất thải y tế thông thường phát sinh khoảng 2,4 tấn/ngày đêm; nước thải y tế phát sinh 685 m3/ngày đêm. Trong đó có 14/15 bệnh viện, cơ sở y tế công lập và 03 bệnh viện tư nhân có hệ thống xử lý nước thải đạt Quy chuẩn môi trường, công suất từ 20-200 m3/ngày đêm; có 13 cơ sở y tế (gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Phổi Bắc Ninh, Bệnh viện Sức khỏe Tâm Thần, 7 Bệnh viên Đa khoa tuyến huyện, Bệnh viện Đa khoa tư nhân Kinh Bắc và Bệnh viện Quân y 110) được trang bị lò đốt với công suất thiết kế từ 20 - 25kg/h (riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh được trang bị lò đốt với công suất thiết kế 80 - 100kg/h). Ngoài ra, một số cơ sở y tế ký hợp động xử lý với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại tập trung có Giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép trên địa bàn tỉnh.

Thu Vân
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động