TPHCM: Tham vấn ý kiến chuyên gia để định hướng phát triển công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Sáng 26/4, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo quốc tế “Định hướng phát triển Công nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đã nhận định: …ngành công nghiệp sản xuất của thành phố đang bị lạc hậu, tỷ trọng thâm dụng lao động cao, giá trị gia tăng thấp… Và định hướng phát triển công nghiệp của thành phố trong thời gian tới là tiếp tục nâng cao chất lượng sản xuất công nghiệp, đáp ứng xu thế phát triển của thế giới và xây dựng các mảng công nghiêp phát triển theo hướng công nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoặc là công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao để tạo ra giá trị sản xuất mới, để đóng góp lớn hơn cho sự tăng trưởng và phát triển của Thành phố.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp… đã trình bày nhiều thông tin, ý kiến, đánh giá về thực trạng lĩnh vực công nghiệp ở thành phố hiện nay cùng những đề xuất, kiến nghị về giải pháp, chiến lược phát triển các ngành công nghiệp ở thành phố trong bối cảnh mới và giai đoạn sắp tới.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phát biểu tại hội thảo ( Ảnh : Linh Nguyên ST ) |
Việc sớm có định hướng phát triển công nghiệp của Thành phố sẽ có vai trò quan trọng và mang tính dẫn dắt cho sự phát triển công nghiệp trong Vùng kinh tế điểm phía nam, cũng như thúc đẩy phát triển công nghiệp cả nước.
Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI, Đảng bộ và chính quyền Thành phố đã xác định rõ định hướng và đề ra mục tiêu thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp thành phố như sau:
Mục tiêu đến năm 2030, công nghiệp thành phố đạt trình độ phát triển dịch vụ - công nghiệp hiện đại; từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn; đạt giá trị gia tăng cao, đặc biệt là 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu. Tầm nhìn đến năm 2045, thành phố phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu phát triển công nghiệp của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Để hiện thực hóa định hướng và các mục tiêu trên, thành phố đang tập trung vào một số nhóm nội dung chiến lược: Hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên; phát triển quỹ đất công nghiệp; hỗ trợ vốn và thu hút đầu tư; hỗ trợ phát triển công nghệ, khoa học, kỹ thuật; phát triển thị trường, xúc tiến thương mại; hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; liên kết vùng; đề xuất cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp.
Quang cảnh hội thảo ( Ảnh : Linh Nguyên - ST) |
Đồng thời, TP.HCM cũng đóng vai trò là trung tâm kết nối vùng giữa các vùng Đông Nam bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, và Nam Trung Bộ, bao gồm kết nối hạ tầng giao tông, logistics, kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa, kết nối hạ tầng công nghiệp và kết nối về môi trường...
Kết luận hội thảo, Cục trưởng Cục Công nghiệp Bộ Công thương Trương Thanh Hoài nhấn mạnh: …doanh nghiệp chính là người làm, còn nhà nước có vai trò định hướng và hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp đóng vai trò quyết định trong việc định hướng phát triển CN TPHCM trong giai đoạn tới. Trong thời gian tới, TP cần hoàn thiện lại một số danh mục sản phẩm cụ thể trên cơ sở dữ liệu khu vực TPHCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam để xem các tiềm năng cần đẩy mạnh và xác định sản phẩm cụ thể… Cục trưởng Trương Thanh Hoài cũng đề nghị TPHCM tiếp tục triển khai các chương trình CN hỗ trợ và chương trình kích cầu đã thực hiện trong thời gian qua./.
Tin mới
Tin khác
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.