Yên Bái: Phát huy lợi thể phát triển năng lượng mặt trời

18/05/2020 14:33 Địa phương
Yên Bái là địa phương có lợi thế về điều kiện truyền tải, nên có thể triển khai phát triển các dự án điện mặt trời công suất lớn. Đặc biệt, tại đây có Hồ Thác Bà là hồ nhân tạo lớn nhất cả nước với diện tích 23.400 ha, mặt hồ tĩnh lặng là lợi thế lớn để xây dựng nhà máy điện mặt trời.  
Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời
yen bai phat huy loi the phat trien nang luong mat troi
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái - ông Đỗ Đức Duy (đứng) chủ trì hội thảo.

Tại hội thảo về dự án sản xuất pin năng lượng mặt trời tại Khu công nghiệp phía Nam và các dự án điện mặt trời trên hồ Thác Bà, Công ty CP Đầu tư và phát triển NEVN cho biết, hiện nay ngay gần tỉnh Yên Bái có trạm biến áp 500kV Việt Trì có thể giải bài toán truyền tải điện ổn định cho các dự án công suất lớn tại khu vực miền Bắc, do đó Công ty đề xuất được phép xây dựng nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời tại khu công nghiệp phía Nam với công suất dự kiến 400MW, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 968 tỷ đồng; đồng thời đề xuất xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời nổi trên mặt nước tại hồ Thác Bà với 2 giai đoạn: giai đoạn 1 thời gian thực hiện từ năm 2020 - 2022 với công suất dự kiến 560MW, diện tích 884,68ha; giai đoạn 2 từ 2022 - 2026, công suất 800MW, diện tích 1.600ha.

Công ty CP kinh doanh xi măng miền Bắc đề xuất xây dựng dự án nhà máy điện mặt trời Yên Bình, tỉnh Yên Bái với tổng công suất 570MWp, tổng sản lượng điện của cả nhà máy khoảng 641.119 GWh/năm. Quy mô dự án gồm các hạng mục: nhà máy điện mặt trời Yên Bình - cụm Cẩm Ân với công suất lắp đặt khoảng 170MWp; nhà máy điện mặt trời Yên Bình - cụm Phúc An, công suất 400MWp. Dự kiến giữa năm 2021 sẽ thi công lắp đặt, thử nghiệm và vận hành thử.

Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu đã nghe đánh giá về công nghệ áp dụng đối với nhà máy sản xuất pin và nhà máy điện mặt trời trên hồ Thác Bà. Cùng với đó là trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt quy hoạch các dự án điện mặt trời vào Quy hoạch phát triển điện lực điện quốc gia, quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế và thẩm định dự án. Các vấn đề liên quan đến lĩnh vực môi trường như: các biện pháp giảm thiểu và xử lý chất thải từ quá trình làm sạch bề mặt các tấm pin, các ảnh hưởng đến hiệu ứng nhà kính, ảnh hưởng đến nguồn nước hồ Thác Bà, tác động khác đến môi trường; ảnh hưởng của dự án đến nuôi trồng thủy sản… cũng được các đại biểu thảo luận.

Sau khi nghe các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý... đánh giá đề án đầu tư - xây dựng các dự án trên, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy đã đề nghị chủ đầu tư phối hợp với chính quyền huyện Yên Bình, các sở, ngành địa phương hoàn thiện thủ tục, đảm bảo khởi công nhà máy sản xuất pin mặt trời vào cuối tháng 6/2020.

Đối với các dự án nhà máy điện mặt trời, nhà đầu tư cần tính toán, nghiên cứu kỹ để lựa chọn công nghệ tiên tiến, tối ưu nhất để đảm bảo hiệu quả đầu tư, đồng thời giảm thiểu tác động môi trường sinh thái; tiếp tục tính toán giải pháp kỹ thuật để giảm chi phí, đảm bảo vận hành an toàn; đảm bảo ổn định cuộc sống người dân; thống nhất, đồng bộ, không xung đột với các dự án khác, đặc biệt là các dự án về du lịch.

Thu Vân
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động