Biến ô nhiễm thành tài nguyên

22/07/2019 13:57 Công nghệ, thiết bị
Có một thực trạng là các làng nghề sản xuất tại Việt Nam nói chung sử dụng công nghệ và thiết bị sản xuất lạc hậu. Đây là nguyên nhân năng suất, chất lượng sản phẩm thấp kéo theo gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Các làng nghề sản xuất tinh bột dong đao cũng không nằm ngoài thực trạng này. Sản xuất dong đao tạo ra khối lượng nước thải và bã thải rất lớn. Các chất thải chưa được xử lý thường xả toàn bộ ra cống thoát chung rồi đổ ra lưu vực sông, suối gây ô nhiễm môi trường.
Ước tính, thiệt hại kinh tế do chất thải phát sinh từ hoạt động chế biến tinh bột là rất lớn như làng nghề tinh bột Quế Dương (5.7 tỷ đồng/năm); làng nghề miến dong Kim Phượng (4 tỷ đồng/năm…). Chất thải làng nghề sản xuất tinh bột còn gây hậu quả về sức khỏe cho người dân xung quanh khu vực.

Thực trạng ô nhiễm làng nghề dong đao


Nâng cao giá trị hướng đến phát triển bền vững chuỗi giá trị từ củ dong đao là bài toán khiến các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ sinh học – Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội trăn trở. Ý tưởng “Biến ô nhiễm thành tài nguyên” cứ thôi thúc khiến các nhà khoa học ngày đêm nghiên cứu, tìm ra hướng đi “xanh” cho các làng nghề dong đao.
Được sự hỗ trợ của Bộ Công Thương thông qua Đề án ứng dụng và Phát triển công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020, Viện Công nghệ sinh học – Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội đã triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để chế biến và nâng cao hiệu quả kinh tế các sản phẩm từ dong đao làng nghề”.
Diện tích trồng dong đao của nước ta khoảng 35.000 ha. Với quy trình chế biến dong đao tại các làng nghề hiện nay, chỉ 20% tinh bột thu được, 80% còn lại gồm bã, bùn và nước thải không được tái sử dụng mà xả thẳng ra môi trường. Sản xuất dong đao gây ra tình trạng ô nhiễm nặng cho làng nghề và các khu vực lân cận (chỉ số COD cao gấp 5-6 lần sao với nước thải sinh hoạt).

Nước thải xả thẳng ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng


PGS. TS Trần Liên Hà, chủ nhiệm nhóm nghiên cứu nhận định “Phát triển được công nghệ xử lý phù hợp, tách được phần bã và bùn thải, tận dụng được nguồn thải làm cơ chất trồng nấm, phân bón hữu cơ sẽ góp phần gia tăng giá trị sản phẩm từ nguồn phụ thu đồng thời giúp giảm chi phí cho công tác xử lý môi trường, qua đó khuyến khích người dân làng nghề tham gia tích cực hơn trong công tác xử lý chất thải, bảo vệ môi trường”.
Xuất phát từ hướng đi phát triển bền vững làng nghề, nhóm nghiên cứu đã thực hiện tối ưu quá quy trình sản xuất dong đao. Theo đó, trước tiên tối ưu quy trình rửa nhằm tiết kiệm nước. Nước dùng khuấy và lọc tinh bột được xử lý, quay lại tận dụng cho quy trình ngâm rửa củ. Cách làm này vừa tiết kiệm nước vừa hạn chế lượng nước thải ra môi trường.

PGS. TS Trần Liên Hà (giữa) trình bày kết quả nghiên cứu tại các hội thảo quốc tế


Một điểm rất mới trong công nghệ của đề tài là xây dựng được mô hình hệ thống xử lý nước thải cho phép tách bùn từ chất thải sản xuất dong đao. Theo GS. Nguyễn Văn Cách – thành viên nhóm nghiên cứu, đây là công nghệ xử lý chất thải hoàn toàn mới tại Việt Nam và trên thế giới, được nhiều nhà khoa học trên thế giới đánh giá cao. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện đăng ký quy trình sáng chế quốc tế đối với kết quả nghiên cứu.

Hệ thống xử lý nước thải cho phép tách bùn từ chất thải sản xuất dong đao được đăng ký quy trình sáng chế quốc tế


Bã dong đao sau khi tách bùn có thành phần dinh dưỡng cao được xử lý tạo thành cơ chất trồng nấm. Nuôi trồng thử nghiệm đối với nấm dược liệu (nấm đầu khỉ) và nấm ăn (nấm sò) đạt kết quả rất tốt, giá trị dược liệu và dinh dưỡng cao. Tại quy trình này, quan điểm về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững vẫn được giữ vững. Cơ chất sau quá trình nuôi trồng nấm đầu khỉ có giá trị kinh tế cao được phối trộn thêm thành phần dinh dưỡng tiếp tục được sử dụng làm cơ chất nuôi trồng nấm sò. Thay vì dùng túi nilong làm bầu trồng nấm như cách làm phổ biến hiện nay, nhóm nghiên cứu lựa chọn bịch nhựa có thể tái sử dụng nhiều lần. Đặc biệt, bã thải sau thu hoạch nấm được phối trộn với lượng bùn vi sinh thải ra sau hệ thống xử lý nước thải hữu cơ tạo thành phân bón hữu cơ sinh học. Thời gian ủ khoảng 1 tháng, cứ 15 ngày ủ tiến hành đảo trộn và bổ sung nước tạo độ ẩm. Kết quả phân tích cho thấy, phân bón hữu cơ sinh học đảm bảo các yêu cầu về chất lượng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nấm đầu khỉ và nấm sò trồng bằng cơ chất từ bã thải dong đao

Vụ Khoa học và công nghệ - Bộ Công Thương
Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động