Úc là một trong những quốc gia phải đối mặt với tình hình biến đổi khí hậu phức tạp nhất. Các đợt nắng nóng với nhiệt độ cao kỷ lục diễn ra liên tiếp không chỉ khiến cuộc sống của con người bị ảnh hưởng, mà còn đe doạ nghiêm trọng đến sự sinh tồn của nhiều loài động thực vật quý hiếm. Những bức ảnh dưới đây phản ánh thực tế sức tác động khủng khiếp của hiện tượng ấm lên toàn cầu lên thiên nhiên nước này.
Loài gặm nhấm Melomys rubicola (Bramble Cay) được Bộ Môi trường Úc tuyên bố tuyệt chủng từ tháng 2/2019 do nước biển dâng. Ảnh: Bruce Thomson.
Một phần ba số cáo bay ở thành phố Cairns (Queensland, Úc) đã chết trong một đợt nắng nóng năm 2018. Ảnh: David White.
Một hệ sinh thái rừng ngập mặn trước và sau khi trải qua sóng nhiệt đại dương tại Vịnh Carpentaria (Queensland, Úc). Ảnh: Norman Duke.
Hiện 99% rùa xanh sơ sinh trên các bãi biển phía Bắc của rặng san hô Great Barrier (Úc) là giống cái do nhiệt độ ngày càng ấm lên. Nếu sự mất cân bằng này kéo dài, chúng sẽ đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Ảnh: ioleta Jahnel Brosig, Dreamstime.com
Thảm rêu tự nhiên ở Nam Cực trước và sau khi nhiệt độ trở nên ấm hơn. Ảnh: Sharon Robinson.
Ảnh chụp một cây thông bút chỉ hàng nghìn năm tuổi ở hồ Mackenzie (Tasmania, Úc) bị sét đánh cháy đen. Các vụ cháy rừng gây ra do sét khô đang ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu, khiến hàng nghìn loài thực vật quý hiếm trong các rừng mưa nhiệt đới, có tuổi thọ hàng thế kỷ bị huỷ hoại. Ảnh: Rob Blakers
Một hệ sinh thái san hô staghorn khỏe mạnh tại đảo Camiguin (Philippines) so với một rặng san hô cùng loại bị sóng nhiệt đại dương "tiêu diệt" ở đảo Lizard (Queensland). Ảnh: Climate Council/Ocean Agency Catlin Seaview Survey.
Một đợt nắng nóng dưới nước diễn ra trong năm 2010 - 2011 đã "hô biến" 90% diện tích cỏ thuỷ sinh ở một số khu vực tại Vịnh Shark (Tây Úc). Ảnh: Robert Nowicki.
Nắng nóng đã gây ra cái chết hàng loạt cho loài vẹt yến phụng và vẹt đen Carnaby ở Tây Úc, đẩy chúng tới bờ vực tuyệt chủng. Ảnh: Rick Dawson/Internet.
Những cánh rừng tảo bẹ khổng lồ ở Tasmania bị suy giảm diện tích nghiêm trọng do sóng nhiệt dưới nước và phạm vi sinh sôi của nhím biển tăng lên. Ảnh: John Turnbull.
Sự suy giảm dài hạn về lượng mưa và dòng chảy trong lưu vực sông Murray-Darling đã góp phần gây ra cái chết của khoảng một triệu con cá. Ảnh: Rob Gregory.
Hạn hán kéo dài đã khiến số lượng sâu bướm bogong ở Úc suy giảm đáng kể, kéo theo nguy cơ tuyệt chủng của loài thú có túi siêu nhỏ ăn côn trùng (mountain pygmy possum). Ảnh: Bộ sưu tập Công viên Alps của Úc và Ajay Narendra.
Nhiều loài cây đang chết dần chết mòn do nắng nóng. Ảnh: George Matusick